Nhân lực truyền thông chính sách: cần những tiêu chí gì?
Truyền thông - Ngày đăng : 20:00, 30/12/2023
Nhân lực truyền thông chính sách: cần những tiêu chí gì?
Khi báo chí đăng tải bài viết về một “khu rừng hơn 600 ha sắp chuyển thành hồ thủy lợi”[1], dư luận xã hội mới bắt đầu chú ý đến một dự án đã được triển khai nhiều năm nay và được Quốc hội thông qua từ năm 2019, đó là việc xây hồ thuỷ lợi Ka Pét tại tỉnh Bình Thuận.
Tóm tắt:
Xác định tiêu chí cho nhân sự truyền thông chính sách:
Am hiểu và có kỹ năng về truyền thông.
Nhận biết và ứng dụng những phần mềm, công nghệ có thể phục vụ cho công việc truyền thông chính sách.
Đề xuất:
Đào tạo cán bộ chuyên môn để nắm được các kỹ năng truyền thông cơ bản và biết cách áp dụng.
Tuyển chọn và đầu tư cho người hoạch định chiến lược truyền thông trong mỗi dự án.
Đào tạo, cập nhật về việc ứng dụng công nghệ vào công việc thực tế.
Nâng cao nhận thức của người đứng đầu.
Ví dụ này chỉ là một trong nhiều câu chuyện thực tiễn về những dự án, chính sách nhà nước được truyền thông chưa hiệu quả tới người dân, dẫn đến những hệ lụy không đáng có. Nguyên nhân thực tế có thể đến từ nhiều yếu tố, nhưng có thể khẳng định một trong những yếu tố cốt lõi, khiến hoạt động truyền thông chính sách đạt hiệu quả, chính là yếu tố “con người”.
Bối cảnh
Đối với dự án xây hồ thủy lợi Ka Pét, mặc dù sau đó, chính quyền tỉnh Bình Thuận đã phản ứng khá nhanh qua việc Bí thư Tỉnh ủy trả lời phỏng vấn trên báo VnExpress (sau vài ngày báo đăng) về các nội dung cụ thể của dự án này, tập trung lý giải những thắc mắc của dư luận, nhưng có thể thấy chính quyền tỉnh không bị động nếu như thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách về dự án.
Có nhiều nguyên nhân của sự “không tốt” này đã được chỉ ra nhưng nổi bật có lẽ là nguồn nhân lực truyền thông chính sách. Trong bộ máy hoạch định chính sách, nhân sự làm truyền thông mới chỉ được quan tâm trong khoảng vài năm trở lại đây. Việc yêu cầu Bộ Nội vụ kết hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) hướng dẫn về vị trí việc làm, định mức biên chế của công chức, viên chức làm công tác truyền thông chính sách cũng xuất hiện trong Chỉ thị 07 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành tháng 3/2023 vừa qua.
Trước đó, trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách diễn ra ngày 24/11/2022, kết quả khảo sát do Bộ TT&TT tiến hành tại 59 cơ quan, Bộ ngành địa phương (báo cáo tại Hội nghị) đã cho thấy “chưa có sự nhất quán mô hình bộ phận chuyên trách về truyền thông; 40/59 cơ quan khảo sát chưa có đội ngũ truyền thông chuyên trách; nhân lực làm công tác truyền thông ở cơ quan nhà nước chưa được chuẩn hóa, thường là kiêm nhiệm các công việc khác” [2]. Đây cũng là một kết quả của việc Luật Ngân sách Nhà nước chưa có quy định cụ thể đối với hoạt động chi ngân sách riêng cho công tác truyền thông chính sách.
Những dữ kiện trên cho thấy một thực trạng còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng ở đội ngũ nguồn nhân lực cho truyền thông chính sách ở nước ta. Vậy, cần những tiêu chí gì cho đội ngũ làm truyền thông chính sách, cũng như cần bắt đầu từ đâu để xây dựng đội ngũ này?
Xác định tiêu chí
Kiến thức về chính sách
Muốn truyền thông hiệu quả về một chính sách cụ thể, cần có kiến thức về chính sách đó, ít nhất ở các khía cạnh căn bản: nội dung chính sách; quy trình lấy ý kiến, xây dựng, ban hành chính sách; các đối tượng tác động đến chính sách; các đối tượng chịu tác động bởi chính sách; hệ sinh thái của chính sách...
