Phát triển đô thị thông minh ở Kon Tum: Xây dựng một tương lai bền vững và hiện đại

Truyền thông - Ngày đăng : 09:31, 29/11/2023

Cùng với sự phát triển kinh tế và xã hội, Kon Tum đang đứng trước cơ hội xây dựng đô thị thông minh, góp phần đưa tỉnh này tiến về phía một tương lai bền vững và hiện đại.
Truyền thông

Phát triển đô thị thông minh ở Kon Tum: Xây dựng một tương lai bền vững và hiện đại

Đỗ Thêu {Ngày xuất bản}

Cùng với sự phát triển kinh tế và xã hội, Kon Tum đang đứng trước cơ hội xây dựng đô thị thông minh, góp phần đưa tỉnh này tiến về phía một tương lai bền vững và hiện đại.

Phát triển đô thị thông minh bảo đảm gắn kết, kế thừa kiến trúc chính quyền điện tử

Trong thời đại công nghệ 4.0, phát triển đô thị thông minh đã trở thành một chiến lược quan trọng và cần thiết. Với nhận thức về xu hướng xanh và đô thị thông minh, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành định hướng chỉ đạo về việc phát triển đô thị thông minh và Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC). Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông là đơn vị chủ trì, phối hợp các đơn vị, địa phương tham mưu UBND tỉnh triển khai nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu, hình thành hạ tầng dữ liệu của tỉnh phục vụ cho chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh.

Công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng dữ liệu sẽ do Sở TT&TT thực hiện theo đúng Quy chế về quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu thuộc Cơ sở dữ liệu của tỉnh Kon Tum. Ngoài ra, Kon Tum cũng ban hành Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh bảo đảm gắn kết, kế thừa các thành phần chức năng với kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh.

kon-tum-dttm2.jpg
Kon Tum xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh.

Một vấn đề được UBND tỉnh Kon Tum chú trọng khi triển khai xây dựng đô thị thông minh là các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân và quyền riêng tư.

Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Kon Tum cũng đã được xây dựng và khai trương ngay từ năm 2020, với khả năng giám sát và quản lý từ cấp tổng quan đến chi tiết từng tình huống, như các chỉ tiêu đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, giám sát trực quan trên bản đồ số, tình hình chất lượng dịch vụ y tế, việc xử lý phản ánh về bất cập đô thị, camera trí tuệ nhân tạo giám sát đô thị trực tiếp, tình hình giải quyết dịch vụ hành chính công… sẽ cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước cái nhìn toàn diện về các hoạt động đang diễn ra trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, với công nghệ được áp dụng trong Hệ thống điều hành sẽ cho phép thực hiện phân tích dữ liệu lớn để phát ra các cảnh báo, hỗ trợ ra quyết định, xây dựng phương án tổ chức, điều hành đối với các tình huống…

Năm 2023, UBND thành phố Kon Tum đã phân bổ kinh phí thực hiện chương trình gắn địa chỉ số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh; Triển khai đô thị thông minh với hệ thống camera giám sát an ninh, giám sát trật tự đô thị; Triển khai xây dựng hệ thống quản lý quy hoạch đất đai, xây dựng.

Tạo ra môi trường sống tiện nghi, an toàn và bền vững cho cư dân

kon-tum-dttm1.jpg
Phát triển đô thị thông minh đặt mục tiêu tạo ra một môi trường sống tiện nghi, an toàn và bền vững cho cư dân.

Phát triển đô thị thông minh đặt mục tiêu tạo ra một môi trường sống tiện nghi, an toàn và bền vững cho cư dân. Từ việc xử lý thông minh và hiệu quả hơn các hệ thống năng lượng, nước và chất thải, đến việc cải thiện giao thông và an ninh thông qua sử dụng công nghệ thông minh như cảm biến, hệ thống giám sát và trí tuệ nhân tạo. Đô thị thông minh cung cấp tiện ích và dịch vụ tốt hơn, từ hệ thống giao thông công cộng thông minh, quản lý tài nguyên công cộng và dịch vụ y tế điện tử, đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua sắm trực tuyến và giao hàng tự động.

Hiện nay, Kon Tum đang đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành một trong những tỉnh trung bình khá của cả nước, phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, đô thị và nông thôn. Trong đó, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử; Đô thị thông minh và nông thôn mới giàu bản sắc là trọng tâm; Công nghiệp hướng xanh và hệ thống đô thị có quy mô lớn là mối quan tâm hàng đầu.
Kon Tum cũng sẽ là địa phương kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Kông, các nước láng giềng và ASEAN. Tầm nhìn đến năm 2050, Kon Tum hướng tới trở thành cực phát triển quan trọng của kinh tế vùng Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây với các nước tiểu vùng sông Mê Kông.

Việc áp dụng công nghệ thông minh trong quản lý đô thị giúp tận dụng tài nguyên một cách hiệu quả hơn. Kon Tum có thể sử dụng hệ thống cảm biến để giám sát và quản lý việc sử dụng nước, năng lượng và các nguồn tài nguyên khác. Điều này giúp giảm lãng phí và bảo vệ môi trường, đồng thời giảm chi phí cho cả cư dân và chính quyền địa phương. Ngoài ra, công nghệ thông minh cũng có thể được áp dụng để theo dõi và dự báo thời tiết, động đất và các tình huống khẩn cấp, từ đó cung cấp thông tin quan trọng và giúp tăng cường sự an toàn cho cư dân.

Trong năm nay, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch số 1838/KH-UBND về việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình tại đô thị; Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông minh; Tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%.

Trong tầm nhìn đến năm 2045, hệ thống đô thị ở Kon Tum sẽ có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu; Phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; Bảo vệ môi trường; Kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại và thông minh. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn.

Phát triển đô thị thông minh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và phát triển kinh tế ở Kon Tum. Một đô thị thông minh hấp dẫn và hiện đại thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Các công nghệ thông minh như truyền thông, hệ thống kiểm soát tài chính và quản lý thông minh giúp tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và tăng cường sự cạnh tranh. Điều này có thể tạo ra cơ hội việc làm mới, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân.

Kon Tum cũng đặt nhiệm vụ xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển đô thị thông minh, nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức về quản lý đô thị, triển khai và đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh.

Đỗ Thêu