Camera an ninh ứng dụng FDO được thương mại hoá đầu tiên trên thế giới
Make in Vietnam - Ngày đăng : 14:20, 05/12/2023
Camera an ninh ứng dụng FDO được thương mại hoá đầu tiên trên thế giới
Theo đại diện Pavana, việc hơn 90% thị phần camera trong nước rơi vào tay doanh nghiệp (DN) nước ngoài sẽ đem lại những rủi ro rất lớn về mặt dữ liệu.
Do đó, việc trở thành camera an ninh ứng dụng nền tảng đảm bảo an ninh cho thiết bị IoT (FDO) đầu tiên được thương mại hoá trên thế giới sẽ giúp bảo vệ ATTT dữ liệu cho người dùng Việt. Chưa kể, điều này cũng giúp tạo lợi thế cạnh tranh cho Pavana, khi không thể có lợi thế về giá so với các camera nước ngoài.
Đi theo hướng ODM sẽ giúp tạo ra cộng đồng camera thương hiệu Việt
Theo thông tin từ Statista, doanh thu thị trường camera an ninh toàn cầu ước đạt 62,6 tỷ USD vào năm 2023 và sẽ tăng lên mức 74,6 tỷ USD vào năm 2025.
Còn tại Việt Nam, số liệu của Pavana cũng cho thấy, hiện thị trường trong nước nhập khẩu khoảng 5 triệu camera mỗi năm, hầu hết các thương hiệu có nguồn gốc đến từ Trung Quốc (chiếm hơn 90%). Trong đó, thị trường camera an ninh đang có tốc độ tăng trưởng khoảng 12 - 13%/năm và thị trường camera an ninh dành cho hạ tầng công cộng cũng đang bắt đầu tăng trưởng. Với chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ thì các tỉnh, thành phố cũng đã bắt đầu đầu tư triển khai hệ thống camera cho hạ tầng công cộng.
Đánh giá về những rủi ro ATTT, ông Trần Minh Cường, Giám đốc Công nghệ & Đồng sáng lập Pavana, cho hay, trong một thế giới vận hành dựa trên Internet với rất nhiều thiết bị được kết nối với nhau. Điều đó dẫn đến ATTT của người dùng không chỉ gói gọn trong laptop, smartphone như trước mà còn cả các thiết bị IoT bao gồm đồng hồ đo sức khỏe, smarthome, camera... Nhất là các thiết bị camera, khi nó đang xuất hiện ngày càng nhiều tại mọi nơi từ các tòa nhà, cơ quan chính phủ cho đến các hộ gia đình.
“Đây là một nguy cơ hiện hữu, khi mà mỗi tháng trên thế giới đang có khoảng 5.200 cuộc tấn công vào các thiết bị IoT trên không gian mạng. Con số này sẽ nhân lên thành 44 tỷ thiết bị IoT bị tấn công vào năm 2025 với 1,1 tỷ USD tổn thất”, ông Cường dẫn chứng.
Mặc dù vậy, việc bảo vệ những thiết bị IoT lại không hề dễ dàng do những hạn chế về khả năng xử lý dữ liệu nên sẽ rất khó triển khai những công nghệ bảo đảm ATTT truyền thống như phần mềm diệt virus, tường lửa...
Đó cũng là lý do tại sao ông Cường và các đồng nghiệp của mình quyết định thành lập Pavana vào năm 2021. Cụ thể, theo Giám đốc công nghệ của Pavana, đơn vị này thấy rằng, phải làm ra một chiếc camera Make in Viet Nam trong bối cảnh thị trường chưa có đơn vị nội nào đủ mạnh, cộng thêm chính phủ và người dân ngày càng quan tâm hơn đến việc bảo đảm an toàn dữ liệu cho cá nhân, ATTT cho chính phủ. Chưa kể, đội ngũ Pavana cũng có các đơn vị liên quan có kinh nghiệm lâu năm sản xuất camera sang các thị trường nước ngoài như Mỹ, châu Âu.
Hiện Pavana cũng là một trong số những đơn vị đầu tiên sản xuất camera ở Việt Nam có hệ thống nhà máy ở trong nước và cố gắng làm hết mọi khâu từ thiết kế, điện tử, kỹ sư, tự lập trình cho hệ thống camera. “Với sứ mệnh mang đến camera an toàn cho mọi người, khi chúng ta không thể đặt quyền riêng tư của mình vào tay người khác. Đây là một lỗ hổng không thể ngó lơ được”, ông Cường khẳng định.
Về lý do tại sao phải làm camera Make in Viet Nam, thông tin từ Pavana khẳng định: Trong các thiết bị điện tử thì nguồn gốc, xuất xứ của camera an ninh có ý nghĩa quan trọng. Bởi vì, với chính phủ, doanh nghiệp, nếu các thông tin từ camera giám sát không được bảo mật an toàn thì các thông tin bí quyết kinh doanh, bí mật công nghệ sản xuất, an ninh quốc gia đều bị đe dọa...
