Cải cách hành chính ở Kon Tum: Tạo đột phá trong phục vụ công dân và doanh nghiệp
Truyền thông - Ngày đăng : 11:23, 25/11/2023
Cải cách hành chính ở Kon Tum: Tạo đột phá trong phục vụ công dân và doanh nghiệp
Với quyết tâm và nỗ lực không ngừng, tỉnh Kon Tum đã tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ nhằm cải cách hành chính nhà nước, mục tiêu tạo ra một môi trường hành chính minh bạch, hiệu quả và tiện lợi cho công dân và doanh nghiệp.
36 DVCTT trực tuyến được giảm lệ phí, 119 DVCTT giảm thời gian giải quyết
Lãnh đạo tỉnh Kon Tum coi cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm nhằm hỗ trợ nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi đến địa phương. Với việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh, thành lập bộ phận một cửa cấp tỉnh, huyện, xã nên đã hạn chế tối đa việc người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, nhiều đơn vị để giải quyết thủ tục hành chính; Đồng thời, rút ngắn thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao tính công khai, minh bạch. Hiện 100% thủ tục được thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, với 1.322/1.419 thủ tục cấp tỉnh; cấp huyện có 223/223 (đạt 100%); Cấp xã có 100/100 (đạt 100%).
Mới đây, tại Quyết định số 539/QĐ-UBND ngày 01/11, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt Danh mục DVCTT cấp tỉnh với 1.103 dịch vụ công (831 toàn trình và 272 một phần); Danh mục DVCTT cấp huyện với 164 dịch vụ công (117 toàn trình và 47 một phần); Danh mục DVCTT cấp xã với 80 dịch vụ công (39 toàn trình và 41 một phần); Danh mục DVCTT chung 3 cấp với 24 dịch vụ công (11 toàn trình và 13 một phần).
Đặc biệt, thêm nhiều DVCTT được phê duyệt giảm lệ phí và thời gian giải quyết. Cụ thể, Kon Tum đã phê duyệt Danh mục 36 DVCTT tiếp nhận trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh được giảm 50% lệ phí theo chính sách về phí, lệ phí; Phê duyệt Danh mục 119 DVCTT tiếp nhận trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh được cắt giảm thời gian giải quyết khi nộp hồ sơ bằng hình thức trực tuyến so với hình thức nộp hồ sơ trực tiếp.
Hiện nay, trên Hệ thống Thông tin giải quyết TTHC tỉnh có 16.256 tài khoản của người dân và doanh nghiệp đăng ký hồ sơ trực tuyến. Trong đó, 16.007 tài khoản là của người dân và 249 tài khoản của doanh nghiệp. Về thanh toán trực tuyến, các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai, trong đó toàn tỉnh phát sinh 3.437 giao dịch thành công với trên 8,7 tỷ đồng. Đối với thanh toán trực tuyến phí, lệ phí giải quyết TTHC có 11.146 giao dịch thành công với trên 934 triệu đồng.
Rõ ràng, việc tăng cường sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông đã giúp rút ngắn thời gian và giảm bớt thủ tục hành chính đối với công dân và doanh nghiệp. Với danh mục các DVCTT được phê duyệt, những thủ tục như đăng ký kinh doanh, xin cấp giấy phép được tạo xử lý nhanh chóng hơn. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ và lưu trữ thông tin cũng đã được nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu và quản lý thông tin hành chính.
Nỗ lực nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính
Để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong hoạt động, tỉnh Kon Tum đã tăng cường công tác giám sát và kiểm định chất lượng dịch vụ công. Công tác tiếp nhận và giải quyết phản ánh, khiếu nại và yêu cầu của công dân được thực hiện một cách nhanh chóng và minh bạch. Đồng thời, việc xây dựng và áp dụng các chỉ tiêu đánh giá chất lượng dịch vụ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo việc cải thiện liên tục và khắc phục những hạn chế còn tồn đọng.
UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương có dịch vụ công trực tuyến được phê duyệt thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo tiến độ, chất lượng theo quy định; thực hiện áp dụng mức lệ phí, thời gian giải quyết đã được giảm khi nộp hồ sơ trực tuyến; Thực hiện thanh toán trực tuyến các nghĩa vụ tài chính liên quan đến thủ tục hành chính trên nền tảng thanh toán của Cổng dịch vụ công Quốc gia; Tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh.
Nhằm nâng cao hơn nữa sự hài lòng của người dân đối với công tác phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ra công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung rà soát các quy định, chỉ đạo về CCHC của cấp có thẩm quyền, nghiên cứu những vấn đề được phát hiện và khắc phục hạn chế, thiếu sót. Đặc biệt, các đơn vị phải nâng cao vai trò trách nhiệm trong triển khai các nhiệm vụ CCHC, nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan HCNN đối với người dân, nâng cao sự hài lòng của người dân.
Đẩy mạnh việc rà soát, đề xuất kiến nghị cấp có thẩm quyền đơn giản hóa TTHC, giảm mạnh giấy tờ, biểu mẫu, tờ khai không cần thiết, làm khó hoặc gây phiền hà, mất thời gian, công sức của người dân, tổ chức và cả cơ quan hành chính; Tăng cường các biện pháp hướng dẫn, hỗ trợ người dân, tổ chức trong việc chuẩn bị hồ sơ TTHC.
Thực hiện Đề án “Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính”, Kon Tum là một trong những tỉnh đi đầu thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp bưu chính công ích đảm nhận việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thành phố Kon Tum thay cho công chức, viên chức của các sở, ban, ngành, góp phần nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành quan tâm thực hiện, tỷ lệ đơn được giải quyết đạt mức cao.
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã chủ trì, phối hợp với Viễn thông Kon Tum thực hiện việc kiểm thử, cập nhật, tích hợp các dịch vụ công trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo danh mục, thời gian thực hiện, lệ phí quy định; Rà soát xây dựng biểu mẫu tương tác đối với các dịch vụ công trực tuyến toán trình, dịch vụ công trực tuyến một phần đã tích hợp.
Theo lãnh đạo tỉnh Kon Tum, công tác cải cách hành chính sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và định hướng phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội. Việc thúc đẩy sự đổi mới công nghệ và kỹ thuật số hóa hành chính sẽ giúp nâng cao hiệu quả và tiện ích của dịch vụ công. Đồng thời, việc tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ công chức sẽ đảm bảo chất lượng phục vụ công dân và doanh nghiệp.