Kon Tum xây dựng chính quyền điện tử, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp

Truyền thông - Ngày đăng : 14:38, 21/11/2023

Để hoàn thiện chính quyền điện tử và phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, Kon Tum đã triển khai nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào vận hành bộ máy hành chính…
Truyền thông

Kon Tum xây dựng chính quyền điện tử, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp

Đỗ Thêu {Ngày xuất bản}

Để hoàn thiện chính quyền điện tử và phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, Kon Tum đã triển khai nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào vận hành bộ máy hành chính…

Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử là một bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi số ở địa phương, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội. Tại Kon Tum, chính quyền điện tử không chỉ mang lại sự tiện lợi và minh bạch cho người dân, mà còn tạo ra cơ hội phát triển bền vững trong thời đại số.

kon-tum-chinh-quyen-dien-tu-1.jpg
Phòng tiếp nhận và trả kết quả cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Nhiều thành tựu trong công tác xây dựng chính quyền điện tử tại Kon Tum

Một trong những thành tựu quan trọng nhất của chính quyền điện tử Kon Tum là việc xây dựng hệ thống quản lý văn bản điện tử. Việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý văn bản giúp tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong quá trình trao đổi thông tin và xử lý công việc. Người dân và doanh nghiệp có thể gửi yêu cầu, hồ sơ và các tài liệu liên quan thông qua hệ thống này, giúp tiết kiệm thời gian và công sức so với việc giao hồ sơ trực tiếp. Đồng thời, việc lưu trữ văn bản điện tử giúp giảm thiểu rủi ro mất mát thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu và sử dụng lại thông tin trong tương lai.

Tại Kon Tum, kế hoạch chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu phát triển Chính quyền số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bằng việc 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã sẽ được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Đến năm 2025, 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Kon Tum cũng nghiên cứu áp dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động của cơ quan nhà nước.

Theo Sở TT&TT, hiện nay 100% cơ quan, đơn vị các cấp đã triển khai ứng dụng chữ ký số vào phần mềm quản lý văn bản và điều hành; Tỷ lệ văn bản điện tử có ký số đạt trên 98,25%; Tổng số văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước của toàn tỉnh là trên 2,4 triệu văn bản. Số doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ hóa đơn điện tử đạt 100%; Trên 98% doanh nghiệp tham gia khai thuế điện tử và trên 98% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử.

Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến của UBND tỉnh phục vụ đắc lực cho cuộc họp trực tuyến từ Trung ương đến tỉnh và truyền về các huyện, thành phố, các hội nghị trực tuyến trong tỉnh. Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh đã cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức đảng, đoàn thể và các cán bộ, công chức, viên chức với 6.968 tài khoản để trao đổi thông tin điện tử trên môi trường mạng. Hệ thống thông tin nguồn (https://kontum-ttn.lcsa.vn) đã triển khai kết nối 17 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông - viễn thông của các xã và 3 bảng tin điện tử công cộng.

Các sở, ban, ngành tại Kon Tum đồng loạt triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ

Để hoàn thiện một trong những khâu quan trọng của việc xây dựng chính quyền số và phục vụ cho người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, Kon Tum đã quan tâm tái cấu trúc hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh. Theo đó, Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống một cửa điện tử được tích hợp đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/ 6/2022 của Chính phủ. Đến nay, Kon Tum đã cung cấp 887 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 429 dịch vụ công trực tuyến một phần; 404 thủ tục hành chính không xác định là dịch vụ công trực tuyến; Tổng số dịch vụ công trực tuyến toàn trình có phát sinh hồ sơ 326 dịch vụ.

Chính quyền điện tử Kon Tum không chỉ tập trung vào việc cải thiện quy trình hành chính và quản lý công việc công cộng, mà còn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua công tác ứng dụng công nghệ thông tin. Tỉnh đã ứng dụng trợ lý ảo hỗ trợ giải đáp tự động phục vụ người dân và tổ chức thực hiện thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; triển khai ứng dụng Zalo để tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, như tra cứu mã hồ sơ, quét mã QR qua Zalo..., cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành, các thông tin về kinh tế - xã hội nhanh chóng, hiệu quả.

Người dân Kon Tum có thể truy cập vào các ứng dụng và trang web chính phủ để tiếp cận các dịch vụ như thanh toán thuế, đăng ký sử dụng đất, đăng ký xe cộ, và nhiều dịch vụ khác. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho người dân, đồng thời giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp và giúp ngăn chặn các hành vi tham nhũng và gian lận.

kon-tum-chinh-quyen-dien-tu-2.jpg
Ngành nông nghiệp Kon Tum đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất rau sạch.

Với mục tiêu chuyển đổi số tổng quát, toàn diện trên mọi lĩnh vực, mọi bộ ngành nên các sở, ban, ngành tại Kon Tum đều đồng loạt triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ vào vận hành. Điển hình như Sở Kế hoạch và Đầu tư Kon Tum đã có hệ thống giám sát, theo dõi quản lý tiến độ dự án đầu tư tỉnh Kon Tum; Sở Tư pháp sử dụng các phần mềm chuyên ngành hệ thống quản lý thông tin lý lịch tư pháp, quản lý hộ tịch, trợ giúp pháp lý; Ban Dân tộc tỉnh triển khai hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc; Sở Nội vụ triển khai thí điểm phần mềm quản lý cán bộ công chức, viên chức và cán bộ công chức cấp xã; Sở NN&PTNT triển khai phần mềm theo dõi cập nhật diễn biến tài nguyên rừng, hệ thống thông tin dịch bệnh động vật, quản lý năng lực giám sát và đánh giá ngành kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn; Sở GD&ĐT triển khai sử dụng phần mềm số hóa văn bằng chứng chỉ của ngành, các phần mềm dạy học trực tuyến (MS Teams, Zoom, Google Meet), các ứng dụng kiểm tra đánh giá học sinh trực tuyến, phần mềm kế toán MISA.

Đỗ Thêu