Phát triển nghề nuôi yến tại Việt Nam: Tập trung quản lý, quy hoạch bài bản
Truyền thông - Ngày đăng : 12:48, 27/11/2023
Phát triển nghề nuôi yến tại Việt Nam: Tập trung quản lý, quy hoạch bài bản
Nghề nuôi yến tại Việt Nam đang phát triển mạnh trong những năm gần đây, thị trường xuất khẩu Trung Quốc cũng đã chính thức mở cửa. Tuy nhiên công tác quy hoạch, quản lý vùng nuôi, chất lượng tổ yến phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu vẫn còn nhiều thách thức nên giá trị thu về chưa tương xứng.
Ngành có tiềm năng lớn
Theo Hiệp hội Yến sào Việt Nam, chúng ta có lợi thế bởi nghề khai thác tổ yến ở nước ta đã xuất hiện từ lâu, trong đó, các chuyên gia khoa học kỹ thuật nuôi chim yến nhận định, chim yến chỉ tập trung phân bổ ở một số vùng Đông Nam Á, mật độ cao nhất là tại các tỉnh duyên hải miền Trung, miền Nam Việt Nam.
Báo cáo của Cục Chăn nuôi cho thấy nghề nuôi yến với mục đích thương mại là một hoạt động sản xuất mới xuất hiện từ năm 2004 ở một số tỉnh Nam Bộ. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, nghề này đã phát triển nhanh với nhiều loại hình và quy mô khác nhau.
Hiện nay cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến. Số lượng nhà yến tăng rõ rệt trong những năm qua, tính đến năm 2022, cả nước có 23. 665 nhà yến.
Địa phương có số lượng nhà yến tăng nhanh nhất và nhiều nhất hiện nay là Kiên Giang với khoảng 3.000 nhà yến, tiếp đến là Khánh Hòa, Lâm Đồng… Sản lượng tổ yến (yến sào) của Việt Nam đạt khoảng 130-150 tấn/năm. Thị trường xuất khẩu chính tổ yến của nước ta là Trung Quốc, cộng đồng người Hoa ở các nước Mỹ, Australia, New Zealand.
Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, các nghiên cứu, khảo sát cho thấy thực tế tiềm năng và triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến của nước ta rất lớn, là ngành cho sản phẩm có giá trị rất cao. Nhiều tỉnh, thành có lợi thế về tự nhiên để phát triển nghề nuôi chim yến, tạo việc làm và nguồn thu đáng kể cho địa phương và bảo vệ môi trường sinh thái.
Thị trường yến sào thế giới ước tính trị giá trên 5 tỷ USD với tổng sản lượng khoảng 2.800 tấn. Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu yến sào lớn nhất thế giới, mỗi năm nhập khẩu trên 2.000 tấn. Việt Nam là một trong 4 quốc gia được xuất khẩu chính ngạch yến sào vào Trung Quốc nhưng thị phần còn rất thấp so với nhu cầu.
Chuỗi giá trị còn thiếu tính liên kết
Nội tại của chuỗi giá trị yến Việt Nam còn rất nhiều tồn tại xuất phát từ việc sản xuất tự phát, thiếu giám sát, quản lý bài bản ngay từ đầu.
Thực trạng cơ sở nuôi chim yến nằm xen lẫn trong khu dân cư chiếm hơn 90%, nhà nuôi yến được xây dựng trên nhà ở của người dân.
Thách thức lớn nhất của ngành yến Việt Nam là việc nuôi chim yến chỉ phát triển mang tính tự phát là chủ yếu, chưa xây dựng kế hoạch sản xuất theo ngành hàng, thiếu tính liên kết.... do đó chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm chủ yếu xuất thô và tiểu ngạch nên giá trị thu về chưa tương xứng. Yêu cầu của người tiêu dùng, đặc biệt Trung Quốc yêu cầu ngày càng cao cả về chất lượng và các yếu tố bền vững như truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh những lợi ích kinh tế từ việc khai thác sản phẩm từ chim yến, việc phát triển nuôi chim yến một cách ồ ạt cũng phát sinh nhiều vấn đề cần phải xem xét, cân nhắc và điều chỉnh như ô nhiễm tiếng ồn từ việc phát loa dẫn dụ và tiếng kêu của chim yến đã ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và đời sống của người dân ở khu dân cư; công tác quản lý xây dựng, môi trường, dịch bệnh, cảnh quan đô thị... chưa chặt chẽ.
Các cơ quan quản lý chưa có hướng dẫn về đăng ký mã số nhà yến; chưa có các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong xây dựng, vận hành nhà yến nên việc phát triển và hiệu quả kinh tế trong đầu tư nuôi yến chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có.
Số lượng nhà yến quá nhiều tại các khu vực có điều kiện phát triển, dẫn đến nguồn thức ăn của chim yến bị khan hiếm, quần đàn tăng chậm, sản lượng giảm. Sản phẩm tổ yến có giá trị rất cao nhưng chưa quản lý được chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Cần sớm quản lý hiệu quả
Để phát triển sản xuất phục vụ xuất khẩu sản phẩm yến sào, tỉnh Tiền Giang đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ tuyên truyền đến quản lý trong hoạt động dẫn dụ, gây nuôi. Xây dựng và quảng bá thương hiệu yến, sản phẩm từ yến trên địa bàn tỉnh thành sản phẩm có thế mạnh, có tính cạnh tranh cao về chất lượng, uy tín, trở thành dòng sản phẩm yến sào chủ lực của tỉnh.
Song song đó, tỉnh cũng phát triển sản xuất theo chuỗi sản phẩm, gắn kết các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữ vai trò định hướng đặt hàng, tiêu chuẩn nguyên liệu, hỗ trợ sản xuất, nhằm phát huy thế mạnh liên kết làm tiền đề thúc đẩy tốc độ phát triển nhanh và hiệu quả ngành nghề nuôi chim yến.
Để phát triển nghề nuôi chim yến lâu dài, nhiều địa phương kiến nghị Cục Chăn nuôi cần sớm ban hành hướng dẫn đăng ký, cấp mã số nhà yến; phối hợp Cục Thú y tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy trình chung, sổ tay hướng dẫn thực hiện xuất khẩu tổ yến Việt Nam sang Trung Quốc theo Nghị định thư để địa phương tổ chức triển khai đồng bộ, thống nhất trong phạm vi cả nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong xây dựng, vận hành nhà yến; đề xuất Chính phủ ban hành quy định về xử phạt đối với việc xây dựng nhà yến không thuộc vùng nuôi chim yến nhằm quản lý quy hoạch vùng nuôi một cách hiệu quả.
Theo các chuyên gia, để nâng tầm thương hiệu yến sào Việt, điều cần làm là ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn kết từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ. Trong đó, các đơn vị chế biến giữ vai trò quan trọng trong việc tiêu chuẩn hóa nguồn nguyên liệu, hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy phát triển nhanh, hiệu quả ngành yến.