Có như vậy, mới nhìn nhận được một chính sách trong tổng thể, và hiểu về những điểm mấu chốt có thể khiến dư luận, công chúng, đối tượng chịu tác động quan tâm trong nội dung chính sách và trong quá trình xây dựng, ban hành chính sách. Việc nắm rõ chính sách sẽ giúp người làm truyền thông nhìn ra được những “nút thắt” cần tháo gỡ của chính sách thông qua công tác truyền thông như thế nào. Đồng thời, chọn lọc được thông điệp truyền thông chính xác, hiệu quả đến đúng đối tượng cần tác động.
Vì những lý do trên, thông thường nhân sự làm công tác truyền thông cũng chính là nhân sự chuyên môn công tác tại các Bộ, ngành, địa phương.
Kỹ năng truyền thông
Ngoài hiểu biết về chính sách, đội ngũ làm truyền thông chính sách phải là người am hiểu và có kỹ năng về truyền thông. Họ cần biết một chu trình truyền thông diễn ra như thế nào, có những thành tố gì trong đó, và chúng tác động qua lại nhau ra sao.
Họ cũng cần hiểu về năng lực, thế mạnh, hạn chế của các kênh truyền thông khác nhau, để qua đó đánh giá tính phù hợp, hiệu quả của mỗi kênh truyền thông đối với đường đi của một chính sách. Để chuẩn bị làm truyền thông cho một chính sách, đội ngũ truyền thông cần trả lời được các câu hỏi:
- Mục đích truyền thông chính sách đó?
- Đối tượng tiếp nhận thông điệp truyền thông là (những) ai?
- Thông điệp truyền thông là gì?
- Cách thức/Phương pháp/Kênh truyền thông là (những) gì?
- Đánh giá hiệu quả của kênh truyền thông bằng cách nào?
- Thời gian cho từng giai đoạn truyền thông? (Chuẩn bị truyền thông, Triển khai truyền thông, Đánh giá hiệu quả truyền thông)
Như vậy, khi nhìn vào những đòi hỏi căn bản về mặt kỹ năng truyền thông như trên đối với một cán bộ làm truyền thông chính sách, có thể thấy họ cần phải được đào tạo về kỹ năng truyền thông nói chung và kỹ năng truyền thông chính sách nói riêng, chứ không thể chỉ đơn giản là cán bộ chuyên môn kiêm nhiệm như hiện nay.
Cập nhật công nghệ
Không chỉ về kỹ năng truyền thông, trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, nhân sự làm truyền thông chính sách đang đứng trước cả cơ hội và thách thức như nhiều nghề nghiệp khác. Họ có cơ hội tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ để khiến công việc dễ dàng, nhanh chóng, hiệu quả hơn. Nhưng họ cũng gặp thách thức trong việc nhận biết và ứng dụng những phần mềm, công nghệ có thể phục vụ cho công việc truyền thông chính sách của mình.
Sự hiểu biết về vai trò của công nghệ trong việc triển khai một hoạt động truyền thông chính sách đã là bước đầu hướng đến sự thành công của chính sách. Nhưng nó chỉ có cơ hội thành công khi được nhận thức ở người đứng đầu và được chỉ đạo triển khai từ trên xuống dưới. Để làm như vậy, công tác tham mưu truyền thông chính sách đối với người đứng đầu rất quan trọng và là nhiệm vụ hiển nhiên của đội ngũ truyền thông chính sách.
Xây dựng đội ngũ truyền thông chính sách
Trước khi bàn về giải pháp xây dựng đội ngũ truyền thông chính sách, cần phân tích một ví dụ mới đây đã và vẫn đang được triển khai khá thành công. Đó là Đề án Phát triển Ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, hay còn gọi là Đề án 06.
Đề án 06 được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong chủ trương CĐS quốc gia của Chính phủ. Vì thế, nó là một đề án lớn và liên quan đến nhiều Bộ ngành và các địa phương. Trong Đề án này, các địa phương phải chủ trì triển khai thực hiện 13 nhóm nhiệm vụ chung, 25 Dịch vụ công (DVC) thiết yếu và 40 nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan Trung ương.
