Để Việt Nam vươn lên thành cường quốc biển

Truyền thông - Ngày đăng : 10:42, 03/11/2023

Để vươn lên thành một quốc gia mạnh về biển, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn để quản lý bền vững tài nguyên biển và phát triển khoa học công nghệ biển.
Truyền thông

Để Việt Nam vươn lên thành cường quốc biển

GS.TS. Nguyễn Hồng Thao 03/11/2023 10:42

Để vươn lên thành một quốc gia mạnh về biển, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn để quản lý bền vững tài nguyên biển và phát triển khoa học công nghệ biển.

tiem-nang-kinh-te-bien-viet-nam-20231112121325.jpeg
Sản lượng khai thác dầu thô ở Việt Nam trung bình đạt 7,5-8,5 triệu tấn/năm. (Nguồn: PVOIL)

Theo GS.TS. Nguyễn Hồng Thao (Học viện Ngoại giao), Biển Đông được đánh giá là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển và là một trong 64 hệ sinh thái biển rộng (large marine ecosystem) quan trọng của thế giới.

Ba hệ sinh thái lớn thường được đề cập trong Biển Đông là rạn san hô, rừng ngập mặn, và nguồn lợi hải sản. Biển Đông chiếm 20% tổng diện tích rạn san hô của khu vực Đông Nam Á trong khi khu vực này chiếm 34% tổng diện tích rạn san hô của thế giới với 50 trong số 70 loài san hô được biết đến trên thế giới có mặt ở khu vực Tây Ấn-Thái Bình Dương.

Biển Đông chiếm 12% tổng diện tích rừng ngập mặn của thế giới và 30% tổng diện tích rừng ngập mặn của châu Á với 41 trong số 51 loài cây ngập mặn được biết đến trên thế giới. Các vùng biển Đông Á là nơi tập trung 20 trong số 50 loài cỏ biển được biết đến trên thế giới trong đó 18 loài sinh trưởng trong các vùng ven bờ Biển Đông. Biển Đông cũng là một trong 20 vùng biển có nguồn lợi hải sản phong phú trên thế giới, với hơn 2.000 loài cá, hơn 90 loài tôm và hơn 70 loài thân mềm.

Việt Nam được lợi từ Biển Đông khi nằm dọc biển và chiếm khoảng 1/3 diện tích Biển Đông. Tài nguyên biển Việt Nam đa dạng nhưng trữ lượng không cao.

vinh-lan-ha.jpeg
Vịnh Lan Hạ.

Biển Việt Nam có 2.038 loài cá, trong đó có trên 100 loài cá có thể đánh bắt vì mục đích kinh tế; 653 loài rong biển; 657 loài động vật phù du; 94 loài thực vật ngập mặn; 225 loài tôm biển; 14 loài cỏ biển; 15 loài rắn biển; 12 loài thú biển; 5 loài rùa biển và 43 loài chim nước. Trữ lượng cá có thể đánh bắt hiện đã suy giảm 25-30%. (từ 4 xuống dưới 3 triệu tấn/năm).

Việt Nam có 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, tập trung ở 114 cửa sông, 12 đầm phá, 50 vũng/vịnh, hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, hệ sinh thái rạn san hô chiếm 1/10 diện tích biển (1.122km2) với khoảng 350 loài san hô phân bổ rộng khắp từ Bắc vào Nam. Rừng ngập mặn có khoảng 252.500ha.

Các thảm cỏ biển có tổng diện tích trên 5.583ha. Theo các báo cáo khoa học, hiện 96% các rạn san hô bị tác động tiêu cực từ các hoạt động khai thác của con người, trong đó gần 75% các rạn có mức độ rủi ro cao và rất cao. Việt Nam chỉ còn 1% trong số 1.300km2 rạn san hô dọc bờ biển đang trong tình trạng rất tốt; 26% các rạn san hô trong điều kiện tốt; 41% các rạn san hô trung bình, còn lại 31% là các rạn san hô nghèo.

Trữ lượng dầu mỏ Việt Nam khoảng 4,4 tỷ thùng, xếp thứ 28 trong số 52 quốc gia có trữ lượng dầu mỏ xác minh trên thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Trữ lượng khí đã xác minh của Việt Nam đạt khoảng 0,6 nghìn tỷ m3, đứng thứ ba trong khu vực. Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã và đang triển khai hoạt động khai thác dầu khí tại 36 mỏ với 21 hợp đồng dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của thềm lục địa Việt Nam, có 5 hệ thống đường ống dẫn khí, 3 nhà máy xử lý khí (2 ở Vũng Tàu, 1 ở Cà Mau).

