Truyền thông chính sách trong môi trường báo chí đa phương tiện

Truyền thông - Ngày đăng : 08:45, 16/11/2023

Một tác phẩm báo chí thông tin chính sách hay và hấp dẫn trước hết phải do đội ngũ phóng viên (PV) có nghề, thành thạo trong sử dụng các phương tiện kỹ thuật làm báo, nhất là trong môi trường báo chí đa phương tiện (ĐPT) như hiện nay.
Truyền thông

Truyền thông chính sách trong môi trường báo chí đa phương tiện

Trường Thanh {Ngày xuất bản}

Một tác phẩm báo chí thông tin chính sách hay và hấp dẫn trước hết phải do đội ngũ phóng viên (PV) có nghề, thành thạo trong sử dụng các phương tiện kỹ thuật làm báo, nhất là trong môi trường báo chí đa phương tiện (ĐPT) như hiện nay.

Nhà báo phải có trình độ chuyên môn và năng lực sáng tạo

Trong môi trường báo chí ĐPT như hiện nay, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Tịnh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (AJC) cho biết: Chuyển tải thông tin chính sách theo hướng ĐPT, ngoài nội dung thông tin chính sách, nhà báo cần phải hiểu rõ đặc điểm, chức năng các loại hình báo chí khác nhau như thế nào, tính chất các kênh thông tin ra sao để có thể sử dụng hiệu quả nhất thông tin nào cần chuyển tải ĐPT và chuyển tải như thế nào để hiệu quả thông tin được tốt nhất.

Truyền thông chính sách trong cơ quan báo chí ĐPT đòi hỏi nhà báo cần phải là người làm được nhiều việc, cùng một nội dung thông tin nhưng nhà báo phải biết khai thác các yếu tố phù hợp với loại hình báo in, phát thanh, truyền hình (PTTH), báo mạng điện tử để xây dựng tác phẩm báo chí cho tất cả loại hình đó. Nhà báo cần có sự chuyên nghiệp để xử lý thông tin cho các kênh truyền thông như khai thác âm thanh, hình ảnh, đồ họa...

Trong xu thế báo chí ĐPT, ở mỗi cơ quan báo chí đòi hỏi việc đầu tư không chỉ trang thiết bị mà quan trọng hơn là nguồn nhân lực. Đội ngũ làm báo ĐPT phải đa năng, có kiến thức sâu rộng và quan trọng hơn là phải có kinh nghiệm xử lý các loại hình thông tin ĐPT. PV ĐPT phải có kỹ năng tổng hợp của một người viết báo giấy, một PV báo mạng, PV PTTH.

“Sức hút của các tác phẩm truyền thông chính sách bắt nguồn từ nội dung thông tin và hình thức thể hiện, trình bày độc đáo của bài báo. Nhân tố quyết định điều này chính là trình độ chuyên môn và năng lực sáng tạo của nhà báo. Vì vậy, hoạt động trong các cơ quan báo chí ĐPT, các PV, biên tập viên (BTV) cần được đào tạo để tích lũy các kỹ năng, hiểu biết về nhiều loại hình truyền thông để có cách viết và đưa tin phù hợp với loại hình đó”, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Tịnh nhấn mạnh.

Nhà báo phải tiếp cận với công nghệ hiện đại

Cũng theo PGS.TS. Phạm Thị Thanh Tịnh, để thích ứng trong môi trường truyền thông mới, nhà báo “đa kỹ năng” ngoài việc nắm bắt các công nghệ làm báo truyền thống phải nhanh chóng tiếp cận với phương tiện kỹ thuật hiện đại, từ đó tăng khả năng sáng tạo các tác phẩm báo chí đa loại hình, thu hút đa dạng các đối tượng người đọc và người xem.

Làm báo thời kỳ ĐPT bắt buộc PV phải phải theo dõi xuyên suốt hội nghị, hội thảo, phải mắt thấy tai nghe. Tác phẩm báo chí phải được chứng minh bằng âm thanh, hình ảnh thật tại hiện trường. Quá trình sáng tạo tác phẩm về chính sách, không chỉ PV mà cả BTV, họa sĩ trình bày, PV ảnh đều phải tham gia vào quá trình lên ý tưởng và kế hoạch thực hiện bài viết ngay từ đầu.

Trong quá trình lên kế hoạch, các cá nhân sẽ bàn bạc với nhau để đảm bảo công việc diễn ra trôi chảy. Đề tài truyền thông về chính sách khá khô khan nên các thành viên trong ekip phải đặt mình vào vị trí độc giả để xây dựng một sản phẩm báo chí gần gũi và hấp dẫn nhất với người đọc.

Một tác phẩm báo chí thông tin chính sách muốn hay và hấp dẫn trước hết phải do đội ngũ PV có tay nghề chuyên môn cao, thành thạo trong việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật làm báo như ghi âm, ghi hình, chụp ảnh, thiết kế đồ họa, sử dụng kỹ thuật đẩy bài lên web... Đồng thời, đòi hỏi PV phải say sưa với nghề, thích khám phá tìm hiểu sự kiện mới và phải có quan điểm chính trị đúng đắn”, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Tịnh chia sẻ.

dsc_0502.jpg
Để thích ứng trong môi trường truyền thông mới, nhà báo “đa kỹ năng” ngoài việc nắm bắt các công nghệ làm báo truyền thống phải nhanh chóng tiếp cận với phương tiện kỹ thuật hiện đại. (Ảnh: Thanh Hải)