Trong Hội nghị Sơ kết triển khai Đề án 06 và tổng kết hoạt động của Ủy ban CĐS quốc gia năm 2022 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vào ngày 25/12/2022, các báo cáo cho thấy “25/25 DVC trực tuyến thiết yếu của Đề án đã cơ bản hoàn thành” [3], nhiều DVC đã cắt giảm thời gian thực hiện, nhiều DVC đã cắt giảm các loại giấy tờ, thủ tục... mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân.
Vừa qua, trong phiên họp của Tổ công tác triển khai Đề án 06 vào tháng 8 năm 2023 cũng cho thấy một số kết quả cụ thể như: “Về kết quả thực thi 19 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ của công dân liên quan đến dân cư: Các Bộ, ngành đã thực thi phương án đơn giản hóa đối với 351/1.086 thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 32,3%, tăng 37 thủ tục hành chính so với thời điểm sơ kết 6 tháng)” [4], hay về DVC quốc gia tính đến tháng 8 năm 2023 đã cung cấp 4.448 DVC trực tuyến qua Cổng DVC quốc gia v.v..
Nhìn về hiệu quả của Đề án 06 tại một địa phương là thành phố Hà Nội, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho biết, một trong những cách mà Hà Nội triển khai đề án này trong năm đầu tiên và nhận được sự hưởng ứng của người dân là “cầm tay chỉ việc” với mô hình “Đội cơ động hỗ trợ DVC trực tuyến tại nhà” cùng phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, cầm tay hướng dẫn từng người dân thực hiện DVC trực tuyến”. Cách làm này được triển khai trên cơ sở nhận định về tầm quan trọng của truyền thông lan tỏa và xác định mục tiêu hướng đến là “Người dân biết - Người dân sử dụng - Người dân tuyên truyền” [5].
Với cách làm phối hợp giữa truyền thông ở cơ sở và phối hợp với đội ngũ “cầm tay chỉ việc”, Hà Nội đã thành công bước đầu trong việc triển khai một nội dung quan trọng của Đề án 06 trong năm 2022. Nhận định về cách truyền thông chính sách đối với Đề án 06, có thể thấy, Hà Nội đã thành công trong việc:
- Xác định rõ các thành phần trong chu trình truyền thông chính sách;
- Xác định được đối tượng cần truyền thông;
- Xác định được phương thức truyền thông (qua các phương tiện mạng xã hội vào thời gian đầu, sau đó qua sự “cầm tay chỉ việc” của cán bộ hướng dẫn và cuối cùng là qua sự tuyên truyền lẫn nhau của người dân);
- Đánh giá được hiệu quả của truyền thông v.v..
Đội ngũ truyền thông cho Đề án 06 của UBND TP. Hà Nội, trong thực tế, là các cán bộ của UBND các phường, xã, các công an viên của cơ quan công an các phường, xã, phối hợp sâu rộng với đội ngũ những người dân đảm nhiệm công tác Tổ trưởng các tổ dân phố, Bí thư các chi bộ ở nơi cư trú v.v.. chứ không phải cụ thể một đội ngũ làm truyền thông chuyên nghiệp nào.
Nhưng nhờ chủ trương dồn nguồn lực vào thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 cũng như sự sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo của cấp lãnh đạo, mà Đề án này đã được đưa vào cuộc sống với những kết quả dễ thấy. Qua đây, có thể đề xuất một vài gợi ý cho việc xây dựng nguồn nhân lực cho truyền thông chính sách.
Lựa chọn cán bộ chuyên môn để đào tạo về truyền thông
Thực tế cho thấy việc tuyển dụng, bổ sung thêm nhân lực chuyên trách về truyền thông chính sách cho bộ máy công quyền là điều khó thực hiện. Nó cũng đi ngược lại chủ trương tinh giảm biên chế của nhà nước, đồng thời chưa có được cơ chế ngân sách riêng cho truyền thông chính sách nếu đối chiếu theo Luật Ngân sách Nhà nước. Do đó, thay vì tăng lên về số lượng, có thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chuyên môn tại các cơ quan Bộ ban ngành, địa phương.
