AI sáng tạo trong báo chí: Ranh giới giữa đạo đức và đổi mới sáng tạo

Truyền thông - Ngày đăng : 20:35, 31/12/2023

Đạo đức trong báo chí là một lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm trong mọi hệ sinh thái tin tức. Trong lúc hai chủ đề đạo đức và tin tức trong mối tương quan với trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn còn cần phải được nghiên cứu và tìm hiểu thấu đáo thì sự cần thiết phải đưa các bên có liên quan lên một nền tảng để thảo luận và cân nhắc đến tương lai của AI trong bối cảnh thông tin đang phát triển là việc cần và nên làm của giới khoa học toàn cầu.
Truyền thông

AI sáng tạo trong báo chí: Ranh giới giữa đạo đức và đổi mới sáng tạo

ThS. Nguyễn Thị Hồng Chi - Khoa Truyền thông, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh 31/12/2023 20:35

Đạo đức trong báo chí là một lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm trong mọi hệ sinh thái tin tức. Trong lúc hai chủ đề đạo đức và tin tức trong mối tương quan với trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn còn cần phải được nghiên cứu và tìm hiểu thấu đáo thì sự cần thiết phải đưa các bên có liên quan lên một nền tảng để thảo luận và cân nhắc đến tương lai của AI trong bối cảnh thông tin đang phát triển là việc cần và nên làm của giới khoa học toàn cầu.

Tóm tắt:
Sự trỗi dậy của AI đặt ra các câu hỏi về trách nhiệm giải trình, về quyền riêng tư, về đạo đức, cách tôn trọng tính chính xác, tính khách quan...
Đảm bảo việc sử dụng AI một cách có trách nhiệm: Áp dụng công nghệ có xem xét khía cạnh đạo đức.

Vùng xám có thể gây hại cho hệ sinh thái truyền thông đáng tin cậy không?

Tại nhiều cuộc thảo luận xung quanh chủ đề tương lai báo chí trong bối cảnh hiện nay, nhiều nhà báo, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của báo chí chất lượng cao, trong thời điểm truyền thông dường như bão hòa, cùng với chế độ “ăn kiêng” trên mạng xã hội (MXH) với những thông tin, thực đơn tin tức đầy rẫy. Do đó, để phương tiện truyền thông có thể tồn tại, nó cần phải đảm bảo được ý nghĩa, giá trị và nhất là kích thích tư duy.

Phóng viên ảnh Christoph Grabitz, người đoạt giải ảnh Báo chí Thế giới (World Press Photo) trong một hội thảo diễn ra năm 2019 tại Singapore đã từng bày tỏ lo ngại, nhấn mạnh khía cạnh đạo đức của phóng viên ảnh và đặt ra nhiều câu hỏi day dứt. Liệu công chúng có thực sự nâng cao nhận thức không? Hay chúng ta đang nuôi dưỡng nỗi ám ảnh liên quan về bệnh tật, bất ổn, chiến tranh? Với khả năng của AI, đặc biệt là khả năng tạo ra những bức ảnh giả gần như hoàn hảo, người ta hoài nghi, làm sao để phân biệt được thật-giả; đúng-sai?

Nhưng điều cơ bản là những gì có trong sách, hoặc thông qua AI thì những sự độc đáo vẫn thuộc về con người là một thực tế không thể chối cãi.

Tại cuộc trao đổi với ông Rishi Sunak, Thủ tướng Anh, trong khuôn khổ AI Safety Summit 2023 diễn ra đầu tháng 11/2023 tại Anh, ông Musk cũng chia sẻ rằng AI có tiềm năng trở thành lực lượng đột phá nhất trong lịch sử và sẽ đến lúc con người không cần làm việc nữa, bởi mọi thứ đã có AI. Nhưng điều này mang đến cả mặt tốt lẫn xấu.

tri-tue-nhan-tao-220231012141049.jpeg

Trong lĩnh vực báo chí, việc sử dụng AI đặt ra một số thách thức về quyền riêng tư và đạo đức, bao gồm các mối lo ngại như giả mạo rõ rệt và các sai lệch liên quan đến thuật toán tiềm ẩn.

