Chuyển đổi số Giải báo chí Quốc gia để xứng tầm

Truyền thông - Ngày đăng : 10:24, 16/11/2023

Giải báo chí Quốc gia đã được tổ chức 17 năm, thu hút khoảng hơn 20.000 tác phẩm tham dự. Theo Hội nhà báo Việt Nam, Giải báo chí Quốc gia cần phải đổi mới, chuyển đổi số (CĐS) mạnh mẽ để xứng tầm.
Truyền thông

Chuyển đổi số Giải báo chí Quốc gia để xứng tầm

Hoàng Linh 16/11/2023 10:24

Giải báo chí Quốc gia đã được tổ chức 17 năm, thu hút khoảng hơn 20.000 tác phẩm tham dự. Theo Hội nhà báo Việt Nam, Giải báo chí Quốc gia cần phải đổi mới, chuyển đổi số (CĐS) mạnh mẽ để xứng tầm.

Ngày 16/11/2023, tại Hoà Bình, Hội nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết 17 năm giải báo chí quốc gia và tổng kết công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2022, triển khai chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2023, 2024.

toan-canh-sang-16112023_2(1).jpg
Các đại biểu, các cấp hội nhà báo Việt Nam khu vực phía Bắc tham dự Hội nghị

17 năm Giải báo chí Quốc gia thu hút khoảng hơn 20.000 tác phẩm tham dự

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết với vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Hội nhà báo Việt Nam trong đời sống kinh tế - xã hội, từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện cho Hội phát triển về chuyên môn và nghiệp vụ.

ong-le-quoc-minh(1).jpg
Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh: 17 năm Giải báo chí Quốc gia đã thu hút khoảng hơn 20.000 tác phẩm tham dự trong cả nước gửi về cho thấy sức hút của Giải ngày càng lớn

Ngày 08/4/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 558/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021 - 2025”.

Chương trình đã tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ báo chí với nguồn kinh phí lớn hơn, tập trung vào việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, định hướng tuyên truyền, khai thác các mảng đề tài quan trọng như: Đề tài về Đảng, về Bác Hồ, về tuyên truyền Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, XIII của Đảng, về các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc tại địa phương; về công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, giữ gìn an ninh, chính trị;

Cùng với đó, là các đề tài về lịch sử cách mạng, kháng chiến, về xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đề tài về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, xóa đói giảm nghèo, về miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, v.v..

Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: “Công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đã tạo được sự đồng thuận, gắn kết thi đua trong báo giới, tạo nên những tác phẩm có chiều sâu, phản ánh đậm nét mọi mặt của đời sống xã hội. Nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, thâm nhập thực tế sáng tác, trao đổi kinh nghiệm tác nghiệp được tổ chức hằng năm.

Đặc biệt, theo Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, các lớp bồi dưỡng ngắn ngày theo cách vừa làm vừa học đã giúp các hội viên cập nhật kiến thức, tiếp cận với những phương pháp và công nghệ làm báo hiện đại.

Nhiều bài viết ngày càng giàu tính chiến đấu, tính giáo dục, định hướng tư tưởng chính trị cao, góp phần ổn định và phát triển xã hội, qua đó khẳng định rõ hơn vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của người làm báo. Đây cũng chính là nguồn để các địa phương tuyển chọn các tác phẩm chất lượng tham dự Giải Báo chí Quốc gia hằng năm và đạt nhiều giải cao trong những năm gần đây.

Trải qua 17 năm tổ chức, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết Giải báo chí Quốc gia đã thu hút khoảng hơn 20.000 tác phẩm tham dự trong cả nước gửi về cho thấy sức hút của Giải ngày càng lớn, thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo giới báo chí và công chúng. Các tác phẩm đoạt giải cao là những tác phẩm đoạt giải cao là những tác phẩm có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, nhiều cách thức thể hiện sáng tạo, sinh động, hấp dẫn bạn đọc, thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo báo chí.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam cũng nhấn mạnh công nghệ làm báo ngày càng đổi mới đặt ra những yêu cầu, thách thức mới trong quát trình tổ chức Giải.

Theo Hội nhà báo Việt Nam, Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021 - 2025 đã có tác dụng động viên, khích lệ lớn đối với các hội viên, nhà báo.

Nhờ có kinh phí hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, các cấp Hội có thêm điều kiện, động lực mới để tập hợp, đoàn kết, động viên hội viên hoạt động báo chí. Đây thực sự là luồng sinh khí mới trong hoạt động báo chí cả nước.

