Doanh nghiệp bưu chính Việt Nam tận dụng cơ hội từ thương mại điện tử

Truyền thông - Ngày đăng : 12:50, 27/11/2023

Hiện nay, quy mô thương mại điện tử tại Việt Nam ngày càng tăng, dự kiến sẽ đạt mức 39 tỷ trong năm 2025, đưa đến cơ hội phát triển rất lớn cho các công ty chuyển phát nội địa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng phải đối mặt với rủi ro như giá cả, nhân lực, cạnh tranh giảm thị phần trong lĩnh vực chuyển phát...
Truyền thông

Doanh nghiệp bưu chính Việt Nam tận dụng cơ hội từ thương mại điện tử

P.V 27/11/2023 12:50

Hiện nay, quy mô thương mại điện tử tại Việt Nam ngày càng tăng, dự kiến sẽ đạt mức 39 tỷ trong năm 2025, đưa đến cơ hội phát triển rất lớn cho các công ty chuyển phát nội địa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng phải đối mặt với rủi ro như giá cả, nhân lực, cạnh tranh giảm thị phần trong lĩnh vực chuyển phát...

Dịch vụ chuyển phát tại Việt Nam đang phát triển

Những năm trở lại đây, nhằm bắt kịp với xu hướng mới, các doanh nghiệp bưu chính có bước đổi mới từ giao hàng truyền thống (thư, báo) sang phát triển dịch vụ hậu cần (chuyển phát và kho vận).

Theo số liệu thống kê hết năm 2021 của Bộ Thông tin và truyền thông, doanh thu và sản lượng chuyển phát cho thương mại điện tử lần lượt chiếm tỷ trọng 49% (+5 pps YoY) và 73% (+13 pps YoY) toàn ngành bưu chính. Sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của thương mại điện tự đang trở thành động lực tăng trưởng của ngành bưu chính trong những năm gần đây.

buu-chinh.jpg
Số lượng doanh nghiệp bưu chính đã tăng từ 410 vào năm 2018 lên hơn 800 vào năm 2022.

Số lượng doanh nghiệp bưu chính đã tăng từ 410 vào năm 2018 lên hơn 800 vào năm 2022 bởi sức hút từ việc nhu cầu vận chuyển tăng nhanh khi thương mại điện tử bùng nổ tại Việt Nam.

Hiện nay, các công ty bưu chính có xu hướng hoàn tất chuỗi giá trị bằng cách tập trung đầu tư trung tâm khai thác (Sorting center, Fulfillment center) với công nghệ hiện đại. Giao hàng tiết kiệm đang là đơn vị dẫn đầu về quy mô và số lượng trung tâm chia chọn, đi đầu trong việc đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại với công suất phân loại hàng hóa là 12.000 bưu kiện/giờ.

Nhiều khó khăn phải đối mặt

Các doanh nghiệp bưu chính Việt còn phải đối mặt với làn sóng nhượng quyền, đầu tư gián tiếp mở rộng thị trường của các công ty chuyển phát xuyên biên giới không ngừng mở rộng đại lý nhượng quyền, đầu tư hạ tầng, giảm giá vận chuyển dưới giá thành để cạnh tranh giành thị phần.

Nhóm các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, nhượng quyền thương mại phát triển mạnh trong năm qua gồm: BEST Express, J&T Express, Kerry Express, Shopee Express, Lazada Express, Giao hàng tiết kiệm (GHTK), Giao hàng nhanh (GHN), Ninjavan, Ahamove… Ngay cả những công ty nội địa có tiềm lực về tài chính, công nghệ như VN Post, EMS, VTP cũng bị giảm đáng kể thị phần trong những năm qua.

Một số doanh nghiệp bưu chính đối mặt với chi phí cố định cao về nhà cửa, hệ thống thiết bị, phương tiện vận chuyển cũ, lực lượng lao động đông dẫn đến số lượng dôi dư khi ứng dụng robot và dây chuyền tự động hóa chia chọn; tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng chính sách giảm giá, khuyến mại, chiết khấu để cung cấp dịch vụ bưu chính với giá thấp, thậm chí dưới giá thành, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành bưu chính với điểm nhấn sự phát triển mạnh của thương mại điện tử mở ra cơ hội cho ngành bưu chính, Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, dù cho nhu cầu về chuyển phát, kho vận tăng nhanh trong những năm tới, nhưng sân chơi sẽ không còn nhiều cơ hội cho những doanh nghiệp có quy mô nhỏ do thiếu tiềm lực về tài chính, chạy đua công nghệ.