Lấy ví dụ liên quan đến câu chuyện thao túng tin tức làm dẫn chứng. AI có thể được sử dụng để tạo ra những câu chuyện thiên vị hoặc không chính xác, tạo ra những câu chuyện được thiết kế để thúc đẩy một chương trình nghị sự cụ thể. AI cũng có thể được sử dụng để truyền bá thông tin sai lệch, điều này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho diễn ngôn công cộng.

Theo Marcelo Peixoto, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Minds Digital - VoiceIDTech, một công ty sử dụng sinh trắc học giọng nói để ngăn chặn gian lận, đây sẽ là lĩnh vực trọng tâm chính. Tại Diễn đàn AI 2023 do TI Inside tổ chức trong một hội thảo có tên “AI: Thử thách vượt qua các khía cạnh pháp lý”, Marcelo đặt ra một câu hỏi quan trọng: “Ai quản lý dữ liệu này? Ai cấu trúc nó? Những thành kiến nào vốn có trong dữ liệu này?”. Ông nhấn mạnh rằng nhiều thuật toán AI trên toàn thế giới thể hiện những thành kiến và phân biệt chủng tộc, có thể ảnh hưởng xấu đến cuộc sống con người khi các quyết định của AI được đưa ra trên các nền tảng xã hội.

AI, ở một khía cạnh, đang làm xói mòn hệ thống phân cấp truyền thống. Đặc biệt, các ngành truyền thống vốn coi trọng hình thức như: Giới học thuật, lĩnh vực báo chí... có thể thấy ngay và rất rõ ràng hệ thống phân cấp bị xói mòn và lệch lạc. Một học giả không mấy tiếng tăm, một nhà báo còn non nghề, chưa có tên tuổi nhưng với sự trợ giúp của AI có thể diễn đạt những suy nghĩ một cách thuyết phục như một học giả từ các Viện, trường uy tín hay cơ quan báo chí có danh tiếng.

Theo một cuộc khảo sát toàn diện gần đây do JournalismAI công bố, các nhà báo tiếp tục bày tỏ lo ngại về AI. Đó là các thách thức trong việc theo kịp sự phát triển nhanh chóng của AI là phát hiện quan trọng của báo cáo, trong đó đã tham khảo ý kiến của 105 tổ chức tin tức và truyền thông từ 46 quốc gia khác nhau về chủ đề AI và các công nghệ liên quan.

Cụ thể, theo báo cáo nêu trên, khoảng 40% số người được hỏi chỉ ra rằng cách tiếp cận AI của họ không thay đổi trong vài năm qua, vì họ vẫn đang ở giai đoạn đầu của hành trình AI hoặc vì việc tích hợp AI vẫn còn hạn chế trong bộ phận tin tức của họ. Hơn 60% thắc mắc liệu việc sử dụng công nghệ AI có duy trì được các giá trị quan trọng như độ chính xác, công bằng và minh bạch hay không, vốn là những quy chuẩn phải có của báo chí?

Những ai công tác trong lĩnh vực PR và báo chí đều biết rằng ngành báo chí đang thay đổi với tốc độ chóng mặt. Đổi lại, các nhà báo tiếp tục phải đối mặt với ngày càng nhiều thách thức khiến công việc của họ ngày càng khó khăn. Theo một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện, khi được yêu cầu mô tả ngành của họ bằng một từ duy nhất, gần 75% nhà báo đã sử dụng những từ tiêu cực, bao gồm “hỗn loạn”, “vật lộn” và “căng thẳng”. Số lượng các cơ quan truyền thông rơi vào cảnh cắt giảm nhân sự, số nhà báo bị sa thải tăng vọt trong thời gian gần đây chỉ làm tăng thêm cảm giác hỗn loạn trong ngành.

