Cần cơ chế đặc thù cho Hà Nội để chủ động, tự chủ hơn trong sử dụng ngân sách hướng tới phát triển đô thị đặc biệt, xứng tầm

Truyền thông - Ngày đăng : 11:24, 25/11/2023

Theo nhiều ý kiến chuyên gia, việc tạo cơ chế đặc thù cho Hà Nội để có thể chủ động, tự chủ hơn trong sử dụng ngân sách nhằm phát triển đô thị đặc biệt, xứng tầm là việc làm rất cần thiết, nó không có mâu thuẫn gì với các quy định của pháp luật hiện hành và phù hợp với năng lực thực tiễn của thủ đô.
Truyền thông

Cần cơ chế đặc thù cho Hà Nội để chủ động, tự chủ hơn trong sử dụng ngân sách hướng tới phát triển đô thị đặc biệt, xứng tầm

Đỗ Thêu {Ngày xuất bản}

Theo nhiều ý kiến chuyên gia, việc tạo cơ chế đặc thù cho Hà Nội để có thể chủ động, tự chủ hơn trong sử dụng ngân sách nhằm phát triển đô thị đặc biệt, xứng tầm là việc làm rất cần thiết, nó không có mâu thuẫn gì với các quy định của pháp luật hiện hành và phù hợp với năng lực thực tiễn của thủ đô.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được Quốc hội khoá XV đưa ra thảo luận. Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), quy định về tài chính ngân sách được tập trung chủ yếu tại Điều 35 huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển thủ đô và Điều 36 sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển thủ đô là nội dung được nhiều chuyên gia quan tâm.

Nói về vấn đề trên, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ Nguyễn Hồng Tuyến nhìn nhận, có thể nói dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều quy định đột phá về thu hút nguồn lực, đầu tư tài chính, đáp ứng nhu cầu tổ chức chính quyền và phát triển kinh tế của Thủ đô.

Hà Nội không giống các địa phương khác, kể cả các thành phố có Nghị quyết đặc thù như TP Hồ Chí Minh. Đơn cử, nếu TP Hồ Chí Minh có đầu tư theo hình thức BT (Xây dựng – chuyển giao) bằng tiền, thì Hà Nội vượt trội hơn khi đề xuất trong Luật cả đầu tư BT bằng đất, đây là đột phá lớn để thu hút các nguồn lực cho thủ đô.

Đồng thời, thủ đô cũng chú trọng phát triển TOD (Giao thông công cộng), đây là cơ chế hiệu quả để khai thác nguồn lực từ đất đai, phát triển kinh tế, hạ tầng mà nhiều nước phát triển trên thế giới đã áp dụng. Đi cùng với đó là phát triển không gian ngầm, không gian xanh và không gian giao thông.

anh-2.1.jpg
Theo chuyên gia, Hà Nội cần được giữ lại 100% khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để tạo nguồn lực đầu tư phát triển.

Trong khi đó, luật sư Mai Bích Ngân, Giám đốc công ty Luật TNHH Anh Trí Việt, nêu quan điểm, ngân sách TP Hà Nội cần được giữ lại 100% khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố để tạo nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Đây là cơ sở hỗ trợ di dời các đơn vị thuộc danh mục phải di dời theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội.

anh-2.2.jpg
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng cần tạo cơ chế đặc thù cho Hà Nội chủ động, tự chủ hơn trong sử dụng ngân sách để phát triển đô thị.

Lý giải rõ hơn về việc cần thiết nên tạo cơ chế đặc thù để Hà Nội có thể chủ động, tự chủ hơn trong sử dụng ngân sách hướng tới phát triển đô thị đặc biệt, xứng tầm, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng, quy định đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, tăng tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho Hà Nội trong việc sử dụng ngân sách không có mâu thuẫn gì với các quy định của pháp luật hiện hành.

Ông Bình nêu dẫn chứng, đối với lĩnh vực tài chính công, trong năm 2022, số thu ngân sách nhà nước (NSNN) của Hà Nội đạt mức 332 nghìn tỷ đồng, chiếm tới khoảng 18,3% tổng thu NSNN của cả nước. Bên cạnh đó, với mục tiêu xây dựng một Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, Hà Nội cần huy động và triển khai một lượng vốn đầu tư rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình thể thao, văn hoá, y tế, giáo dục, thuỷ lợi, cấp thoát nước.

Ví dụ, Hà Nội cần tới 4,7 triệu tỷ đồng phát triển hệ thống giao thông công cộng kết nối trung tâm với đô thị vệ tinh, 888 ngàn tỷ đồng cho 9 tuyến đường sắt đô thị. Đó là chưa tính đến các nguồn vốn cho các dự án xe buýt công cộng, các cầu bắc qua sông Hồng, các công trình văn hoá, thể thao, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ khác nữa.

Huy động được nguồn vốn khổng lồ này đã là một khó khăn nhưng việc sử dụng nguồn vốn, giải ngân, thực hiện đúng tiến độ các dự án cũng là thách thức không kém.

Chính vì những lý do như vậy, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để Hà Nội có thể chủ động, tự chủ hơn trong sử dụng ngân sách nhằm phát triển đô thị thông minh, hiện đại là phù hợp với thực tiễn. Trên thực tế, năng lực thực hiện của TP Hà Nội đã được minh chứng rất rõ ràng qua việc chuẩn bị và triển khai dự án đường vành đai 4 và nhiều công trình cơ sở hạ tầng quy mô lớn trong thời gian vừa qua.

Đỗ Thêu