Bộ Công Thương xây dựng chính phủ số 4 "không" và 4 "có”
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 08:39, 22/11/2023
Bộ Công Thương xây dựng chính phủ số 4 "không" và 4 "có”
Bốn "có" trong Chính phủ điện tử (CPĐT) bao gồm có toàn bộ hoạt động sẵn sàng trên môi trường số; có khả năng cung cấp dịch vụ mới và cá thể hóa; có khả năng đưa ra quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu (CSDL); và có thể giải quyết những vấn đề dai dẳng của xã hội.
Tại Diễn đàn Quốc gia Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số (KTS) ngành Công Thương 2023 (Vietnam Digital Industry and Trade Summit 2023), chia sẻ về nhiệm vụ chiến lược, trọng yếu nhằm tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn đến năm 2030, TS. Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục TMĐT và KTS (Bộ Công Thương), cho biết Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản pháp lý như Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023 phê duyệt duyệt đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030, Quyết định số 823/QĐ-BCT ngày 29/4/2022 về chương trình CĐS Bộ Công Thương giai đoạn 2022-2025, Quyết định số 1753/QĐ-BCT ngày 06/7/2023 phê duyệt Đề án phát triển KTS ngành Công Thương đến 2030. Đây chính là những căn cứ pháp lý để thúc đẩy chính phủ số (CPS) tại Bộ Công Thương và thúc đẩy phát triển KTS ngành Công Thương.
Theo Cục trưởng Cục TMĐT và KTS, việc xây dựng và đẩy mạnh CĐS tại Bộ Công Thương trong thời gian tới đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 gồm hai nội hàm chính: Thứ nhất là chuyển đổi phương thức quản lý, điều hành các đơn vị trong Bộ; Thứ hai là đổi mới phương thức phục vụ người dân, DN, trong đó lấy người dân và DN làm trung tâm để phục vụ.
Từ CPĐT 4 "không" đến CPĐT 4 "không" và 4 "có"
Những nỗ lực đổi mới phương thức quản lý, điều hành đã mang lại kết quả CPS dần thay thế CPĐT tại Bộ Công Thương. Nghĩa là Bộ Công thương đã bước đầu qua giai đoạn CPĐT, còn được coi là chính phủ 4 "không", bao gồm họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy tờ; giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt.
Và việc chuyển dịch từ CPĐT sang CPS đã biến CPĐT 4 "không" trở thành CPĐT 4 "không" cộng thêm 4 "có", bao gồm có toàn bộ hoạt động sẵn sàng trên môi trường số; có khả năng cung cấp dịch vụ mới, cá thể hóa; có khả năng đưa ra quyết định dựa trên CSDL; và có thể giải quyết những vấn đề dai dẳng của xã hội như về y tế, giáo dục....
Bộ Công Thương hiện nay đang xếp thứ nhất trong tất cả các bộ, ngành về xếp hạng dịch vụ công (DVC) trực tuyến (DVCTT) phục vụ người dân và DN. Theo TS. Lê Hoàng Oanh, Bộ Công Thương đã cung cấp đến 236 DVCTT, 96,6% trực tuyến toàn trình và trên 49.000 DN khai báo, kết nối vào cổng DVC của Bộ, kết nối với Cổng DVC quốc gia và triển khai cơ chế một cửa quốc gia với cơ chế một cửa ASEAN. Tỷ lệ hồ sơ số hóa của Bộ Công Thương trên cổng DVC quốc gia đã chiếm đến thứ 93,92%.
Cục trưởng Cục TMĐT và KTS chia sẻ CĐS trong lĩnh vực KTS, trong đó các lĩnh vực thương mại, công nghiệp và năng lượng được coi là những lĩnh vực tiên phong ứng dụng hiệu quả công nghệ số, đổi mới căn bản toàn diện quản lý nhà nước về KTS cho ngành Công Thương.
Theo thông tin của lãnh đạo Cục TMĐT và KTS, Bộ Công Thương đang triển khai chiến lược số hóa giấy tờ thương mại. Cụ thể, với thương mại không giấy tờ, DN có thể tiếp cận kiểm tra, xác minh các loại chứng từ với nhau mà không cần tiếp xúc trực tuyến, trực tiếp.