Với nhiều Hội Nhà báo khó khăn về tài chính, nguồn kinh phí hỗ trợ, bổ sung được coi như một “phao cứu sinh” trong lúc kinh tế khó khăn. Nhiều nhà báo cho rằng, đối với những cơ quan báo chí còn eo hẹp về kinh phí hoạt động thì đây là một nguồn hỗ trợ rất quan trọng. Còn với những cơ quan thuận lợi về tài chính thì đây cũng là nguồn khích lệ, tiếp sức cho anh chị em nhà báo, hội viên sáng tạo hay hơn, cao hơn…,

Chương trình cũng tạo điều kiện cho các Hội Nhà báo các cấp có thêm điều kiện hoạt động, tìm tòi đề tài mới theo nội dung Chương trình, vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương.

Quá trình triển khai thực hiện Chương trình, nhiều tác phẩm chất lượng cao được hưởng kinh phí hỗ trợ đã đoạt Giải báo chí Quốc gia và Giải báo chí của các địa phương, giải báo chí các bộ, ngành, đoàn thể. Thực tế cho thấy, các tác phẩm đoạt giải cao (A, B, C) của Giải báo chí Quốc gia những năm qua đều là tác phẩm báo chí chất lượng cao đã được hỗ trợ.

toan-canh-sang-16112023.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Những vấn đề đặt ra và giải pháp nâng cao chất lượng Giải báo chí Quốc gia

Trao đổi về chất lượng Giải báo chí Quốc gia, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ - Hội nhà báo Việt Nam cho biết thêm Giải báo chí Quốc gia đã và đang có tác dụng to lớn, cổ vũ tinh thần thi đua giữa các nhà báo, giữa các cơ quan báo chí, qua đó đã phát hiện và tôn vinh những tài năng, sự tâm huyết của những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng.

Tác dụng to lớn đó đúng theo tinh thần của Chỉ thị 37-CT/TW ngày 13/8/2004 của Ban Bí thư “về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới” và sau đó là Chỉ thị 43-CT/TW ngày 08/4/2020 của Ban Bí thư trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”.

ba-do-thi-thu-hang.jpg
Bà Đỗ Thị Thu Hằng: CĐS đã và đang diễn ra mạnh mẽ trong nhiều cơ quan báo chí, với nhiều phương thức làm báo hiện đại, ứng dụng công nghệ cao được áp dụng.

Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Nghiệp vụ - Hội nhà báo Việt Nam, thành công là cơ bản nhưng so với thực tế phát triển mạnh mẽ của báo chí cùng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, so với yêu cầu cao hơn đối với báo chí trong tình hình mới như vậy thì Giải báo chí Quốc gia với tư cách là một động lực thúc đẩy sự phát triển của báo chí nước ta vẫn còn tồn tại những hạn chế.

Ngày nay, CĐS đang diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngày 06/4/2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Giải báo chí Quốc gia cũng cần bắt kịp xu hướng quan trọng và cấp thiết này.

Theo Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, sự hội tụ các phương tiện truyền thông, thì thể loại báo điện tử trên mạng Internet đã trở thành đội quân tiên phong, chiếm lĩnh “trận địa thông tin” nhờ đặc thù trực tuyến (online), sự tương tác mạnh mẽ, tốc độ lan truyền nhanh, tác động rộng rãi đến công chúng.

"CĐS đã và đang diễn ra mạnh mẽ trong nhiều cơ quan báo chí, với nhiều phương thức làm báo hiện đại, ứng dụng công nghệ cao được áp dụng. Cơ cấu giải, do đó cần hướng đến dung nạp thêm nhiều sản phẩm báo chí với phương thức thể hiện mới, đang được công chúng đón nhận rộng rãi, như Sản phẩm báo chí chuyên đề, đa phương tiện, đa loại hình, đa nền tảng…", Trưởng Ban Nghiệp vụ đề nghị.

Cùng với đó, bà Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng Giải báo chí Quốc gia cần cải tiến quy trình, đẩy mạnh ứng dụng CNTT hơn nữa trong quá trình tổ chức và phát triển.

Hai năm gần đây, phần mềm chấm giải online của Hội Nhà báo Việt Nam đã phát huy vai trò rất tích cực, hỗ trợ đáng kể cho tác giả tham dự cũng như cho công tác của Hội đồng giám khảo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khâu trong công tác tuyển chọn chưa được số hóa, phần mềm chấm giải vẫn dừng ở mức hỗ trợ thẩm định tác phẩm, chưa hỗ trợ được công tác chấm giải đặc thù của Hội đồng sơ, chung khảo, chưa có cơ chế lưu trữ tư liệu tác phẩm đoạt giải cũng như các văn bản, quy định có liên quan.

Trong thời gian tới, cùng với chiến lược CĐS của Hội Nhà báo Việt Nam, bà Đỗ Thị Thu Hằng cho biết Hội cần quan tâm hơn nữa đến việc cải tiến quy trình và CĐS Giải báo chí Quốc gia, góp phần đẩy mạnh vị thế của Giải, xứng tầm là sân chơi nghiệp vụ uy tín nhất của những người làm báo Việt Nam./.

Hoàng Linh