Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu ở duyên hải miền Trung

Truyền thông - Ngày đăng : 09:38, 27/11/2023

Vùng duyên hải miền Trung là khu vực thường xuyên phải đối mặt với bão lũ, xâm nhập mặn, xói lở bờ biển và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác. Việc thích ứng với biến đổi khí hậu để vùng duyên hải miền Trung phát triển kinh tế bền vững là một trong những yêu cầu đặt ra cấp thiết hiện nay.
Truyền thông

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu ở duyên hải miền Trung

P.V 27/11/2023 09:38

Vùng duyên hải miền Trung là khu vực thường xuyên phải đối mặt với bão lũ, xâm nhập mặn, xói lở bờ biển và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác. Việc thích ứng với biến đổi khí hậu để vùng duyên hải miền Trung phát triển kinh tế bền vững là một trong những yêu cầu đặt ra cấp thiết hiện nay.

Đối mặt với nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu

Vùng duyên hải miền Trung là một trong sáu vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam, bao gồm 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, nằm trên trục giao thông chính Bắc - Nam; diện tích tự nhiên toàn vùng chiếm khoảng 28,9% diện tích của cả nước, với bờ biển dài gần 1.800km, chiếm hơn 55% bờ biển cả nước và nhiều cảng nước sâu, các đảo, cụm đảo và quần đảo quan trọng… Vùng duyên hải miền Trung có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế mà các vùng miền khác không có được.

Thực tế cho thấy, giai đoạn vừa qua, vùng duyên hải miền Trung thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt. Do địa hình thấp, dân số đông, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, du lịch; biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan đang gây ra những thiệt hại kinh tế - xã hội nghiêm trọng cho vùng duyên hải miền Trung.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm, vùng duyên hải miền Trung phải đối mặt với khoảng 43,6% tổng số cơn bão ở Việt Nam, trong đó có nhiều cơn bão mạnh và siêu bão, thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng con người, tài sản.

Vùng duyên hải miền Trung còn phải đối mặt với nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn. Tình trạng hạn hán, thiếu nước xảy ra thường xuyên trong mùa khô, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh tế của các địa phương. Điển hình như năm 2019, nước sông trong khu vực duyên hải miền Trung giảm và thấp hơn so với nhiều năm trước, các sông chính có lượng dòng chảy giảm từ 16% đến 57% so với mức trung bình nhiều năm. Do nước sông giảm thấp, tại dọc sông Thu Bồn nồng độ mặn lên đến 21‰, gấp 12-13 lần so với mức cho phép, khiến nhiều trạm bơm không thể hoạt động, nước mặn tràn vào đồng ruộng làm khô cháy cây trồng.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, vùng duyên hải miền Trung đang phải đối mặt với tình trạng xói lở bờ biển đáng lo ngại. Tổng chiều dài của các đoạn bờ biển bị xói lở trong khu vực từ tỉnh Quảng Nam đến Phú Yên lên đến 492km, tác động tới 65 khu vực và 105 đoạn bờ biển.

Mức nước biển dâng tăng gây tăng nguy cơ ngập lụt cho khu vực. Dự báo vào năm 2050, trung bình mực nước biển dâng là 22cm cho toàn dải ven biển Việt Nam (thấp nhất là 14cm, cao nhất là 32cm). Đến năm 2100, dự kiến trung bình mực nước biển dâng là 53cm (thấp nhất là 32cm, cao nhất là 76cm). Dự báo vùng duyên hải miền Trung có mực nước biển dâng cao hơn so với các vùng khác trên toàn quốc.

Các tỉnh thuộc vùng duyên hải miền Trung sẽ đối mặt với nguy cơ ngập lụt cao do nước biển dâng, ngập đến 1,5% diện tích. Ngoài ra, thủy triều tại khu vực được dự báo cũng sẽ có sự biến động mạnh về biên độ và có sự khác nhau giữa các khu vực...

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu

Những lý do trên dẫn đến tăng trưởng của các địa phương trong vùng chưa đồng đều, còn dựa nhiều vào đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn FDI; chất lượng tăng trưởng mặc dù có nhiều cải thiện nhưng vẫn thấp hơn so với trung bình cả nước; GRDP bình quân vùng/địa phương thấp hơn bình quân cả nước, tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người (GRDP/người) năm 2022 chỉ bằng 0,69 lần của cả nước, trong khi chênh lệch GRDP bình quân đầu người giữa các địa phương trong vùng cũng có xu hướng càng ngày càng tăng...

Trong bối cảnh đó, cần phải tăng cường đầu tư phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và xây dựng các chính sách tạo sự lan tỏa trong phát triển kinh tế ra cả vùng. Xây dựng các chính sách khuyến khích, thu hút nhân tài và lao động chất lượng cao để tăng cường năng lực cạnh tranh trong phát triển kinh tế của vùng. Đồng thời, tăng cường liên kết vùng để tạo ra sức mạnh tổng hợp.

Quy hoạch vùng và quy hoạch địa phương cần được xây dựng và thực hiện với tầm nhìn dài hạn, đồng thời phải bảo đảm tính toàn vẹn và thống nhất trong quản lý, phát triển vùng, lồng ghép đầy đủ nội dung về biến đổi khí hậu theo các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Cần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển doanh nghiệp và thu hút nguồn lực. Điều này bao gồm cả việc xây dựng các cụm liên kết ngành và hạ tầng kết nối nội vùng, liên vùng. Cần đầu tư vào hệ thống hạ tầng trọng yếu, đặc biệt là trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị, đào tạo nguồn nhân lực, du lịch và dịch vụ, logistics, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Cơ cấu lại ngành công nghiệp, ưu tiên, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế; hình thành một số trung tâm năng lượng tái tạo lớn, đặc biệt là điện gió và điện gió ngoài khơi; nghiên cứu và định hướng phát triển khai thác năng lượng hydrogen.

Phát triển đô thị vùng với hạ tầng hiện đại, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối trong và ngoài vùng. Tạo mạng lưới đô thị liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng. Tập trung phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế cấp vùng. Chú trọng phát triển huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi thành trung tâm du lịch biển - đảo của vùng mang tầm cỡ quốc gia.

P.V