Những cán bộ chuyên môn cần được đào tạo để nắm được các kỹ năng truyền thông cơ bản và biết cách áp dụng những kỹ năng này thường xuyên trong công việc chuyên môn. Theo đó, việc nắm được chu trình truyền thông là một nội dung căn bản cần được đưa vào chương trình đào tạo.
Chu trình truyền thông cần được phân tích trong những chính sách cụ thể với những tình huống cụ thể, để các cán bộ hình dung sát với thực tiễn, nắm được các tác động qua lại của các thành tố, và gia tăng năng lực dự đoán tình huống đến từ dư luận, đến từ các bên liên quan đối với một bài toán truyền thông chính sách cụ thể.
Soi chiếu ví dụ về dự án hồ thủy lợi Ka Pét, nếu những người phụ trách việc làm truyền thông cho dự án này nhạy cảm và có kỹ năng truyền thông tốt hơn, có thể đã lường trước được tình huống bất lợi đến từ dư luận xã hội khi nhìn vào thái độ, tình cảm, nhận thức của người dân đối với vấn đề bảo vệ thiên nhiên, môi trường hiện nay và cụ thể ở dự án này là 600 héc ta rừng sẽ mất đi. Từ đó, họ có thể nhận thức được về hai đối tượng hướng tới để truyền thông cho dự án này: Một là người dân địa phương, hai là người dân cả nước, sau đó, lập các kế hoạch cụ thể để truyền thông cho hai đối tượng này.
Trong số các nội dung đào tạo về kỹ năng truyền thông cho cán bộ chuyên môn, cần nhất thiết nhấn mạnh: nghiệp vụ phân tích chiến dịch truyền thông, triển khai chiến dịch truyền thông, truyền thông mạng xã hội; kỹ năng cung cấp thông tin cho báo chí - truyền thông; kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông v.v..
Thêm vào đó, trong số các cán bộ chuyên môn được đào tạo về kỹ năng nghiệp vụ truyền thông, thì người hoạch định chiến lược truyền thông trong mỗi dự án nên là người được tuyển chọn và đầu tư nhất. Bởi họ sẽ đóng vai trò như người tổng điều hành của dự án và báo cáo trực tiếp với người đứng đầu đơn vị. Đây không chỉ là người cần phải có chuyên môn tốt mà còn phải có khả năng quản lý, giám sát, bên cạnh kỹ năng truyền thông.
Hướng dẫn, cập nhật việc ứng dụng công nghệ vào công việc thực tế
Với khả năng tổ chức, xử lý, giải quyết nhiều công việc nhanh, gọn, hiệu quả, các ứng dụng, phần mềm hoàn toàn có thể trở thành công cụ đắc lực cho người làm công tác truyền thông nói chung và truyền thông chính sách nói riêng.
Tương tự như đào tạo kỹ năng về truyền thông, đội ngũ chuyên môn cũng cần được đào tạo, cập nhật về việc ứng dụng các công nghệ vào công việc thực tế từ những chuyên gia công nghệ thông tin. Để thuận lợi trong việc tổ chức đào tạo, tập huấn, các cán bộ chuyên trách có thể đề xuất các nội dung tập huấn phù hợp với công việc thực tế. Ví dụ, làm thế nào để ứng dụng công nghệ thông tin ở những công đoạn:
- Khảo sát ý kiến dư luận, tổng hợp và phân tích các kết quả;
- Phân tích các tác động của chính sách;
- Thiết kế các thông điệp truyền thông;
- Mô phỏng những mô hình, hiệu ứng liên quan đến đường đi của chính sách, chu trình truyền thông của chính sách; đánh giá hiệu quả của chính sách...
- Tính toán ngân sách dành cho các dự án, cho chiến dịch truyền thông v.v..
Người làm công tác truyền thông chính sách khi có thể ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc thực tế sẽ cải thiện hiệu quả công việc gấp nhiều lần, giảm thiểu rủi ro về mặt truyền thông và tăng hiệu quả của chính sách trong thực tiễn. Nhìn vào kết quả đến nay của Đề án 06, có thể thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc vừa là phương tiện, vừa là mục đích của những người làm công tác truyền thông cho dự án này, vì thế, những thành công của đề án này là điều không khó nhận thấy.
Nâng cao nhận thức của người đứng đầu
Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách (diễn ra ngày 24/11/2022), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại công tác truyền thông chính sách có vai trò rất quan trọng, “là một trong những chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan của Chính phủ và các địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình” [6].
Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ ra một số bất cập trong công tác truyền thông chính sách mà một trong những biểu hiện là “cấp uỷ, chính quyền, nhất là người đứng đầu một số cơ quan, Bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm, chưa có nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của truyền thông chính sách. Đầu tư cho cơ sở vật chất, nhân lực chưa xứng tầm với công tác này. Việc đánh giá, sơ kết, tổng kết chưa thực sự được coi trọng, nên có những mặt làm tốt chưa được nhân rộng, khắc phục hạn chế yếu kém còn chậm so với yêu cầu” [7].
Có thể thấy nhận thức của người đứng đầu là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy các giải pháp còn lại. Người đứng đầu, khi nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của truyền thông chính sách, cũng như nhận thức được đầy đủ về vai trò mang tính quyết định của vị trí đứng đầu của mình đối với sự thành công của truyền thông chính sách, sẽ có động lực tạo ra cơ chế khuyến khích hoạt động truyền thông chính sách, hỗ trợ công việc của người làm truyền thông chính sách. Vì thế, bản thân những người đứng đầu cũng cần hiểu biết về tầm quan trọng của truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin.
Về các hành động cụ thể, mỗi cơ quan, đơn vị cần có kế hoạch truyền thông với ngân sách rõ ràng và các cơ chế tạo điều kiện về mặt thời gian, định mức công việc, để đội ngũ cán bộ chuyên môn thích nghi dần với các kỹ năng mới và ứng dụng được vào công việc thực tế. Truyền thông chính sách là một nhiệm vụ khó. Việc thực hiện được nhiệm vụ này, bên cạnh vai trò tiên quyết của người đứng đầu, còn tùy thuộc vào điều kiện, bối cảnh cụ thể của từng cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, nếu cứ mãi “đổ” cho hoàn cảnh thì không bao giờ nhiệm vụ này có thể được thực thi hiệu quả vì ở Bộ ban ngành, địa phương nào cũng có những khó khăn chung về cơ chế cũng như khó khăn riêng đặc thù.
Tài liệu tham khảo
1. Việt Quốc (04/9/2023), Khu rừng hơn 600 ha sắp chuyển thành hồ thủy lợi, Báo điện tử VnExpress, https://vnexpress.net/khu-rung...
chuyen-thanh-ho-thuy-loi-4648600.html2. Ngọc An (24/11/2022), Thủ tướng chủ trì họp về truyền thông chính sách, yêu cầu ‘cầu thị, lắng nghe’ người dân, Báo Tuổi trẻ điện tử, https://tuoitre.vn/thu-tuong-c...
truyen-thong-chinh-sach-yeu-cau-cau-thi-lang-nghe-nguoi-dan-20221124151658135.
htm3. Gia Huy (25/12/2022), Cơ bản hoàn thành 25/25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu của Đề án 06, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, https://vpcp.chinhphu.vn/hoan-...
vu-cong-truc-tuyen-thiet-yeu-cua-de-an-06-115221225123659938.htm
4. Nguyễn Ngọc (31/8/2023), Họp Tổ công tác triển khai Đề án 06 tháng 8/2023, Trang thông tin điện tử Bộ trưởng Bộ Công an, https://bocongan.gov.vn/bo-tru...
to-cong-tac-trien-khai-de-an-06-thang-82023-d2-t3106.html5. Gia Huy (01/01/2023, Đề án 06 của Chính phủ: Cắt giảm giấy tờ, thuận tiện và giảm chi phí cho người dân, Báo điện tử Chính phủ, https://baochinhphu.vn/de-an-06-cua-chinh-phu-cat-giam-giay-to-thuan-tien-va-giam-chi-phi-cho-nguoi-dan-102221226124530467.htm#
6. Thông báo số 387/TB-VPCP ngày 22/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
7. Đức Tuân (24/11/2022), Thủ tướng Phạm Minh Chính: Làm tốt truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực lớn, Báo điện tử Chính phủ, https://baochinhphu.vn/thu-
tuong-pham-minh-chinh-lam-tot-truyen-thong-chinh-sach-se-mo-ra-nhung-nguon-luc-
lon-102221124185252115.htm
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11 tháng 11/2023)