Hành trình kiều bào với Trường Sa

Truyền thông - Ngày đăng : 10:38, 02/07/2023

Năm 2023, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức chuyến đi thăm quân và dân Trường Sa cho kiều bào từ khắp nơi trên thế giới lần thứ 10. Con số 10 tròn trĩnh nhưng là một chặng đường gian nan mà chỉ người trong cuộc mới biết phải nỗ lực rất nhiều mới có thể thực hiện được.
Truyền thông

Hành trình kiều bào với Trường Sa

Mai Hà 02/07/2023 10:38

Năm 2023, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức chuyến đi thăm quân và dân Trường Sa cho kiều bào từ khắp nơi trên thế giới lần thứ 10. Con số 10 tròn trĩnh nhưng là một chặng đường gian nan mà chỉ người trong cuộc mới biết phải nỗ lực rất nhiều mới có thể thực hiện được.

Năm 2010, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (gọi tắt là Ủy ban), Bộ Ngoại giao đã tổ chức đoàn đại biểu đầu tiên đi thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa nhưng chưa có đại biểu kiều bào. Chuyến đi Trường Sa năm 2011 vẫn chưa thể có đại biểu kiều bào vì rất nhiều lý do phức tạp. Lúc đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban đã đấu tranh rất quyết liệt để kiều bào được ra thăm Trường Sa. Năm 2012, đoàn kiều bào đầu tiên đã được đặt chân tới Trường Sa thân yêu.

Từ đó đến nay (trừ 2020-2021 chương trình gián đoạn do dịch bệnh COVID-19), đã có 10 đoàn với tổng số trên 500 lượt kiều bào đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Tiếp tục triển khai Kết luận 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169/NQ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về công tác người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) giai đoạn 2021-2026, Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức Đoàn kiều bào tiêu biểu thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 trong khuôn khổ Đoàn công tác số 4 năm 2023.

kieu-bao.jpeg
Đoàn kiều bào tham gia Đoàn công tác số 4 thăm đảo Trường Sa.

Chương trình diễn ra từ ngày 18-23/4 với sự tham dự của 47 đại biểu kiều bào đến từ 22 quốc gia trên thế giới cùng nhiều phóng viên báo chí trong nước, phóng viên kiều bào.

Chương trình có chủ đề “Tổ quốc niềm tin và khát vọng - Lần thứ 10, kiều bào về Trường Sa”. Chuyến tàu thăm Trường Sa lần này có ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với đoàn. Đây là lần thứ 10 Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Bộ tư lệnh Hải quân tổ chức đoàn kiều bào thăm Trường Sa.

"Tổ quốc niềm tin và khát vọng, lần thứ 10 kiều bào về Trường Sa", là chuyến đi phản ánh tinh thần Đại hội Đảng lần thứ 13 về niềm tin và khát vọng về một Việt Nam hùng cường, giàu đẹp; gửi gắm mong muốn kiều bào cùng nhân dân cả nước sẽ cùng chung sức, đồng lòng, hiện thực hóa mục tiêu cao đẹp, vì quốc gia, dân tộc.

Năm 2023 đánh dấu lần thứ 10 Đoàn kiều bào về thăm Trường Sa và cũng là lần đầu tiên có sự kết nối giữa hai sự kiện thăm Trường Sa và tham dự Giỗ Tổ Hùng Vương, trở thành chuỗi hoạt động về nguồn hết sức ý nghĩa, gắn kết hơn nữa bà con kiều bào với quê hương, góp phần nâng cao niềm tự tôn, tự hào dân tộc.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Nhà nước về Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, bà con ta tại nhiều địa bàn đã tích cực đóng góp nguồn kinh phí quan trọng để ủng hộ chương trình "Xanh hóa Trường Sa" tại đảo Đá Lát và quà tặng là những hiện vật thiết yếu hỗ trợ đời sống, công tác của quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Trong khuôn khổ chương trình, sáng ngày 17/4, tại Khách sạn Trường Sa (TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã tổ chức buổi lễ tiếp nhận ủng hộ của cộng đồng NVNONN tặng huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Tới thời điểm lễ tiếp nhận, dù thời gian kêu gọi ngắn, tổng số tiền ủng hộ chương trình "Xanh hóa Trường Sa" và quà tặng dành cho quân, dân trên các điểm đảo và Nhà giàn DK1 của cộng đồng NVNONN đã đạt giá trị gần 1,7 tỷ đồng. Theo kế hoạch, cuộc vận động đóng góp ủng hộ "Xanh hóa Trường Sa" sẽ kéo dài tới ngày 15/5.

kieu-b-ts1.jpeg
Kiều bào chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam.

