Luật Thủ đô (sửa đổi): Nên giao HĐND thành phố chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức

Truyền thông - Ngày đăng : 11:30, 24/11/2023

Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất nên giao HĐND thành phố chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó, hướng tới việc xây dựng bộ máy chính quyền Thủ đô tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu quản trị trong giai đoạn phát triển mới.
Truyền thông

Luật Thủ đô (sửa đổi): Nên giao HĐND thành phố chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức

Đỗ Thêu 24/11/2023 11:30

Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất nên giao HĐND thành phố chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó, hướng tới việc xây dựng bộ máy chính quyền Thủ đô tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu quản trị trong giai đoạn phát triển mới.

Hướng tới bộ máy tinh gọn

Chính phủ đã chính thức trình Quốc hội về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để các đại biểu cho ý kiến lần đầu.

anh-1.2.jpg
Hà Nội hướng tới xây dựng đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng và cả nước.

Đa số đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) với những nội dung cơ bản như trong tờ trình của Chính phủ, hướng tới xây dựng Hà Nội hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước.

Đại biểu Tạ Thị Yên - Phó Trưởng ban công tác đại biểu, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhất trí với đề xuất quy định trong dự thảo luật về mô hình chính quyền các cấp của Thủ đô Hà Nội theo hướng giữ nguyên và ổn định như nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, việc đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền Hà Nội trong quy định một số nội dung thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế, coi đây là bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho thành phố thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo luật.

Về số lượng biên chế, theo đại biểu Tạ Thị Yên, nên đặt trọng tâm, tập trung vào việc tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức hợp lý với yêu cầu của Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đó là xây dựng Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, có bộ máy chính quyền thủ đô tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu quản trị trong giai đoạn phát triển mới trên nền tảng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ số trong quản trị thủ đô.

Đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, nếu chỉ quy định như dự thảo luật hiện tại là “Giao cho HĐND thành phố đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm” thì chưa rõ ràng, cụ thể.

anh-1.1.png
Đại biểu Tạ Thị Yên đề xuất giao HĐND TP Hà Nội chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức.

Trên cơ sở đó, đại biểu Tạ Thị Yên đề xuất nên nghiên cứu quy định theo hướng giao cho HĐND thành phố chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của chính quyền thành phố.

Đồng quan điểm, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn tỉnh Quảng Trị) tán thành mục tiêu xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này với cơ chế đặc thù, vượt trội, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của cả nước.

“Về quy định thẩm quyền quyết định biên chế của HĐND TP Hà Nội, theo tinh thần và chủ trương của Đảng là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và phát huy vai trò tự quản của chính quyền thủ đô. Tôi cũng tán thành ý kiến của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội là giao cho HĐND TP Hà Nội được quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức và có cơ chế báo cáo, kiểm tra, giám sát và kiểm soát của cơ quan trung ương trong quá trình thực hiện”, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho biết thêm.

Cần tăng đại biểu HĐND chuyên trách để hoạt đồng hiệu quả hơn

Về số lượng đại biểu HĐND TP Hà Nội, đại biểu Tạ Thị Yên đồng tình với dự thảo luật quy định nâng từ 95 lên 125 đại biểu. Việc tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 25% được coi là giải pháp cần thiết để nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của HĐND.

Theo đại biểu Tạ Thị Yên, việc tăng từ 2 lên 3 Phó Chủ tịch HĐND thành phố và mở rộng thành phần của Thường trực HĐND so với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng khá phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND.

Tuy nhiên, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng cũng có thể nghiên cứu thêm việc đổi mới phương thức làm việc của HĐND thành phố để nâng cao hơn tính chuyên nghiệp và chất lượng, hiệu quả hoạt động của thiết chế này phù hợp với sự phát triển của Chính phủ số, xã hội số, công dân số. Do đó, các hình thức, phương pháp, công cụ cũng nên cân nhắc thêm theo hướng số hóa và tính đại diện, quyền lợi của cử tri và nhân dân thủ đô để bộ máy được thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn.

Cũng quan tâm về nội dung trên, đại biểu, hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Đoàn Hà Nội) đánh giá, dự thảo đã tập trung phân cấp, giao quyền, quy định trách nhiệm của thủ đô. Để phát huy vai trò cộng đồng, dự thảo đã quy định tăng số lượng đại biểu HĐND lên 125 là cần thiết.

“Số lượng này so với bình quân cả nước là còn thấp hơn. Hơn nữa dự báo dân số Hà Nội cao hơn so với quy hoạch đã định (Quy hoạch điều chỉnh đến 2030 không phải 9,2 triệu dân mà có thể tới 14 triệu), nên cần nghiên cứu thêm”, hòa thượng Thích Bảo Nghiêm phát biểu.

Đỗ Thêu