Ngoài ra, kiểm soát camera an ninh không chỉ quan trọng việc sản xuất ở đâu mà còn liên quan tới nhiều vấn đề như: Thiết kế mạch điện tử; Phần mềm điều khiển; Truyền dẫn, hệ thống server quản lý cần được đặt tại Việt Nam hay các hệ thống đảm bảo an ninh an toàn bảo vệ cho người dùng. Do đó, chúng ta không chỉ đặt sản xuất trong nước mà các công đoạn này cũng cần kiểm soát. Đồng thời, chính phủ cũng như các DN Việt Nam cũng cần đồng lòng trong vấn đề này.
Ông Cường đã chia sẻ lại câu nói của nhà khoa học máy tính nổi tiếng thế giới Alan Key, đó là những người nào thực sự nghiêm túc với các phần mềm, quan tâm tìm hiểu thì nên tự làm ra những phần cứng đảm bảo tính năng phù hợp với nhu cầu.
Khi được hỏi lý do tại sao Pavana lại lựa chọn trở thành một nhà thiết kế và sản xuất theo đơn đặt hàng (ODM - Original Design Manufacturing), ông Cường khẳng định, nếu đứng ra tạo một thương hiệu riêng thì sẽ rất khó để phủ rộng thị trường. Nhưng với chiến lược ODM, công ty giải quyết bài toán về sản lượng khi có thể thiết kế sản phẩm cho nhiều khách hàng, xây dựng lợi thế về quy mô khi sản xuất số lượng lớn, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.
Qua đó, Pavana đã chọn cách tận dụng sự hỗ trợ của cả cộng đồng doanh nghiệp, dịch vụ khác để có thể hỗ trợ họ cũng như đạt được độ phủ thị trường lớn nhất có thể. “Pavana mong muốn tạo ra một cộng đồng sản phẩm camera với thương hiệu của người Việt”, ông Cường khẳng định,
Bên cạnh đó, khi đã đi theo hướng ODM thì việc tạo một thương hiệu riêng sẽ cạnh tranh với chính khách hàng của mình và không tốt cho việc phát triển thị trường, Đồng thời, khi đó việc ra thị trường hay đi ra nước ngoài (go global) sẽ rất khó. Thay vào đó, Pavana sử dụng sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, dịch vụ khác để có thể hỗ trợ họ đi ra thị trường tốt hơn.
Theo ông Trần Minh Cường, những lỗ hổng phổ
biến của camera bao gồm: Mật khẩu yếu hoặc
chia sẻ mật khẩu cho nhân viên lắp đặt, dẫn đến
cuộc sống riêng tư bị người khác theo dõi; Thiết
bị camera có khả năng xử lý dữ liệu không tốt,
cơ chế xác thực không hiệu quả nên có thể gửi
dữ liệu cho nhà cung cấp; Camera có chức năng
truy cập từ xa nên có thể bị hacker truy cập và
tấn công; Firmware lỗi thời, lỗ hổng không có
bản cập nhập, backdoor; Rủi ro từ sự can thiệp
về mặt vật lý khi sửa camera, có thể dễ dàng lấy
video, hình ảnh.
FDO là sự khác biệt lớn nhất so với các camera truyền thống
Về những thuận lợi, Giám đốc công nghệ của Pavana cho rằng, đó là việc được kế thừa những kinh nghiệm từ đối tác, dây chuyền sản xuất camera hiện đại, có đầy đủ phòng nghiên cứu, sản xuất. Hiện tại ở Việt Nam, chỉ có Pavana có nhà máy sản xuất riêng, đầy đủ các chức năng.
Còn khó khăn, đối với camera, khi sản phẩm ra ngoài thị trường, trong bối cảnh tư duy của người sử dụng chưa thực sự đề cao vấn đề về bảo mật, mọi người vẫn đặt vấn đề ưu tiên về giá lên trước những tính năng khác. Điều này sẽ tạo ra những khó khăn cho các sản phẩm nội địa khi cạnh tranh với những sản phẩm nước ngoài.
Thay vì cạnh tranh về giá, Pavana cung cấp thêm các giá trị khác về phần mềm, bảo mật, dịch vụ thay vì những tính năng cơ bản, để sản phẩm của mình có những sự khác biệt. Đồng thời, Pavana cũng kỳ vọng sự hỗ trợ về chính sách, truyền thông để giúp quảng bá, nâng cao nhận thức của người dân về việc bảo đảm an toàn khi sử dụng camera.
“Đội ngũ Pavana luôn quan niệm, phải làm những sản phẩm có độ hoàn thiện, phù hợp với thị hiếu của người sử dụng Việt Nam hơn là việc cho ra mắt các sản phẩm đại trà”, ông Cường chia sẻ thêm.
Còn về sự khác biệt, theo ông Cường, về các tính năng cơ bản thì camera của Pavana tương tự với những hãng khác trên thị trường. Chưa kể, Pavana còn gặp bất lợi khi các hãng khác đã có nhiều năm phát triển và được sử dụng rộng rãi nhiều nơi.
