Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ EdTech thế giới?

Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 07:00, 27/12/2023

Trước đại dịch COVID-19, học trực tuyến chỉ là một lựa chọn hoặc thậm chí là một đặc quyền với những người có điều kiện. Tuy nhiên, trong thời kỳ đại dịch, học trực tuyến đã trở thành nhu cầu thiết yếu đối với sinh viên và nhân viên.
Khởi nghiệp

Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ EdTech thế giới?

Huyền Thương 27/12/2023 07:00

Trước đại dịch COVID-19, học trực tuyến chỉ là một lựa chọn hoặc thậm chí là một đặc quyền với những người có điều kiện. Tuy nhiên, trong thời kỳ đại dịch, học trực tuyến đã trở thành nhu cầu thiết yếu đối với sinh viên và nhân viên.

Tóm tắt:
- Thị trường công nghệ giáo dục (EdTech) (2023): toàn cầu hơn 300 tỷ USD; Việt Nam có quy mô ước tính khoảng 3 tỷ USD (Sách Trắng EdTech Việt Nam 2023).
- Một số thách thức của thị trường EdTech:
+ Chất lượng của các sản phẩm EdTech chưa đồng đều, nhiều sản phẩm mới còn ở mức đơn giản (website, video bài giảng, công cụ chat/video call sẵn có như skype, zoom, zalo...).
+ Vấn đề bản quyền nội dung số giáo dục trực tuyến, giữ người dùng thành khách hàng lâu dài vẫn là bài toán khó cần tìm lời giải.
- Khuyến nghị:
+ Thành lập một liên minh, một hiệp hội về giáo dục trực tuyến.
+Doanh nghiệp (DN) và nhà trường (cơ sở đào tạo) nên liên thông về dữ liệu để có thể phát triển thị trường mạnh mẽ hơn

Khi mọi người dần thích nghi với các công nghệ mới, giáo dục trực tiếp kết hợp trực tuyến sẽ trở thành “bình thường mới”. Vivian Wu, Đối tác quản lý tại quỹ Ventures Can Zuckerberg Initiative, cho rằng “Bây giờ là thời điểm lý tưởng để mang lại nền giáo dục cá nhân hóa với phương pháp học tập kết hợp”. Bà cũng gợi ý rằng việc tích hợp công nghệ trong giáo dục sẽ thúc đẩy sự đổi mới lâu dài và nâng cao kết quả học tập được cá nhân hóa.

Theo báo cáo Global Market Insights 2023, giá trị thị trường công nghệ giáo dục (EdTech) đã cán mốc hơn 300 tỷ USD vào năm 2022 và dự báo đạt 400 tỷ USD vào năm 2023 cùng với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 14% trong giai đoạn từ 2023 - 2032. Công nghệ giáo dục được coi là thị trường tiềm năng với nhu cầu thực và bền vững.

Ứng dụng công nghệ AI, đặc biệt là các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT sẽ thâm nhập ngày càng sâu rộng vào các sản phẩm EdTech trong năm 2023. Đối với giáo viên, ChatGPT có thể hỗ trợ soạn bài giảng, chấm bài, viết email trả lời phụ huynh, gợi ý làm bài tập về nhà... Đối với học sinh, ChatGPT có thể trở thành gia sư riêng với chi phí hợp lý, góp phần cách mạng hoá công cuộc cá nhân hoá học tập trên quy mô lớn.

Ngoài ra, ChatGPT còn có thể được DN sử dụng để nghiên cứu thị trường, lên tưởng marketing và bán hàng, tiến tới trở thành một đối tác tư vấn trực tuyến đắc lực.

Mike Malefakis, Chủ tịch Đối tác Đại học tại Emeritus dự đoán: “Năm 2023 sẽ là năm của ChatGPT. Một số người thông minh nhất trên thế giới đã sử dụng nó, vì vậy chúng ta hãy đón nhận nó thay vì sợ hãi”.

lop-hoc-vr.jpeg
Ảnh: virtualspeech.com

Ngoài việc ứng dụng AI trong cá nhân hóa học tập, các công nghệ như AR và VR cũng mang lại phương pháp học nhập vai, tạo ra một thế giới học tập thực hành khi quá trình số hóa kết hợp với thực tế tăng cường. Ngoài ra, các công nghệ chơi game mới nổi và trợ lý dựa trên AR cũng như trải nghiệm VR sẽ cách mạng hóa trải nghiệm học tập cho sinh viên.

