Nuôi biển xa bờ quy mô lớn: Nhiều thách thức cần tháo gỡ

Truyền thông - Ngày đăng : 09:37, 27/11/2023

Khí hậu nước ta rất phù hợp với phát triển nuôi biển công nghiệp quy mô lớn xa bờ . Tuy nhiên, có một số khó khăn, thách thức như kỹ thuật trong sản xuất giống hạn chế, quy mô nhỏ; công nghệ nuôi, hệ thống lồng còn chưa phát triển, nhân lực hạn chế... đang trở thành lực cản lớn để phát triển nghề nuôi trồng có nhiều tiềm năng này.
Truyền thông

Nuôi biển xa bờ quy mô lớn: Nhiều thách thức cần tháo gỡ

P.V 27/11/2023 09:37

Khí hậu nước ta rất phù hợp với phát triển nuôi biển công nghiệp quy mô lớn xa bờ . Tuy nhiên, có một số khó khăn, thách thức như kỹ thuật trong sản xuất giống hạn chế, quy mô nhỏ; công nghệ nuôi, hệ thống lồng còn chưa phát triển, nhân lực hạn chế... đang trở thành lực cản lớn để phát triển nghề nuôi trồng có nhiều tiềm năng này.

Xu hướng dịch chuyển nuôi biển công nghiệp xa bờ

Những năm qua, sự phát triển quá nhanh của nuôi thủy sản ven bờ đã dẫn đến nhiều hệ lụy xấu. Trước bối cảnh đó, việc mở rộng không gian cho nuôi biển, dịch chuyển các trang trại ra xa bờ là một trong những giải pháp được chú ý.

Nuôi biển xa bờ thông thường được xác định là từ 6 hải lý trở ra tính từ đường bờ biển. Ở vùng biển xa bờ, sẽ ít chịu ảnh hưởng của phù sa cửa sông, hệ sinh thái sinh vật phù du phong phú, đa dạng, không gian rộng lớn, độ sâu, dòng chảy, độ trong, nhiệt độ và độ mặn ổn định. Tuy nhiên ở đó, các trang trại cũng sẽ phải chịu ảnh hưởng của sóng và gió mạnh hơn so với vùng ven bờ.

nuoi-ca.jpg
Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển nuôi biển xa bờ.

Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260km, kéo dài từ Quảng Ninh đến Cà Mau, Kiên Giang, cùng với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ trên biển, nhiều vũng, vịnh, đầm, phá, phù hợp cho phát triển nuôi biển công nghiệp mà không phải quốc gia nào cũng có được. Vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam rộng trên 1 triệu km2, chiếm tới khoảng 30% diện tích biển Đông. Theo một nghiên cứu của Trường Đại học Nha Trang, có 3 khu vực thuận lợi cho phát triển nuôi biển xa bờ là Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang, dựa trên các tiêu chí về môi trường, độ sâu, dòng chảy, độ mặn và đặc biệt là có các hòn đảo che chắn được gió và bão.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nuôi biển phát triển. Nhờ vậy, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam.

Theo báo cáo từ Tổng cục Thủy sản, hiện diện tích nuôi trồng thủy sản trên biển (nuôi biển) của cả nước đạt 85.000ha, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 23,3%/năm với 8,9 triệu mét khối lồng nuôi. Tổng sản lượng nuôi biển năm 2022 của Việt Nam đạt 670.000 tấn, tăng 3,5% so năm 2021.

Tầm nhìn đến năm 2045, ngành công nghiệp nuôi biển của Việt Nam đạt trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại. Công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng trong ngành Thủy sản, có đóng góp trên 25% tổng sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ đô la Mỹ.

Còn nhiều thách thức

Phát triển ngành nuôi biển vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là phát triển nuôi biển công nghiệp như: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch nuôi biển chưa tốt, hoạt động nuôi tự phát, phá vỡ quy hoạch còn phổ biến dẫn đến ô nhiễm môi trường, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, khó phát triển đồng bộ. Công nghệ sản xuất giống, quản lý sức khỏe và môi trường vùng nuôi, phòng trị bệnh trên đối tượng nuôi còn nhiều hạn chế.

nuoi-bien-c.jpg
Hạ tầng phục vụ nuôi biển công nghiệp của nước ta hiện nay còn hạn chế.