Một điển hình của việc số hóa giấy tờ thương mại là vừa qua, Bộ Công Thương đã ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) về trao đổi CSDL Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) điện tử qua hệ thống EODES (Hệ thống trao đổi dữ liệu C/O điện tử) giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Hợp tác này giúp đẩy nhanh quy trình, thủ tục cấp C/O tại nước xuất khẩu cũng như thông quan hàng hóa dựa trên dữ liệu C/O điện tử để được hưởng các ưu đãi thuế quan, giảm áp lực đáng kể về thời gian và chi phí cho DN. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ hướng tới tăng cường hợp tác với các quốc gia, để đẩy mạnh xuất khẩu thương mại xuyên biên giới.
Ngoài ra, xác định DN là lực lượng nòng cốt để triển khai TMĐT, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ DN cũng như đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, trong đó có thể kể đến một số hoạt động cơ bản như thiết lập hạ tầng và môi trường pháp lý TMĐT; Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm qua TMĐT; tổ chức Tuần TMĐT quốc gia và ngày mua sắm online hàng năm …
Các hoạt động này sẽ thúc đẩy TMĐT cho các DN cũng như ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng không có rõ nguồn gốc về xuất xứ hay hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và TMĐT. Trong 3 năm qua, phối hợp cùng các Bộ, đơn vị, lực lượng liên quan, đã có 6.564 vụ vi phạm về kinh doanh hàng hóa trên TMĐT bị xử lý, đảm bảo môi trường TMĐT lành mạnh.
Năm mục tiêu chính để phát triển CPS
Để thúc đẩy CĐS thành công, Bộ Công Thương đã tập trung vào nguồn nhân lực, xây dựng các quy tắc trên môi trường kinh doanh số, môi trường TMĐT; đào tạo, tập huấn kỹ năng số cho công chức, viên chức, người lao động.
Hàng năm, các lớp tập huấn cho cán bộ, công chức về kỹ năng số được tổ chức, với số lượng khoảng 50 lớp/năm, và 10.000 người/năm cho DN về phương thức phân phối hàng hóa trên nền tảng TMĐT. Bộ cũng chủ trì, phối hợp với các trường đại học về đào tạo nguồn nhân lực cho TMĐT và KTS.
Theo thông tin chia sẻ của TS. Lê Hoàng Oanh, trong thời gian tới, Bộ Công Thương đặt ra 5 mục tiêu chính để phát triển CPS. Đó là phát triển hạ tầng số một cách tập trung, thông suốt. Thứ hai là tạo lập CSDL cho kinh tế và xã hội để phục vụ quản lý, điều hành đồng bộ. Thứ ba là xây dựng CSDL mở dễ truy cập, sử dụng, tăng cường tính công khai, minh bạch; Thứ tư là cung cấp DVCTT toàn trình để người dân và DN có thể trải nghiệm tốt hơn các dịch vụ. Thứ năm là đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật các hệ thống thông tin.
Đối với giải pháp phát triển KTS, Bộ Công thương đưa ra 4 giải pháp trọng tâm, trong đó thứ nhất là TMĐT. “Hiện nay chúng tôi đang triển khai kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT 2021-2025 và đang làm việc với tất cả các Sở Công thương trên toàn quốc để có được chương trình cho năm 2023 một cách thiết thực. Trên cơ sở đó sẽ xây dựng lộ trình cho năm 2025 - 2030 và hướng đến những nội dung chú trọng như hạ tầng thanh toán, logistics, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…”, bà Lê Hoàng Oanh cho biết.
Giải pháp thứ hai để phát triển KTS là thương mại không giấy tờ, phát huy trục hợp đồng điện tử. Thứ ba là tiến hành CĐS trong công nghiệp, năng lượng hướng đến tự động hóa, xây dựng lưới điện thông minh, an toàn mạng lưới điện, sản xuất thông minh. Và cuối cùng là xây dựng chỉ tiêu thống kê KTS.
“Nếu chúng ta không có chỉ tiêu thống kê về KTS thì việc xây dựng kế hoạch phát triển KTS tiếp theo sẽ rất khó khăn. Do vậy, đây cũng là một trọng tâm trong giải pháp phát triển KTS của chúng tôi”, lãnh đạo Cục TMĐT và KTS cho biết./.