Thường xuyên tự học tập nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn

Cũng theo PGS.TS. Phạm Thị Thanh Tịnh, để nâng cao chất lượng thông tin về chính sách, vấn đề bắt đầu từ chính con người, mà chủ lực chính là những PV tạo ra tác phẩm báo chí. PV báo chí cần có bản lĩnh, có năng lực tư duy, phản ánh các sự việc, hiện tượng một cách biện chứng, độc lập và sáng tạo, phải là cây bút sắc sảo thì mới có thể thông tin chính sách có hiệu quả, chất lượng.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ PV truyền thông chính sách ở các cơ quan báo chí ĐPT hiện nay, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Tịnh cho rằng, PV cần thường xuyên học tập lý luận, chính trị. Mỗi PV phải không ngừng rèn luyện, tự giác rèn luyện, tự giác học tập nâng cao nhận thức về lý luận, chính trị, nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước qua việc tự học, tự nghiên cứu tìm hiểu, tham gia các buổi sinh hoạt chính trị, học tập nghị quyết...

Để có những tác phẩm tốt về chính sách, các báo cần có những PV được đào tạo từ các trường có chức năng đào tạo cử nhân báo chí, am hiểu về lĩnh vực chính sách. Đối với các PV đang làm việc tại cơ quan báo chí thì việc tiếp tục đào tạo để nâng cao tay nghề là rất cần thiết. Tòa soạn có thể thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng ngắn ngày về nghiệp vụ báo chí, về lĩnh vực chính sách công...

Bên cạnh đó, cần bồi dưỡng PV thành thạo các thao tác đòi hỏi kiến thức công nghệ cao, có thể độc lập tác nghiệp cung cấp thông tin cho tòa soạn. PV cần phải làm chủ được các phương tiện thông tin hiện đại như máy ảnh, máy quay phim, máy tính, Internet...

“Thực tế đã cho thấy, muốn đổi mới, nâng cao chất lượng báo chí nói chung và thông tin về chính sách nói riêng phải bắt đầu đổi mới từ các cơ quan báo chí. Đó là một tất yếu khách quan, vì nếu tự thân mỗi cơ quan báo chí không tự đổi mới mình thì cũng chỉ là hô hào chung chung. Trong mỗi cơ quan báo chí, từng nhà báo phải tự đổi mới mình, tự rèn luyện, phấn đấu vươn lên, thường xuyên được đào tạo, đào tạo lại, tự đào tạo, liên tục trang bị kiến thức mới, kiến thức chuyên ngành để từng bước nâng cao chất lượng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới”, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Tịnh cho hay.

Cần định hướng thông tin chính sách công cho PV, BTV

Từ thực tế đời sống báo chí, TS. Nguyễn Công Dũng, Tổng biên tập báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả truyền thống chính sách, thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí đã không ngừng đổi mới, đa dạng hóa về thể loại, như báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử,… Nhiều cơ quan báo chí đã tích hợp hướng tới một cơ quan báo chí ĐPT.

Tuy nhiên, chất lượng và hiệu quả của việc truyền thông chính sách trên báo chí còn chưa cao. Đội ngũ quản lý, lãnh đạo, PV, BTV, kỹ thuật viên còn những hạn chế nhất định; trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ còn lạc hậu chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...

Theo TS. Nguyễn Công Dũng, tình trạng này do nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó phải kể đến báo chí chưa thực sự quan tâm nhiều đến chất lượng chính trị, tư tưởng của tờ báo, còn lúng túng trong việc thể hiện tin bài trên mặt báo, chưa có những giải pháp cơ bản trước mắt cũng như lâu dài phù hợp với yêu cầu của việc tuyên truyền thực hiện đường lối chủ trương của Đảng chính sách và pháp luật của Nhà nước…

Để đẩy mạnh truyền thông chính sách trong tình hình mới, TS. Nguyễn Công Dũng cho rằng, cần đổi mới, nâng cao định hướng chính trị tư tưởng không những cho đội ngũ PV, BTV của cơ quan báo chí, mà còn cả với đội ngũ cộng tác viên, đối với những người công tác trong lĩnh vực truyền thông.

Các tờ báo cần huy động nhiều hơn nữa các nhà hoạt động chính trị thực tiễn, nhiều nhà nghiên cứu lý luận để có nhiều bài viết giải thích sâu sắc, có sức thuyết phục những nội dung chủ yếu của chính sách công.

Lãnh đạo, người quản lý cần định hướng thông tin chính sách công cho PV, BTV nắm được. “Vì trên thực tế, người lãnh đạo, quản lý thường được tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin hơn, thông tin khái quát hơn, có độ tin cậy cao hơn PV, BTV thông qua các cuộc giao ban, hội nghị, hội thảo, tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao... Do vậy, định hướng thông tin chính sách công của lãnh đạo có vai trò quan trọng giúp cho PV, BTV nắm được thông tin, hướng đưa tin, nguồn khai thác tin… để có được thông tin nhanh, chính xác, đúng định hướng”.

Đồng thời, bằng uy tín, mối quan hệ của mình, lãnh đạo tổ chức, giới thiệu cho PV tiếp xúc với các nhà hoạch định chính sách, cơ quan soạn thảo chính sách để có thông tin đầy đủ về chính sách. Từ đó, từng PV, BTV xây dựng kế hoạch, kiểm tra kế hoạch tuyên truyền trên cơ sở những quy chế, quy định của cấp trên, ban biên tập cụ thể hóa xây dựng cho mình kế hoạch công tác hằng ngày, hằng tuần...

Khi có tin, bài rồi, việc tổ chức biên tập, chỉ đạo xuất bản, thiết kế các chuyên trang, chuyên mục cũng rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng tin bài tuyên truyền chính sách./.

Trường Thanh