Mặc dù Bắc Mỹ đang chiếm lĩnh thị trường EdTech toàn cầu với thị phần khoảng 40%, khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 5 năm trở lại đây đang nổi lên là mảnh đất màu mỡ cho cả giới khởi nghiệp và đầu tư EdTech, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm dự báo đạt 16,1% trong giai đoạn từ 2023-2030, theo số liệu nghiên cứu của GrandViewResearch năm 2022.

Châu Á, với dân số 4,75 tỷ người, là thị trường lớn nhất thế giới xét về đầu tư và chi tiêu cho giáo dục. Châu lục này có đầy đủ mọi điều kiện để vươn lên trở thành trung tâm EdTech hàng đầu thế giới. Theo nhận định của ông Rory Gopsill, chuyên gia phân tích của tổ chức nghiên cứu GlobalData, “châu Á - Thái Bình Dương sẽ là thị trường công nghệ giáo dục lớn nhất thế giới vào năm 2030”.

Theo công ty nghiên cứu thị trường giáo dục HolonIQ (Mỹ), xét về cơ cấu sản phẩm EdTech của một số khu vực tiêu biểu như Đông Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...) và Đông Nam Á (Singapore, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan...), có thể thấy rõ một số xu hướng chung. Các sản phẩm gia sư, luyện thi, học tiếng Anh, giáo dục STEAM rất được ưa chuộng, chiếm đến hơn 50% các sản phẩm EdTech trên thị trường, và hầu hết hướng đến phân khúc K-12.

EdTech là từ ghép của Education và Technology, có nghĩa là ứng dụng công nghệ vào giáo dục. Theo trang Investopedia, EdTech bao gồm phần cứng và phần mềm, được thiết kế giúp nâng cao chất lượng giảng dạy của người dạy và kết quả học tập của người học.

Thị trường EdTech Việt Nam: Ngân sách đầu tư và các chính sách phát triển giáo dục trực tuyến

Việt Nam hội tụ mọi điều kiện thuận lợi để trở thành một trong những thị trường EdTech lớn nhất Đông Nam Á, đó là nền kinh tế tăng trưởng kinh tế, đặc biệt có tiềm năng về kinh tế số, nhà nước và xã hội đều chú trọng đầu tư cho giáo dục và công nghệ.

edtech.png

Sách Trắng EdTech Việt Nam 2023 cho biết thị trường EdTech Việt Nam có quy mô ước tính khoảng 3 tỷ USD vào năm 2023. Tốc độ tăng trưởng EdTech ở Việt Nam được ghi nhận ở mức khá cao, khoảng 20,2% mỗi năm trong giai đoạn từ 2019 - 2023, đưa Việt Nam trở thành một trong 10 thị trường EdTech có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới (Ken Research, 2019). Cùng với Singapore và Indonesia, Việt Nam là một trong top 3 quốc gia có nền EdTech tiềm năng nhất khu vực Đông Nam Á.

Theo Sách Trắng EdTech Việt Nam 2023, về ngân sách đầu tư cho giáo dục, Việt Nam là nước đang có mức đầu tư công cho giáo dục tăng đều qua các năm, với mục tiêu đạt tối thiểu 20% chi ngân sách nhà nước mỗi năm. Nếu tính theo tỷ lệ GDP, mức chi tiêu cho giáo dục của Việt Nam tương đương 4,11% GDP, là mức cao nhất trong khối ASEAN trong năm 2020. Bain & Company cho biết trung bình một gia đình Việt Nam dành khoảng 20% thu nhập khả dụng cho việc giáo dục con cái, so với mức 6% - 15% ở các nước Đông Nam Á khác.

Các chính sách phát triển EdTech tại Việt Nam đều đi theo định hướng chung là phát triển hệ thống dữ liệu quốc gia về giáo dục và đào tạo; phát triển, khai thác hệ thống học liệu mở và môi trường học tập số; Phát triển các trung tâm điều hành giáo dục thông minh tại các tỉnh; Xây dựng và triển khai khung năng lực số cho người dân.