Nhìn chung, mặc dù quy mô thương mại điện tử, ngày càng tăng nhưng các công ty chuyển phát nội địa sẽ phải đối mặt với rủi ro tiếp tục bị giảm thị phần trong lĩnh vực chuyển phát bởi vì thực tế tại các sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam Shopee, Lazada đã sở hữu kho hàng hóa và đơn vị vận chuyển riêng (Shopee express, Lazada express); TikTop Shop hiện cũng đang có 5 đơn vị vận chuyển cung cấp dịch vụ.

Khai thác những triển vọng cho doanh nghiệp bưu chính nội địa

Dư địa tăng trưởng của ngành chuyển phát bưu chính dồi dào nhờ “song hành” cùng lĩnh vực thương mại điện tử. Theo dự phóng của Allied Market Research, thị trường bưu chính chuyển phát Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kép 24% trong giai đoạn 2022 – 2030 và ước tính đạt 115 nghìn tỷ đồng vào năm 2030.

Động lực tăng trưởng đến từ nhu cầu cao trong việc vận chuyển hàng hóa thương mại điện tử. Hiện nay, Việt Nam là một trong số các quốc gia có số lượng người mua sắm trực tuyến cao nhất Đông Nam Á; Việt Nam sở hữu dân số trẻ có tỷ lệ sử dụng thiết bị thông minh, Internet ở mức cao.

at8-vietnam-post-logicstics-2.jpg
Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) – doanh nghiệp Bưu chính quốc gia với hệ thống cơ sở hạ tầng lớn nhất cả nước đã mở rộng đa dạng các dịch vụ chuyển phát nhanh.

Theo kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu Việt Nam sẽ có tỷ lệ người dân mua sắm trực tuyến đạt 55% với mức chi tiêu trung bình 600 USD/năm vào năm 2025. Qua đó, quy mô thị trường thương mại điện tử sẽ đạt 23 tỷ USD vào năm 2025, tương đương với tốc độ tăng trưởng kép 23% trong giai đoạn 2022 – 2025.

Đáp ứng nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp bưu chính cũng đang tích cực "đón" cơ hội phát triển này. Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) – doanh nghiệp Bưu chính quốc gia với hệ thống cơ sở hạ tầng lớn nhất cả nước đã mở rộng đa dạng các dịch vụ từ chuyển phát tiêu chuẩn, chuyển phát nhanh dành cho tất cả các đối tượng khách hàng, chuyển phát thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh online quan tâm nhiều đến hiệu quả chi phí, chuyển phát quốc tế đến hơn 200 quốc gia và vũng lãnh thổ trên thế giới, vận chuyển hỏa tốc, siêu tốc, chuyên tuyến cho đến các dịch vụ thiết kế riêng cho các sản phẩm đặc thù như thực phẩm, cây cảnh, hàng nguyên khối cồng kềnh hay hồ sơ, hợp đồng, tài liệu của nhóm khách hàng Tài chính - Ngân hàng,…

Sự chuyển dịch khối lượng từ thư sang bưu kiện cũng sẽ tiếp tục đòi hỏi các nhà khai thác bưu chính phải đổi mới và cung cấp các dịch vụ giao hàng nhanh chóng, đáng tin cậy, thuận tiện và giá cả cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Mới đây, không chỉ cung cấp dịch vụ COD, Bưu điện TP. Hồ Chí Minh nhận thấy bưu chính hoàn toàn có khả năng trực tiếp kinh doanh thương mại điện tử. Do đó, Bưu điện TP. Hồ Chí Minh đã thử nghiệm kinh doanh thương mại điện tử thông qua website: buudienonline.com, mở ra hướng phát triển mới cho ngành trong thời gian tới.

P.V