Trong hải trình năm nay, các đại biểu kiều bào đã đến thăm bốn điểm đảo gồm Sinh Tồn Đông, Len Đảo, Đá Tây B, Trường Sa và Nhà giàn DK1/16 Phúc Tần.

Tại các buổi làm việc, trao đổi với cán bộ, chiến sỹ, bà con được nghe thông tin về tình hình công tác, đời sống của cán bộ, chiến sỹ. Thăm hỏi, động viên và tặng quà quân, dân tại các điểm đảo và Nhà giàn. Tham gia giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sỹ hải quân và các đại biểu khác trong đoàn công tác; thăm trường học, nhà dân, chùa… theo điều kiện thực tế tại các điểm đảo.

Đoàn đại biểu kiều bào cũng tham dự lễ chào cờ, lễ dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, dự lễ cầu siêu và tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc trên đảo Trường Sa.

Trong khuôn khổ chuyến đi, cuộc thi tìm hiểu về tình hình biển, đảo Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức là một hoạt động ý nghĩa giúp khuyến khích tìm hiểu học hỏi về tình hình biển, đảo và công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, đặc biệt đối với các đại biểu kiều bào.

Chiều ngày 20/4 trên tàu 571 đã diễn ra lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh trên quần đảo Trường Sa. Trong không khí nghiêm trang và xúc động của buổi lễ, các đại biểu đã dâng nén tâm hương bày tỏ lòng thành kính, trân trọng và biết ơn đối với các thế hệ đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Dẫn đầu đoàn đại biểu kiều bào về Trường Sa, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, từ năm 2012-2023, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức 10 đoàn công tác với tổng số hơn 530 lượt kiều bào về thăm và động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Sau hai năm 2020 - 2021 bị gián đoạn do đại dịch Covid-19, từ năm 2022, chương trình ý nghĩa này được khởi động lại nhằm đáp ứng tình cảm, nguyện vọng của bà con kiều bào hướng về biển đảo Tổ quốc.

Theo ông Nguyễn Minh Vũ, những năm qua, việc tổ chức đoàn công tác thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 góp phần tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Các chuyến thăm là dịp kiều bào từ nhiều nơi trên thế giới gặp gỡ, giao lưu, kết nối, tạo gắn kết giữa kiều bào với nhân dân trong nước, góp phần tăng cường đại đoàn kết và hòa hợp dân tộc. Đây cũng chính là tinh thần của Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 và mới đây nhất là Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới.

hinh-anh-doan-kieu-bao-tham-va-tang-qua-quan-dan-quan-dao-truong-sa-va-nha-gian-dk1-20230426151858.jpeg
Đoàn kiều bào cùng tham dự lễ chào cờ tại đảo Trường Sa. Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam.

Ở các chuyến thăm Trường Sa, bà con kiều bào từ khắp nơi trên thế giới với tấm lòng và tình cảm của mình đã có những đóng góp thiết thực, góp phần làm giảm bớt phần nào khó khăn của cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa.

Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Hùng, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân (Trưởng đoàn công tác số 4) đã tiếp nhận ủng hộ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Ông bày tỏ sự trân trọng cảm ơn tấm lòng của bà con kiều bào luôn hướng về Tổ quốc, được thể hiện qua những đóng góp thiết thực và ý nghĩa cả về vật chất và tinh thần dành cho quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Hải trình Trường Sa và Nhà giàn DK1 đã trở thành môi trường giáo dục về tinh thần yêu nước, giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài cùng chung tay đóng góp vào công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Được thăm đảo Trường Sa, doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc (kiều bào Canada) lần đầu tới Trường Sa. Anh chia sẻ: “Đây là chuyến đi đầy ý nghĩa. Những người lính đảo rất chân thành và tình cảm. Ra Trường Sa, chúng tôi mới thấm hiểu được sự hy sinh cao cả của người lính. Những gì tôi tận mắt chứng kiến khác nhiều so với những thông tin trên mạng xã hội”./.

Mai Hà