Những định hướng này được cụ thể hóa thông qua hai đề án của Chính phủ. Thứ nhất là Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”. Trong đó, Quyết định số 1373/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”, đặt ra mục tiêu chung đảm bảo đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo...

Phương hướng đặt ra là tăng cường xây dựng, khai thác, tích hợp, chia sẻ nguồn tài nguyên giáo dục mở, học liệu mở với các cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; Việt hóa các nguồn tài nguyên giáo dục mở quốc tế; Đẩy mạnh các hình thức đào tạo vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn giúp người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn, người khuyết tật, người nội trợ, người cao tuổi dễ dàng tiếp cận, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Đề án cũng đặt ra kế hoạch xây dựng kho học liệu mở phục vụ việc tự học và học tập suốt đời trên các kênh truyền hình giáo dục, thúc đẩy hợp tác quốc tế về giáo dục người lớn, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Thứ hai, Quyết định số 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu chung là tận dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục; xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Các phương hướng đặt ra là đảm bảo các điều kiện về hạ tầng số, trang thiết bị; Ưu tiên sử dụng các mô hình dịch vụ trên nền tảng đám mây; Đảm bảo kết nối Internet cáp quang tới tất cả các cơ sở giáo dục; Hình thành, phát triển hệ thống phòng học tương tác thông minh, phòng thí nghiệm/thực hành hiện đại.

Chính phủ cũng đặt mục tiêu phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số (CĐS) hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học, cụ thể là phát triển các kho học liệu số, học liệu mở chia sẻ dùng chung toàn ngành giáo dục; Phát triển, ứng dụng các nền tảng số phục vụ dạy học và triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số; Triển khai đồng bộ hệ thống thông tin quản lý giáo dục và đào tạo và cơ sở dữ liệu ngành giáo dục; Huy động các nguồn lực tham gia ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong giáo dục và đào tạo.

Chính sách hợp tác và đầu tư trong giáo dục của Việt Nam đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và cải thiện thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ giáo dục thế giới. Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Chính phủ Việt Nam thu hút, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp học, các trình độ đào tạo thông qua các chính sách và hành lang pháp lý rõ ràng.

Thách thức của thị trường EdTech Việt Nam và các khuyến nghị

Theo Statista, doanh thu của thị trường giáo dục trực tuyến Việt Nam dự kiến tăng trưởng 10,4%/năm trong giai đoạn 2023-2027 và đạt mức 487,60 triệu USD vào năm 2027. Doanh thu trung bình trên mỗi người dùng ước tính vào khoảng 43,25 USD vào năm 2023.

Chính phủ đang nỗ lực tạo điều kiện và xây dựng khung pháp lý ổn định cho môi trường kinh doanh nói chung và hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nói riêng, đặc biệt là hỗ trợ CĐS, ứng dụng công nghệ vào hoạt động giáo dục. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ EdTech và nhà đầu tư cho doanh nghiệp EdTech trong giai đoạn 2023-2025.

Giáo dục là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người, lại được cả Nhà nước và xã hội chú trọng quan tâm, đầu tư phát triển nên tiềm năng của các sản phẩm EdTech là vô cùng lớn và có nhu cầu ổn định, thậm chí gia tăng, bất chấp những biến động về kinh tế, xã hội.

Bên cạnh đó, thu nhập ngày càng cải thiện và tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh cũng là dấu hiệu cho thấy tiềm năng chớm nở của phân khúc tự học, hướng đến khái niệm học tập suốt đời (lifelong learning), học những kiến thức, kỹ năng mới không chỉ để nâng cao năng lực chuyên môn phục vụ công việc mà còn để phát triển, khám phá bản thân.

Việt Nam đang có khoảng trên 750 công ty EdTech, bao gồm cả công ty nội địa và công ty nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có khoảng 300 công ty công nghệ và 450 công ty hoạt động trong môi trường số nhưng chưa có hàm lượng công nghệ cao trong sản phẩm/dịch vụ. Thị trường EdTech Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất trong 3 năm trở lại đây với sự nở rộ của các nền tảng học tập và các sản phẩm học Tiếng Anh.

Là CEO học viện công nghệ Teky, bà Đào Lan Hương cũng cho rằng quy mô dân số và mức độ sẵn sàng chi trả cho giáo dục ở Việt Nam rất cao so với thế giới, đó là động lực hấp dẫn của thị trường. Ngoài ra, hạ tầng công nghệ cho EdTech như mạng Internet hay thiết bị di động, các đường hướng chiến lược về chuyển đổi số quốc gia đều trở thành những môi trường hết sức thuận lợi cho việc phát triển các sản phẩm EdTech ở Việt Nam.

Tuy nhiên, chất lượng của những sản phẩm này còn chưa đồng đều, nhiều sản phẩm mới vận dụng yếu tố công nghệ ở dạng sơ khai nhất như website, video bài giảng hay các công cụ chat/video call sẵn có như skype, zoom, zalo... Ngoài ra, một vấn đề của thị trường EdTech hiện tại là dung lượng thị trường lớn nhưng phần đông là người dùng miễn phí. Do đó, biến người dùng thành khách hàng lâu dài vẫn còn là bài toán khó mà các DN EdTech cần tìm lời giải.

Theo ông Nguyễn Trí Hiển, Chủ tịch EdTech Agency, đồng trưởng Làng công nghệ giáo dục TechFest Việt Nam, thị trường EdTech Việt Nam đang đứng trước ngưỡng rất tiềm năng và thách thức. Việt Nam đã bước sang giai đoạn phát triển thị trường thứ năm của thị trường EdTech. Tuy nhiên, một trong những thách thức đầu tiên của EdTech liên quan đến khả năng tự học của người học. Văn hóa học tập và khả năng tự học tác động vô cùng quan trọng đến thị trường EdTech.

Ngoài ra, ngân sách giáo dục hiện nay chủ yếu vẫn đang gắn liền với câu chuyện học offline và dạy thêm, dù đang có sự chuyển dịch nhất định nhưng vẫn là thách thức của các đơn vị làm EdTech, làm sao để “lôi kéo” hoặc chuyển dịch dòng tiền từ cách học offline thông thường dần dần sang online.

Nói về câu chuyện chính sách, vĩ mô, TS. Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng cho rằng cần “cởi mở” hơn với EdTech. Các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý giáo dục nên tạo hành lang thông thoáng hơn nữa, có cơ chế để các công ty EdTech có thể đồng hành với các nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân, từ đó các công ty EdTech và nhà trường sẽ cùng đưa ra những phương án nâng cao chất lượng học tập và tiếp tục phát triển những giải pháp công nghệ mới.

Những tác động của Chính phủ trong việc ghi nhận kết quả học tập online cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường EdTech. Chính phủ đang dần dần ghi nhận kết quả của quá trình học tập online, nhưng vẫn cần những tác động mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo.

Một vấn đề khiến nhiều DN EdTech trăn trở, đó là bản quyền nội dung số trong giáo dục online. Ông Phạm Giang Linh, CEO Galaxy Education, cho rằng giáo dục trực tuyến bản chất là một ngành nội dung số. Không những thế, nội dung số trong giáo dục rất quan trọng, vì thế cần được kiểm soát và quản lý chặt chẽ hơn.

Ông Phạm Giang Linh cho biết đã xảy ra hiện tượng khi đến gần các kỳ thi, sẽ có vô vàn những nội dung giáo dục không được kiểm chứng, không biết mức độ chính xác đến đâu và chỉ phục vụ một nhu cầu nhất thời được đưa lên mạng các nền tảng mạng xã hội. Trong sự bùng nổ của EdTech, nhiều đơn vị đã gặp hiện tượng bị bắt chước nội dung, sản phẩm, những hành vi vi phạm bản quyền nội dung giáo dục trực tuyến.

Điều này vừa ảnh hưởng đến chất lượng nội dung giáo dục trực tuyến, đến người dùng, lại ảnh hưởng đến các DN EdTech kinh doanh nghiêm túc, có sự đầu tư về nội dung.