Ứng dụng AI một cách có trách nhiệm cùng những cân nhắc liên quan đến đạo đức

Một mặt, sự trỗi dậy của AI trong báo chí đã tạo ra một làn sóng mới về vấn đề đạo đức. Báo chí được hỗ trợ bởi AI có khả năng tự động hóa quá trình tạo nên tin bài. Mặt khác, điều này cũng đặt ra câu hỏi về tính chính xác, khách quan và trách nhiệm giải trình.

Báo chí được hỗ trợ bởi AI có thể được sử dụng để nhanh chóng tạo ra các câu chuyện từ các tập dữ liệu lớn, chẳng hạn như hồ sơ, dữ liệu công khai, dữ liệu tài chính và báo cáo tin tức. AI cũng có thể được sử dụng để phát hiện các xu hướng và sự bất thường trong dữ liệu, từ đó có thể tạo ra những câu chuyện mà lẽ ra không được chú ý.

Chúng ta hãy thử hình dung về một tương lai không xa nơi một người dẫn chương trình ảo tại Ấn Độ - cô Sana, có thể đưa tin về một trận đấu cricket bằng tiếng Hindi vào buổi sáng và chuyển sang phân tích một cuộc bầu cử chính trị ở Telugu vào buổi tối. Nhưng nếu một người dẫn chương trình kỹ thuật số như Sana, mắc sai lầm, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, ai sẽ chịu trách nhiệm? Câu hỏi này và các khuôn khổ lập pháp cổ xưa lạc hậu xa so với công nghệ ngày nay là nguyên nhân gây lo lắng.

sana.jpeg
Tập đoàn India Today đã ra mắt Sana, người dẫn chương trình hợp tác bot AI đầu tiên tại Hội nghị India Today 2023. ​ (Nguồn: Aaj Tak)

Ngoài ra, báo chí có sự hỗ trợ của AI đặt ra câu hỏi về trách nhiệm giải trình. Nếu một câu chuyện được tạo ra bởi hệ thống AI, ai sẽ chịu trách nhiệm về bất kỳ sai sót hoặc điểm thiếu chính xác nào trong câu chuyện? Đó là hệ thống AI, nhà báo hay nhà xuất bản?

Cuối cùng, nghề báo có sự hỗ trợ của AI đặt ra câu hỏi về quyền riêng tư. Hệ thống AI có thể được sử dụng để phân tích các tập dữ liệu lớn, có thể tiết lộ thông tin nhạy cảm về các cá nhân. Điều quan trọng là phải đảm bảo rằng mọi hoạt động báo chí có sự hỗ trợ của AI đều được thực hiện theo cách tôn trọng quyền riêng tư của cá nhân. Nền báo chí với sự hỗ trợ đắc lực bởi AI được xem như là một cuộc cách mạng hóa ngành tin tức, đồng thời, cũng đặt ra những cân nhắc quan trọng về đạo đức. Điều quan trọng là phải đảm bảo rằng hoạt động báo chí có sự hỗ trợ của AI được tiến hành theo cách tôn trọng tính chính xác, khách quan, trách nhiệm và quyền riêng tư.

Làm thế nào con người có thể đảm bảo việc sử dụng AI một cách có trách nhiệm?

Câu trả lời là con người có thể đảm bảo việc sử dụng AI có trách nhiệm bằng cách chủ động tìm hiểu và cộng tác với công nghệ. Cần phải thường xuyên cảnh giác để giải quyết những thành kiến, những cân nhắc về đạo đức và những mối nguy hiểm tiềm ẩn.

Những sự thay đổi đang đến. Kỳ vọng hoặc hy vọng rằng hoặc mọi thứ sẽ không quá tệ hoặc người dùng Internet đã biết nơi họ có thể lấy thông tin chính xác do con người tạo ra. Do đó, sẽ không cần phải giải quyết trách nhiệm và hậu quả của những cỗ máy tin tức nhân tạo.