Dù vậy, có một số tính năng mà camera của Pavana có thể làm tốt hơn, tiêu biểu có thể kể đến như áp dụng trí tuệ nhân tạo được tinh chỉnh để phù hợp với nhu cầu của người Việt. Hay các tính năng liên quan đến việc bảo đảm ATTT, bảo đảm về an toàn dữ liệu do Pavana tự chủ hoàn toàn về công nghệ, sản xuất ở Việt Nam.
Ngoài ra, tháng 8/2022, Pavana đã quyết định ứng dụng nền tảng triển khai tự động và đảm bảo an ninh cho thiết bị IoT - “VinCSS IoT FDO”. - theo tiêu chuẩn FIDO Device Onboarding (FDO) của VinCSS. Để rồi, Pavana cũng là camera thương mại hoá FDO đầu tiên trên thế giới nên đây sẽ là sự khác biệt lớn nhất so với những sản phẩm khác trên thị trường.
Cụ thể, đơn vị này đã khắc phục được quy trình onboarding chậm chạp khi phải trải qua 15-16 bước kết nối với thời gian từ 3-5 phút và lại không an toàn thông qua mã QR mà các hãng camera đang triển khai. Thay vào đó, với FDO, người dùng chỉ cần quét voucher dạng điện tử nhận được từ đơn vị phân phối. Sau đó, các nền tảng điện toán đám mây của nhà cung cấp sẽ tự động đăng ký camera. Từ đó, việc chỉnh sửa cấu hình, cập nhật firmware sẽ được diễn ra hoàn toàn trên môi trường đám mây hoàn toàn bảo mật, dễ sử dụng.
Các hãng camera lâu đời sẽ rất khó triển khai FDO vì đã sở hữu hệ thống, nền tảng riêng với rất nhiều camera đã được sử dụng. Vì vậy, đây sẽ là một bài toán khó khăn với họ để có thể triển khai được công nghệ mới như FDO, nhất là để các thiết bị cũ cũng có thể sử dụng được.
Kỳ vọng tiêu chuẩn ATTT mới như FDO sẽ ứng dụng rộng rãi để an toàn dữ liệu cho người dùng
Cũng theo ông Cường, Pavana ra mắt thị trường dưới vai trò của ODM ngay từ khi thành lập năm 2021. Nhưng phải đến thời điểm tháng 7/2023 mới chính thức ra mắt để giới thiệu cho mọi người thấy được công ty đã thực hiện vai trò ODM của mình cũng như hợp tác với doanh nghiệp khác.
Hiện Pavana đã hợp tác với một số nhà mạng cũng như một số hãng khác được Pavana thiết kế riêng cho một số tính năng, nghiệp vụ riêng biệt. Kế hoạch tương lại là phủ rộng hơn các dòng camera mà Pavana có thể cung cấp cũng như bổ sung thêm các tính năng bảo mật của FIDO.
Về chiến lược phát triển của mình, thông tin từ Pavana cho biết, nếu chỉ sản xuất và tập trung vào thị trường trong nước thì dung lượng không đủ lớn. Do đó, chiến lược của Pavana là đi song song cả thị trường trong nước và quốc tế, thậm chí thị trường quốc tế phải đi trước để có được quy mô và sản lượng.
Về hợp tác quốc tế trong nghiên cứu phát triển và sản xuất để nhận được chuyển giao công nghệ để làm chủ công nghệ và sản xuất cho thị trường Việt Nam.
Tiếp theo, Pavana sẽ phải tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong nước trong cả lĩnh vực nghiên cứu phát triển và thương mại sản phẩm. Từ đó mới có thể tạo ra lực lượng đủ lớn để có thể cạnh tranh với các ông lớn trên thị trường quốc tế.
Đánh giá về các quy định hiện nay, theo ông Cường, hiện Việt Nam vẫn chưa có các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy nội địa mà mới chỉ dừng ở các quy chuẩn chung, yêu cầu về ATTT tối thiểu cũng như khuyến nghị sử dụng camera Việt Nam.
Để thúc đẩy camera Make in Viet Nam, ngoài câu chuyện tăng cường nhận thức của người dân trong việc bảo đảm an toàn dữ liệu cá nhân, cơ quan quản lý cũng cần có thêm các chính sách hỗ trợ khác để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm chủ về công nghệ R&D, nhất về các vấn đề về an toàn, bảo mật dữ liệu để thúc đẩy họ làm tốt hơn.
Ngoài ra, nếu được, cơ quan quản lý có thể hỗ trợ thêm ở các khâu cung ứng, các chính sách thuế quan như một trường hợp đặc biệt để thúc đẩy camera sản xuất ở trong nước. Khi đó, mới giúp giảm thiểu phần chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra khi sản xuất sản phẩm, đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm khi cung cấp ra thị trường.
“Cuối cùng, chúng tôi cũng hy vọng khi Việt Nam gia nhập Liên minh xác thực trực tuyến thì những tiêu chuẩn ATTT mới như FDO sẽ được đưa vào các quy định dành cho camera cũng như các thiết bị IoT khác, để mang đến an toàn dữ liệu cho người dùng”, ông Cường kết luận.
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11 tháng 11/2023)