Ngành Hải quan Việt Nam triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Truyền thông - Ngày đăng : 09:22, 22/11/2023

Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, việc thường xuyên kiểm tra, đánh giá năng lực công chức trong ngành nhằm nâng cao chất lượng quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện tại. Qua đó tạo cơ sở cho việc lựa chọn quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa của ngành Hải quan trong tương lai.
Truyền thông

Ngành Hải quan Việt Nam triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Đỗ Thêu 22/11/2023 09:22

Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, việc thường xuyên kiểm tra, đánh giá năng lực công chức trong ngành nhằm nâng cao chất lượng quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện tại. Qua đó tạo cơ sở cho việc lựa chọn quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa của ngành Hải quan trong tương lai.

Thường xuyên kiểm tra, đánh giá năng lực cán bộ

anh-4.2.jpg
Việc thường xuyên kiểm tra, đánh giá năng lực cán bộ là nhiệm vụ quan trọng của ngành Hải quan Việt Nam.

Trong những năm qua, hoạt động đổi mới quản lý nguồn nhân lực theo năng lực dựa trên vị trí việc làm được Tổng cục Hải quan đặc biệt quan tâm. Trong đó, đánh giá năng lực công chức tại 8 lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ chính là hoạt động quan trọng, cần thiết trong chiến lược đổi mới quản lý nguồn nhân lực và là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của ngành Hải quan.

Từ năm 2018, ngành Hải quan đã triển khai việc kiểm tra đánh giá năng lực đối với cán bộ, công chức, nhằm xác định được thực trạng năng lực của công chức để kịp thời xây dựng kế hoạch đào tạo nhằm bổ sung kiến thức, kỹ năng cho công chức. Kết quả đánh giá năng lực công chức cũng làm cơ sở cho việc bố trí, sử dụng công chức một cách khoa học, đúng năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hải quan. Qua đó, tạo phong trào học tập, hình thành ý thức tự học, tự nghiên cứu trong mỗi công chức để rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Theo ông Lương Khánh Thiết - Phó Trưởng ban thường trực Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan (Tổng cục Hải quan), trong kỳ đánh giá năm 2023, lần đầu tiên Tổng cục Hải quan đưa vào phương pháp xây dựng câu hỏi nguyên tắc.

Nếu trước đây, mỗi câu hỏi trắc nghiệm chỉ có 4 phương án trả lời cụ thể dẫn đến tình trạng thí sinh có thể học thuộc không cần hiểu, nhớ mẹo các đáp án đúng. Năm nay, một câu hỏi trắc nghiệm sẽ có nhiều đáp án đúng và nhiều phương án trả lời sai, các đáp án được kết hợp với nhau tạo ra tổ hợp 4 phương án trả lời khác nhau trên bài thi. Như vậy, một câu hỏi nguyên tắc sẽ sinh ra rất nhiều câu hỏi có bố trí đáp án khác nhau, dẫn đến thí sinh bắt buộc phải nắm và hiểu các nội dung nghiệp vụ gốc mới làm được bài.

Ông Thiết cho rằng, nhờ sự đổi mới này, công chức dự thi được tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều trong quá trình ôn tập. Trước hết, bộ đề đánh giá năng lực năm 2023 được công khai, thay vì đóng dấu mật như những năm trước do số lượng câu hỏi ít. Công chức có thể dễ dàng tìm và học các câu hỏi liên quan, là cơ sở cho việc nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phục vụ cho công việc hàng ngày.

Năm nay cũng là lần đầu tiên các thí sinh dự thi được làm bài luyện thi online với cấu trúc đề và ngân hàng đề hoàn toàn như bài thi chính thức. Vì vậy, công chức càng ôn tập, thi thử nhiều sẽ càng quen với câu hỏi, cách hỏi và đạt kết quả cao trong bài thi chính thức.

anh-4.1.jpg
Buổi thi đánh giá năng lực công chức không giữ vị trí lãnh đạo tại Cục Hải quan Quảng Ninh.

Nhiều đơn vị đạt kết quả cao

Từ đầu năm 2023 tới thời điểm hiện tại, nhiều Cục Hải quan tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc tổ chức đánh giá năng lực công chức không giữ chức vụ lãnh đạo. Tiêu biểu như các Cục Hải quan: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Nam, Bình Định…

Ở khối cơ quan Tổng cục, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) là đơn vị đầu tiên được lựa chọn để tổ chức thi đánh giá năng lực đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo.

Kết quả, hầu hết 90% thí sinh đạt yêu cầu, có kết quả đánh giá năng lực từ cấp độ 2 trở lên, trong đó, cấp độ 3 chiếm 69% tổng số thí sinh dự thi. Đáng chú ý, có trên 148 thí sinh đạt điểm tối đa 100 điểm, trong đó có nhiều điểm 100 đến từ các thí sinh dự thi vị trí việc làm có độ khó cao như: Kiểm tra sau thông quan cấp Cục, Thực hiện thủ tục thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thương mại.

Theo ông Nguyễn Kiên Giang, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng, việc tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ công chức luôn được đơn vị chú trọng thực hiện từ nhiều năm qua.

“Đối với việc triển khai mô hình đánh giá năng lực 2 cấp theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Hải Phòng đã chủ động triển khai các nhiệm vụ liên quan. Với sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan, đơn vị đã hoàn tất các công tác chuẩn bị, đảm các điều kiện tốt nhất cho kỳ đánh giá lần này”, Phó Cục trưởng Nguyễn Kiên Giang nhấn mạnh.

Phó trưởng ban thường trực Ban Cải cách hiện đại hóa Hải quan Lương Khánh Thiết, trưởng đoàn giám sát kỳ thi của Tổng cục Hải quan khẳng định, kết quả đánh giá năng lực đã từng bước được sử dụng trong công tác tổ chức cán bộ với các hoạt động như điều động, chuyển đổi vị trí công tác, đánh giá, xếp loại công chức, viên chức cũng như bổ nhiệm… Qua đó, đảm bảo bước đầu bố trí đúng người, đúng việc, đảm bảo công chức nắm được kiến thức nhất định trước khi đảm nhận vị trí mới.

Dự kiến, hết tháng 11/2023, Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan sẽ phối hợp với các đơn vị hoàn thành thi đánh giá năng lực ở toàn bộ 35 Cục Hải quan địa phương, với số lượng thí sinh khoảng 5.000 công chức không giữ chức vụ lãnh đạo.

Đỗ Thêu