Khi công nghệ AI ngày càng trở nên phức tạp, nó có thể sẽ có tác động đáng kể đến nhiều lĩnh vực, từ y học, luật pháp đến báo chí và giải trí. Nó chắc chắn sẽ thấm sâu và tác động vào mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta.

Khi chúng ta tiếp tục khám phá các khả năng của AI cùng với khả năng áp dụng trong ngành báo chí, truyền thông, điều quan trọng là phải xem xét khía cạnh đạo đức và xã hội của công nghệ này tác động đến công chúng, đến xã hội.

Ngành công nghiệp truyền thông đang trong tình trạng thay đổi liên tục, với những xu hướng chính này đang định hình tương lai của ngành. Để duy trì tính cạnh tranh và phù hợp, các chuyên gia và tổ chức truyền thông phải thích ứng với những thay đổi này, nắm bắt các công nghệ mới nổi và ưu tiên việc tạo nội dung có đạo đức và có trách nhiệm.

Tin tức không phải là giải trí mà nó là chất xúc tác cho dư luận và là nền tảng giúp xã hội phát triển theo chiều hướng tích cực và tốt đẹp hơn. Giống như tất cả các công nghệ mới nổi, sự phấn khích và tiềm năng của AI trong việc thay đổi ngành báo chí cần phải được cân bằng với việc đưa ra quyết định cẩn trọng và có đạo đức về cách triển khai công nghệ này.

61% chuyên gia PR trên toàn thế giới nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc thuyết trình, giao tiếp và tổ chức công việc hàng ngày của họ bằng các giải pháp AI hàng ngày. Tuy nhiên, các chuyên gia được hỏi cho biết chưa cân nhắc đến vấn đề đạo đức và thông tin sai lệch. Cho đến nay, vẫn chưa có sự hiểu biết rõ ràng về dữ liệu lịch sử nào mà AI hoạt động.

Hơn nữa, nếu dữ liệu thu thập được sử dụng để xây dựng mô hình AI chứa các thành kiến hoặc mô hình phân biệt đối xử, nó có thể khuếch đại những thành kiến đó và dẫn đến việc nhắm mục tiêu không công bằng, nhắn tin phân biệt đối xử hoặc đơn giản là tin sai sự thật.

Cho dù với tư cách là một công dân bình thường hay một nhà báo đang công tác trong một đơn vị báo chí, chúng ta có thể mong đợi một viễn cảnh truyền thông thú vị và đa dạng, cung cấp nhiều nội dung được tạo dựng lên phù hợp với sở thích, nhu cầu ngày càng phát triển của công chúng mà không phạm phải các nguyên tắc chuẩn mực liên quan đến đạo đức nghề báo.

Tài liệu tham khảo:
1. Aldhous, P. (2017, August 7). We Trained A Computer
To Search For Hidden Spy Planes. This Is What It Found.
BuzzFeed News. Retrieved April 11, 2019, from https://www.
buzzfeednews.com/article/peteraldhous/hidden-spy-planes
2. Amazon scrapped ‘sexist AI’ tool. (2018, October 10). BBC.
Retrieved April 11, 2019, from https://www.bbc.com/news/
technology-45809919 Bloomberg. (2018, September 18).
3. Bloomberg Media’s Innovation Lab launches “The Bulletin”
– An AI-Powered News Feed for Bloomberg Mobile App Users
[Press release]. Retrieved April 11, 2019, from https://www.
bloombergmedia.com/press/bloomberg-medias-innovation-
lab-launches-bul etin/
4. M, V. (2018, May 7). Artificial Intelligence vs. Machine
Learning vs. Deep Learning. Retrieved April 11, 2019, from
https://www.datasciencecentral...
intelligence-vs-machine-lea ning-vs-deep-learning

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11 tháng 11/2023)

ThS. Nguyễn Thị Hồng Chi - Khoa Truyền thông, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh