7 nguyên tắc chuyển đổi số, xây dựng ĐTTM lấy người dân, DN làm trung tâm của Huế

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 06:09, 30/11/2023

Một trong các nguyên tắc của tỉnh Thừa Thiên - Huế là không nghe báo cáo, mà phải trực tiếp lắng nghe, trực tiếp quan sát, tiếp cận người dân rồi từ đó mới đưa ra quyết định.
Chuyển đổi số

7 nguyên tắc chuyển đổi số, xây dựng ĐTTM lấy người dân, DN làm trung tâm của Huế

Anh Minh {Ngày xuất bản}

Một trong các nguyên tắc của tỉnh Thừa Thiên - Huế là không nghe báo cáo, mà phải trực tiếp lắng nghe, trực tiếp quan sát, tiếp cận người dân rồi từ đó mới đưa ra quyết định.

Hướng tới chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm xây dựng cơ chế, phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) để kiến tạo một môi trường sống thông minh hơn, hiệu quả, tiện ích hơn cho con người, doanh nghiệp (DN), Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam (TPTM) - Châu Á 2023 đã tổ chức chuyên đề về “Xây dựng TPTM lấy người dân, DN làm trung tâm”.

Chia sẻ cách làm của Huế tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết Huế là địa phương có thời tiết khá khắc nghiệt với nhiều đợt mưa lũ và bão hàng năm.

Thông thường hàng năm Huế phải gánh chịu ít nhất 8 cuộc mưa lớn và bão lũ. Vì vậy, kỹ năng phòng chống bão lũ của Huế cũng như các tỉnh miền Trung khá tốt. Tuy nhiên, thiệt hại do bão lũ vẫn là một khó khăn của người dân nơi đây.

Mới đây, từ ngày 14 - 16/11 vừa qua, Huế đã gánh chịu đợt mưa lũ lớn và gần như bị cô lập. Trong khoảng thời gian đó, Huế đã tiếp nhận được khoảng 700 cuộc gọi cứu trợ, trực tiếp hỗ trợ được gần 255 cuộc gọi cần ứng cứu khẩn cấp như các cuộc gọi về người dân bị bệnh tim cần cấp cứu trong mưa lũ, 8 trường hợp sản phụ chuyển dạ và các cuộc gọi hỗ trợ di chuyển đến bệnh viện.

Điều đáng nói, các cuộc gọi này đều được Trung tâm Giám sát điều hành ĐTTM (IOC) của Huế hỗ trợ, nghĩa là mọi thông tin đều kết nối về Trung tâm và kết nối với chính quyền địa phương, thiết lập mạng lưới với địa phương để có thể ứng cứu khẩn cấp trong tình huống mưa lũ.

"Điều đó cho thấy IOC thật sự phát huy hiệu quả chứ không chỉ là những màn hình để phô diễn giải pháp", Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định tại Hội thảo.

91bafdcd40a2d6b077906a5ad49d740c.jpg
Hue-S là minh chứng sống động nhất về cuộc CĐS, với mục tiêu xây dựng ĐTTM tại Huế

Ông Nguyễn Xuân Sơn cũng đã chia sẻ 7 phương thức cơ bản trong quá trình thực hiện chuyển đổi số (CĐS), xây dựng ĐTTM tại Huế, với phương châm lấy người dân, DN làm trung tâm.

Thứ nhất, đó là chỉ có 1 phương pháp tiếp cận. Nghĩa là, nguyên tắc làm việc của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế là không nghe báo cáo, mà phải trực tiếp lắng nghe, trực tiếp quan sát, tiếp cận và lấy người dân làm trung tâm, từ đó mới đưa ra quyết định.

"Rất nhiều đơn vị báo cáo “cực kỳ hoành tráng, nhìn có vẻ rất thuyết phục”, nhưng khi đi vào thực tiễn sẽ nhận ra những vấn đề nảy sinh", ông Nguyễn Xuân Sơn nói. Vì thế, lãnh đạo Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết đầu tiên là phải nghe được những vấn đề dân cần - từ những câu chuyện bức xúc đến câu chuyện vui vẻ hạnh phúc và đến các nhu cầu dịch vụ….

Theo thông tin từ Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho đến nay người dân Huế đã gửi đi hơn 100.000 phản ánh về các vấn đề, trong đó tỷ lệ phản ánh được xử lý đạt 97,3%, tỷ lệ hài lòng và chấp nhận là 90%. Trong năm 2023, đã có hơn 2.000 đối thoại hỏi đáp cơ quan nhà nước.

