Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần tạo cơ chế vượt trội để phát triển đô thị đặc biệt
Truyền thông - Ngày đăng : 16:01, 15/11/2023
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần tạo cơ chế vượt trội để phát triển đô thị đặc biệt
Qua gần 10 năm thi hành Luật Thủ đô 2012, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định về quy hoạch đô thị còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tuy nhiên, tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) các quy định liên quan đến vấn đề này đã được được sửa đổi và bổ sung mới
Phân quyền điều chỉnh quy hoạch cho Hà Nội
Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: “Xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị. Sử dụng các công cụ quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các công cụ thị trường khác để điều tiết, kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng dân số đô thị… xây dựng khung pháp lý cho phát triển đô thị thông minh, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm đô thị”.
Tiếp đến, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030: “Thủ đô Hà Nội là thành phố Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; Trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; Hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực”.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng với cấu trúc gồm 7 chương, 59 điều (so với Luật Thủ đô 2012 gồm 4 chương, 27 điều). Trong đó, các quy định liên quan đến vấn đề quy hoạch và bảo đảm thực hiện quy hoạch được quy định tập trung ở điều 19 và điều 20. Bên cạnh một số quy định kế thừa từ Luật Thủ đô 2012, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có một số nội dung được sửa đổi và bổ sung mới.
Đáng chú ý, tại khoản 3, điều 19, với sự phân cấp ủy quyền mạnh cho Hà Nội khi đưa ra quy định UBND TP Hà Nội được quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Đây là một quy định mới nhằm tạo điều kiện chủ động cho UBND TP Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của thành phố đã được Bộ Xây dựng thẩm định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo ý kiến nhiều chuyên gia, mặc dù các quy hoạch đều đưa ra những dự báo, tính toán nhưng chủ yếu ở mức độ vĩ mô, vì vậy trong quá trình triển khai quy hoạch có thể có những đồ án cần phải có điều chỉnh cục bộ cho phù hợp với thực tế phát triển nhưng không phá vỡ các chỉ tiêu, định hướng của quy hoạch chung. Nếu thực hiện thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch lại phải thực hiện lập, thẩm định và phê duyệt theo pháp luật hiện hành sẽ làm mất nhiều thời gian, làm trễ việc thực hiện quy hoạch.
Để bảo đảm việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch không làm phá vỡ quy hoạch chung do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy định tại khoản 3 Điều 19 Dự thảo Luật đã quy định UBND TP Hà Nội quy định trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch trên cơ sở trình tự, thủ tục Thủ tướng Chính phủ quy định. UBND TP Hà Nội phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện việc điều chỉnh cục bộ.
Đồng tình với quy định về phân cấp thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng cho TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, đề xuất TP Hà Nội được quyền quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch là hợp lý và cần thiết. Đây là chính sách đặc thù đã được Quốc hội thống nhất với TP Hồ Chí Minh.
Ưu tiên phát triển không gian công cộng
Tại Điều 20 trong Dự thảo luật Thủ đô (sửa đổi) về "Biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch" có nêu rõ, trong khu vực nội đô lịch sử không mở rộng diện tích sử dụng đất của các bệnh viện hiện có. Không mở rộng, xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp không có trụ sở chính hoặc địa điểm đào tạo ở khu vực nội đô lịch sử trước thời điểm luật này có hiệu lực thì không được đặt địa điểm đào tạo trong khu vực nội đô lịch sử.
Cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị trong đô thị trung tâm không phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô phải thực hiện việc di dời.
Thẩm quyền quyết định việc di dời do Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục, biện pháp và lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức Trung ương; UBND TP. Hà Nội quyết định danh mục, biện pháp và lộ trình di dời các cơ sở không thuộc quy định tại điểm a khoản này.
Quỹ đất của các cơ quan, đơn vị, cơ sở di dời khỏi đô thị trung tâm theo quy định tại khoản 2 Điều này, khoản 3 Điều 29 của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được ưu tiên sử dụng để xây dựng không gian công cộng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa.
Khi đầu tư xây dựng mới đường giao thông hoặc mở rộng trục đường giao thông hiện có theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn Thủ đô thì cơ quan có thẩm quyền lập quy hoạch chi tiết, trong đó xác định vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để thực hiện tái thiết đô thị, tái định cư tại chỗ, phát triển nhà ở, thương mại, dịch vụ.
UBND TP Hà Nội quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực TOD so với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng đối với khu vực đô thị hiện hữu, nhưng phải bảo đảm đáp ứng năng lực phục vụ của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.