Hiện tại sản lượng khai thác dầu thô ở trong nước trung bình đạt 7,5-8,5 triệu tấn/năm, tương đương đạt 24-26 nghìn tấn/ngày; sản lượng khai thác khí đạt 9-11 tỷ m3/năm, tương đương đạt 26- 30 triệu m3/ngày. Song dự báo khai thác dầu và khí của Việt Nam năm 2025 là 24 triệu TOE giảm xuống dưới 10 triệu TOE vào năm 2045. Trong tương lai, Việt Nam không còn tự chủ về nguồn nguyên liệu dầu khí và sẽ phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ nước ngoài.

anh-2003-1495282428.jpeg
Khí đốt thoát ra từ một giàn khoan khai thác băng cháy dưới Biển Đông. Ảnh: AP.

Băng cháy (gas hydrate hay methane hydrate) tìm thấy ở Biển Đông được coi là nguồn năng lượng tương lai. Độ dày trung bình trầm tích để chứa băng cháy tại Biển Đông là khoảng 225m, 270m và 365 m với các loại cấu trúc khí metan I, II và H, tức tương ứng với khu vực từ chân dốc thềm lục địa Việt Nam trở ra. Tổng trữ lượng băng cháy ở Biển Đông được đánh giá là 1.38 × 1014 m3, 1.41 × 1014 m3 và 1.7 1014 m3 tương ứng với các loại I, II và H, có biểu hiện tập trung ở Hoàng Sa, Nam Đài Loan, Máng Palawan, các bể Trường Sa, Tư Chính -Vũng May và Phú Khánh.

Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Hồng Thao, Việt Nam chưa làm chủ được các giải pháp kỹ thuật và công nghệ khai thác, xử lý băng cháy. Việc đánh giá và phân vùng tiềm năng băng cháy là nhiệm vụ cần được quan tâm xúc tiến và sớm tiếp cận với công nghệ thăm dò và khai thác dạng tài nguyên này.

Năng lượng gió được nói nhiều như cứu cánh cho nền kinh tế biển xanh. Ngân hàng Thế giới năm 2021 đưa ra một kịch bản cao cho Việt Nam như quốc gia thành công trong ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi với sản lượng 70 GW vào năm 2050, đứng thứ 3 châu Á (sau Trung Quốc, Nhật Bản). Tuy nhiên, điều kiện khí hậu, các khó khăn quy hoạch, thu gom, vận chuyển và tranh chấp biển sẽ là rào cản cho mục tiêu này.

Báo cáo 2013 của Học viện chiến tranh hải quân Mỹ đánh giá Việt Nam sở hữu 22 triệu tấn đất hiếm, chủ yếu trên đất liền, so với Trung Quốc có 55 triệu tấn. Lưu vực sông Mekong được coi là tiềm năng, tạo điều kiện hình thành đất hiếm ở Biển Đông. Khu vực Hoàng Sa và Trường Sa có trữ lượng không cao. Việt Nam đặt mục tiêu sản xuất trên 2 triệu tấn vào năm 2030 và 2,11 triệu tấn từ năm 2050.

Là chuyên gia hàng đầu về biển Đông, GS.TS. Nguyễn Hồng Thao cho rằng: Tài nguyên biển Việt Nam đa dạng nhưng không phải giàu. Năm vấn đề lớn của Việt Nam hiện nay liên quan đến sử dụng tài nguyên biển là: Ô nhiễm nghiêm trọng, đánh bắt quá mức, nghiên cứu hiểu biết chưa đầy đủ, không có cơ chế quản lý phát triển bền vững chung và tranh chấp biển.

Để vươn lên thành một quốc gia mạnh về biển, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn để quản lý bền vững tài nguyên biển và phát triển khoa học công nghệ biển.

Chia sẻ tại Chương trình chính luận nghệ thuật “Mạnh giàu từ biển quê hương” (12/8/2023), các nhà khoa học cho rằng: Một quốc gia mạnh giàu từ biển thì cần phải bảo vệ tài nguyên môi trường tốt; xã hội phát triển tốt về biển; có nguồn lực, nhân lực, tài chính tốt; đảm bảo an ninh truyền thống và phi truyền thống trên biển; có hợp tác quốc tế mạnh; có người dân đồng hành cùng đất nước; khai thác đi đôi với bảo vệ... Để thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (viết tắt là Nghị quyết số 36), nước ta cần phải tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn như: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển;năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Còn theo GS Mai Trọng Nhuận, nguyên giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, thế giới có rất nhiều quốc gia đã là cường quốc về biển trên nhiều phương diện. Việt Nam đang phấn đấu để trở thành một trong những quốc gia giàu mạnh về biển. Một quốc gia giàu mạnh về biển trước hết phải có nền kinh tế về biển, với tất cả các ngành mũi nhọn về biển, có sức cạnh tranh cao, đóng góp lớn cho công nghệ biển, cũng như những tiềm lực có thể khai thác được một cách hiệu quả nhất các tài nguyên về biển./.

* Bài tổng hợp ý kiến của GS.TS. Nguyễn Hồng Thao

GS.TS. Nguyễn Hồng Thao