Thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em trong khu vực ASEAN
Truyền thông - Ngày đăng : 10:28, 01/10/2023
Thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em trong khu vực ASEAN
Thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em trong khu vực ASEAN là chủ đề nổi bật tại Hội thảo tham vấn của Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và bảo vệ quyền của Phụ nữ và Trẻ em (ACWC) vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM).
Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ về các nỗ lực của ACWC trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em trong khu vực ASEAN, đồng thời cập nhật về các hoạt động do Việt Nam chủ trì trong Kế hoạch công tác và các lĩnh vực ưu tiên của quốc gia về quyền của phụ nữ và trẻ em trong thời gian tới.
ACWC được thành lập vào ngày 7/4/2010 tại Hà Nội, nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 16 với mục tiêu thúc đẩy, bảo vệ, tôn trọng và thực thi các quyền của phụ nữ và trẻ em trong ASEAN để họ được sống hòa bình, bình đẳng, công bằng và thịnh vượng.
ACWC bao gồm 20 đại diện của các quốc gia thành viên ASEAN về quyền phụ nữ và quyền trẻ em, trong đó mỗi nước cử 2 đại diện. Mỗi đại diện ACWC phục vụ nhiệm kỳ 3 năm và có thể được bổ nhiệm lại cho nhiệm kỳ thứ hai. ACWC họp định kỳ 2 lần/năm.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Việt Nam là cơ quan đầu mối phụ trách hoạt động của ACWC.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐTB&XH cho biết, ACWC đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ và trẻ em trong ASEAN thông qua việc thực hiện các kế hoạch công tác 5 năm (2012 - 2016 và 2016 - 2020) với các hoạt động về thúc đẩy bình đẳng giới, lồng ghép giới, xóa bỏ tất cả hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cũng như tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em, giải quyết những vấn đề mới nổi ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em ASEAN.
Theo kế hoạch công tác giai đoạn 2021 - 2025, các đơn vị sẽ tập trung vào tăng cường sự hỗ trợ đối với các vấn đề về phụ nữ và trẻ em thông qua cơ chế vận động hiệu quả; xây dựng quan hệ đối tác; nâng cao nhận thức và năng lực về lồng ghép quyền của phụ nữ và trẻ em trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách liên qua.
Kế hoạch bao gồm 29 hoạt động dự án do các nước thành viên ASEAN chủ trì, tập trung vào các lĩnh vực phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; mua bán phụ nữ và trẻ em; thúc đẩy quyền phụ nữ và trẻ em di cư; bảo vệ trẻ em; phụ nữ, hòa bình và an ninh; tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ, đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em trước những tác động của biến đổi khí hậu và nền công nghiệp 4.0./.