Hạ tầng phục vụ nuôi biển công nghiệp (hệ thống lồng nuôi; thiết bị quan trắc và giám sát môi trường, dịch bệnh; công nghệ thu hoạch và vận chuyển; công nghệ chế biến và phát triển thị trường…) chưa phát triển đồng bộ. Nguồn lực (tài chính và nhân lực) còn hạn chế. Nghiên cứu, dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm nuôi biển còn yếu…

Nhân lực còn đang thiếu hụt, đồng thời kỹ thuật sản xuất của lao động đa số còn ở trình độ thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Theo bà Bùi Thị Ninh - Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh tại TP.HCM , bộ môn nuôi biển công nghiệp chưa có trong hệ thống đào tạo chính quy. Do đó, cần xây dựng mô hình đào tạo theo sự dẫn dắt của ngành để đáp ứng nhu cầu lao động của thị trường. Thiết lập cơ chế hợp tác giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực.

Vùng biển nước ta hàng năm thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, gió, áp thấp nhiệt đới với tần suất cao. Vùng biển phía Bắc chịu tác động của mùa đông lạnh kéo dài, gây bất lợi cho sản xuất. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tổn thương lớn. Số cơn bão lớn và cực đoan trên biển Đông có dấu hiệu ngày càng tăng. Thời gian nuôi dài, với cá biển bình quân 12 - 15 tháng/vụ, tôm hùm 18 - 20 tháng/vụ, vốn đầu tư lớn, rủi ro trong sản xuất cao, chính sách về bảo hiểm nuôi biển chưa hoàn thiện dẫn đến các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực nuôi biển còn hạn chế.

Nuôi biển xa bờ được dự đoán sẽ phát triển mạnh trong vài thập kỷ tới khi mà không gian ven bờ bộc lộ những hạn chế và gây ô nhiễm môi trường hoặc được ưu tiên cho phát triển các ngành kinh tế quan trọng khác. Các công cụ quản lý hiện tại có phù hợp để áp dụng cho ngành công nghiệp ngoài khơi hay cần được cập nhật và được củng cố bằng một số mô hình thí điểm.

Những điểm sáng mới

Hiện nay, các tỉnh Nam Trung bộ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi nuôi biển theo công nghệ cao bằng lồng HDPE, lồng được làm bằng ống nhựa có độ bền cao. Loại lồng nuôi này có thể áp dụng tại vùng biển hở, hạn chế dịch bệnh, sản lượng nuôi đạt tỷ lệ cao. Tỉnh Phú Yên đang quy hoạch chi tiết, phân bố vùng nuôi 747 ha với 10 vùng nuôi, sắp xếp khoảng 44.000 lồng ở khu vực vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu.

Nghị Quyết số 09/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có định hướng “Phát triển mạnh kinh tế biển theo hướng nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường”. Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao. Mục tiêu đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 1.500 ha, sản lượng đạt 30.000 tấn. Trong đó, nuôi biển xa bờ phạm vi ngoài 3 hải lý đạt 18.000 tấn.

Tỉnh sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi công nghệ nuôi từ vật liệu truyền thống sang công nghệ vật liệu mới, nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư nuôi biển công nghiệp xa bờ, công nghiệp hỗ trợ, chế biến sản phẩm để tạo sản phẩm có giá trị gia tăng

Tại tỉnh Khánh Hòa hiện có 3 mô hình nuôi biển quy mô công nghiệp hiện đại, nổi bật là Công ty Thủy sản Australis - Việt Nam với 46 lồng HDPE nuôi cá chẽm trên vịnh Vân Phong, tổng sản lượng 10.000 tấn/năm. Đây là mô hình nuôi biển hiện đại theo cách full thức ăn, lồng HDPE điều khiển bằng hệ thống vi tính. Công ty Australis - Việt Nam đầu tư xà lan chở thức ăn tự động cỡ lớn và 01 tàu thu hoạch tự động lớn mới có thể thu hoạch 200 tấn cá/ngày. Các trại chăn nuôi trên biển cũng đang tạo ra doanh thu xuất khẩu đáng kể và đóng vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa kinh tế của tỉnh Khánh Hòa.

P.V