Để giải quyết những thách thức trong thị trường EdTech, các chuyên gia đã gợi ý về việc thành lập một liên minh, một hiệp hội về giáo dục trực tuyến. Như vậy, các DN làm giáo dục trực tuyến sẽ có thể ngồi lại cùng nhau dưới một khuôn khổ pháp lý chung, một thể chế chung, cùng nhau bảo vệ thị trường EdTech. Ngoài ra, các DN có thể có những liên thông về mặt dữ liệu để phát triển thị trường mạnh mẽ hơn, đóng góp tốt nhất cho đất nước.

Chẳng hạn, việc liên thông dữ liệu giữa các công ty EdTech và nhà trường sẽ giúp nâng cao lộ trình cá nhân hóa học tập cho học sinh. Bà Đào Lan Hương cho rằng nếu các công ty EdTech đi được vào hệ thống nhà trường, sẽ hiểu được đúng nhu cầu giảng dạy, đào tạo của nhà trường cũng như nhu cầu học tập của học sinh, từ đó thiết kế sản phẩm đúng cách “may- đo” theo yêu cầu của người học.

Thứ hai, các DN EdTech cũng có thể bám sát các yêu cầu của hệ thống giáo dục chính quy. Những điều này sẽ tác động tích cực đến việc dạy-học thông qua nâng cao chất lượng sản phẩm, cho ra sản phẩm đúng với mong muốn lộ trình học tập của hệ thống giáo dục chung và mong muốn của từng cá nhân người học, tăng hiệu suất học tập của học sinh.

“Điều này có thể mở ra một kho dữ liệu khổng lồ cho các công ty EdTech. Bởi vì, đối với những giải pháp EdTech, đặc biệt là cá nhân hóa học tập, dữ liệu đóng vai trò hết sức quan trọng. Hợp tác với hệ thống trường công chắc chắn các công ty EdTech sẽ cơ hội lớn đưa ra những giải pháp thiết thực nhất, hữu ích nhất cho người học. Ngoài ra, các công ty EdTech cũng có cơ hội thâm nhập thị trường với quy mô lớn, có nhiều khách hàng hơn thì chi phí đầu tư sẽ giảm dần”, bà Đào Lan Hương nói.

LỊCH SỬ NGÀNH EDTECH VIỆT NAM

Tài liệu Sách trắng EdTech Việt Nam 2023 chia lịch sử ngành EdTech Việt Nam thành 5 giai đoạn, bao gồm:

Giai đoạn 1 (2000-2005): các nghiên cứu và ứng dụng EdTech bắt đầu xuất hiện trong trường học. Năm 2005, Hội thảo khoa học về E-learning đầu tiên tại Việt Nam đã diễn ra, đó là Hội thảo “Nghiên cứu và triển khai E learning” do Viện Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Khoa Công nghệ Thông tin (Đại học Bách khoa Hà Nội) phối hợp tổ chức.

Giai đoạn 2 (2005-2010): đã xuất hiện những sản phẩm EdTech và E-learning đầu tiên, với các hình thức tài liệu/nội dung số sơ khai như CD ROM, DVD chứa bài giảng, game, phần mềm học tiếng Anh...

Giai đoạn 3 (2010-2015): Thị trường trở nên sôi động với sự tham gia của các tập đoàn lớn thuộc khối nhà nước và tư nhân.

Giai đoạn 4 (2015-2020): Bùng nổ về số lượng startup EdTech. Sự phổ biến của thiết bị di động và mạng 4G làm thay đổi thói quen học tập. Nhiều ứng dụng học tập cho thiết bị di động được phát triển như Monkey Junior, KidsOnline, Edupia... Tính đến 2019, Việt Nam đã có hơn 100 startup hoạt động trong lĩnh vực công nghệ giáo dục

Giai đoạn 5 (2020-nay): Giáo dục trực tuyến ngày càng phổ biến và nhận được ngày càng nhiều vốn đầu tư. Năm 2021, 80% học sinh Việt Nam đã học trực tuyến do giãn cách xã hội. Nhiều thương vụ đầu tư và sáp nhập với số vốn lớn hơn 1 triệu USD. Năm 2022. tổng số vốn đầu tư mạo hiểm vào EdTech startup chính thức vượt mốc 200 triệu USD.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11 tháng 11/2023)

Huyền Thương