Khi triển khai, chúng tôi sẽ nhìn vào những vấn đề phản ánh đó của người dân để triển khai, chứ không chỉ nghe báo cáo hay nghe giới thiệu dịch vụ, giải pháp”, ông Nguyễn Xuân Sơn nói.

Thứ hai là 1 điểm kết nối. Chính nhờ phương thức 1 điểm kết nối mà trong những ngày mưa lũ vừa qua, đã có hơn 700 cuộc gọi của người dân được tiếp nhận và hơn 255 trường hợp khẩn cấp đã được hỗ trợ.

Cụ thể, IOC của Huế là điểm kết nối với các cơ quan, đơn vị như Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ … và kết nối với người dân.

Nhờ mô hình 1 điểm kết nối này, nhiều năm qua, kết quả hỗ trợ, giải đáp thắc mắc, nhu cầu cho người dân đã có hiệu quả rõ rệt. Tất nhiên, trong phương thức 1 điểm kết nối này, công nghệ đóng vai trò lớn, vì nếu dựa trên quy trình giấy tờ truyền thống trước đây, thì sẽ không thể có một điểm kết nối và không thể ứng cứu khẩn cấp.

Thứ ba là 1 quy trình. Trước đây, một vấn đề xác minh hành chính của người dân cần chính quyền xử lý sẽ phải qua nhiều bước, từ chính quyền địa phương, lên huyện, tỉnh, thành phố…. Nhưng khi triển khai 1 quy trình, kết hợp hài hòa hành chính và công nghệ, chấp nhận các dữ liệu số, Huế đã có 1 quy trình rút gọn, bỏ qua khâu trung gian.

Theo đó, người dân chỉ đến 1 điểm, và điểm trung tâm sẽ chủ động kết nối với địa phương, cơ quan nơi quản lý để kiểm tra, xác minh khi cần, bỏ qua khâu trung gian, nhưng đồng thời khâu trung gian vẫn có thể giám sát, nắm bắt về công việc.

56577792755.jpg
Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM tỉnh Thừa Thiên Huế (IOC) được đưa vào hoạt động thí điểm từ đầu tháng 6/2018 và chính thức ra mắt vào cuối tháng 7/2019. Ảnh: Internet

Thứ tư là 1 mạng lưới, bao gồm người dân, DN, tổ chức. Trong quá trình xử lý các vấn đề trong đời sống xã hội, với cơ chế 1 mạng lưới, khi có phản ánh của người dân hoặc doanh nghiệp, Huế sẽ kết nối cả cơ quan chức năng và DN vào để xử lý. Và trong mạng lưới này, DN cũng là một thành phần để giải đáp thắc mắc của người dân khi cần thiết.

Tiếp theo là 1 nền tảng. Hiện nay, Huế có nền tảng Hue-S, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”, các đơn vị tạo ra nhiều app (ứng dụng) sẽ phải quản lý nhiều, gây phức tạp, rắc rối rủi ro cho người dân, đặc biệt những người chưa có kỹ năng số cao. Vì thế, Huế kết hợp với các đơn vị, các DN và tạo ra Hue-S - ứng dụng cung cấp các dịch vụ cơ bản, thiết yếu phục vụ người dân và DN.

1 phương pháp cảm nhận, nghĩa là thống nhất một cơ chế cách thức, nội dung tiếp nhận, thu thập phản hồi của người dân, không có tình trạng xây dựng nhiều tiêu chí gây phức tạp mà người dân không cần đến.

Cuối cùng là 1 hạ tầng, nghĩa là toàn tỉnh có 1 cơ sở hạ tầng dùng chung, một cơ sở dữ liệu dùng chung.

Đó là 7 bước mà Huế đã kiên định triển khai xuyên suốt những năm qua khi tiến hành CĐS, xây dựng ĐTTM. Ông Nguyễn Xuân Sơn cũng nhấn mạnh rằng, kế hoạch hay chiến lược triển khai CĐS, xây dựng ĐTTM cần được thực hiện “tùy hoàn cảnh, tùy điều kiện” của từng địa phương.

Huế có đặc thù riêng của Huế khi triển khai. Các địa phương cũng cần xem xét đến đặc thù riêng của mình, nhu cầu riêng của người dân, để vận dụng và có phương phát triển khai phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh riêng tại địa phương mình./.

Anh Minh