Bảo vệ môi trường gắn với chiến lược phát triển du lịch biển ở Việt Nam

Truyền thông - Ngày đăng : 06:50, 01/12/2023

Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế để phát triển du lịch biển. Tuy nhiên, chất lượng môi trường biển những năm qua đang bị suy giảm nghiêm trọng. Do đó, việc phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường đang là giải pháp cần thiết để phát triển du lịch bền vững trong giai đoạn mới.
Truyền thông

Bảo vệ môi trường gắn với chiến lược phát triển du lịch biển ở Việt Nam

P.V 01/12/2023 06:50

Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế để phát triển du lịch biển. Tuy nhiên, chất lượng môi trường biển những năm qua đang bị suy giảm nghiêm trọng. Do đó, việc phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường đang là giải pháp cần thiết để phát triển du lịch bền vững trong giai đoạn mới.

Môi trường biển Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng

Quy mô kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47 - 48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế thuần biển đạt khoảng 20 - 22% tổng GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển chính ở Việt Nam gồm năng lượng tái tạo biển, dầu khí, thủy hải sản, du lịch, vận tải biển, môi trường, đa dạng sinh học và các dịch vụ sinh thái. Các chuyên gia cho rằng, với tiềm năng lớn như vậy, kinh tế biển sẽ góp phần phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch.

o-nhiem-nguon-nuoc-bien.jpg
Hiện nay, mặt trái của phát triển du lịch biển chính là ô nhiễm môi trường biển.

Tuy nhiên, mặt trái của phát triển du lịch biển chính là ô nhiễm môi trường biển. Theo kết quả giám sát môi trường hàng năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi khách du lịch lưu trú có lượng rác thải khoảng 1,2kg/ngày đêm; mỗi khách du lịch không lưu trú có lượng rác thải trung bình khoảng 0,5kg/ngày. Trong đó, rác thải nhựa là túi nilon, cốc nhựa, chai nhựa, hộp nhựa, hộp xốp…chiếm khoảng 60%.

Điều đáng nói là, các loại rác thải này phải mất ít nhất 100-200 năm mới có thể phân hủy được. Do đó vừa làm mất mỹ quan của bãi biển vừa gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Đã từng có nhiều bãi biển, khách du lịch chỉ dám đứng trên bờ ngắm biển thay vì tắm biển do chất lượng nước biển bị ô nhiễm và các rác thải nhựa trôi dạt ven bờ…

Các hoạt động du lịch cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên của biển. Minh chứng là Vườn quốc gia Cát Bà với 5.400ha mặt nước, từ một hòn đảo trong lành, ngày nay môi trường ở đây đã bị biến thái kể từ khi được đưa vào khai thác du lịch và nuôi trồng thủy sản, vì mỗi ngày có hàng nghìn tấn rác đổ trực tiếp ra biển.

Kết quả điều tra của Viện Hải Dương học cũng cho thấy: Các hoạt động du lịch đang là những tác nhân gây ô nhiễm môi trường tại nhiều vùng biển thời gian qua. Ðiển hình như đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) đang trở thành một khu du lịch lý tưởng cho khách du lịch trong và ngoài nước. Sự phát triển thành khu du lịch nên nhu cầu xây dựng lớn, nếu các nguyên vật liệu xây dựng không được quản lý chặt chẽ, không theo quy hoạch sẽ dẫn đến tình trạng sạt lở, xói mòn bờ, giảm thể tích chứa nước ngầm, nước mặn xâm nhập, tăng trầm tích đáy, tăng độ đục... làm suy giảm đa dạng sinh học, thay đổi cảnh quan tự nhiên, nhất là mất đi vẻ đẹp tự nhiên của vùng biển đảo này...

Khai thác du lịch trên nền tảng bảo vệ môi trường bền vững

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu du lịch biển nêu trên, là do công tác vệ sinh môi trường chưa được các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực này quan tâm một cách thường xuyên. Rác thải chưa được thu gom, xử lý triệt để, nhất là rác thải tại một số bãi tắm ven bờ, gần khu dân cư, nhà hàng, khách sạn; hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư đồng bộ, nên nguồn nước thải tại các khu vực này chủ yếu được xả thẳng ra biển...

images1855493_4m1.jpg
Nâng cao ý thức của khách du lịch bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.

Ngoài ra, ý thức của du khách chưa cao, còn tình trạng vứt rác, thức ăn thừa bừa bãi trên các bãi tắm, trong khi đó phần lớn rác thải sinh hoạt chưa được xử lý, nếu có xử lý chỉ bằng phương pháp chôn lấp... ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường tự nhiên và chất lượng nguồn nước tại các khu vực này.

Để du lịch biển Việt Nam phát triển bền vững, giải pháp trước hết là kịp thời xử lý ô nhiễm nước biển và khu vực ven bờ để cải thiện môi trường, tăng sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch biển.

Chính quyền cùng ngư dân ven biển và du khách định kỳ tổ chức ra quân cùng tham gia làm sạch bãi biển, thu gom, xử lý rác thải trên bờ; thực hiện chôn lấp hải sản chết, chất thải đúng quy trình kỹ thuật, tránh làm ô nhiễm vùng nước biển, nguồn nước ngọt, khu dân cư, khu đô thị, trường học, bãi tắm…; ngăn chặn mọi hình thức đổ rác thải tại các khu vực ven biển.

Tăng cường giám sát công tác bảo vệ môi trường biển, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường biển. Bên cạnh đó, cần thực hiện chuyển hướng xây dựng, cung ứng sản phẩm du lịch mới như khuyến khích các loại hình du lịch sinh thái biển thân thiện với môi trường, hỗ trợ đắc lực cho những dự án bảo vệ môi trường biển.

Chính quyền các địa phương ven biển cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục bảo vệ môi trường biển cho người làm du lịch và du khách tham quan; nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch.

Khuyến khích các cơ sở lưu trú du lịch chú trọng sử dụng nguồn năng lượng sạch; sử dụng tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu tác động đến môi trường biển; xây dựng hệ thống xử lý rác thải phù hợp, nhất là đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tại đơn vị mình, trước khi đưa vào hệ thống thải chung của khu vực.

Hiện nay, nhiều mô hình đã được triển khai góp phần phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường. Tiêu biểu như việc huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo vệ môi trường bền vững. Những năm gần đây, phong trào lặn vớt rác thải nhựa dưới biển thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia, góp phần xử lý số lượng lớn rác thải nhựa trôi nổi, nằm dưới đáy biển.

Tại nhiều bãi biển như Cát Bà (Hải Phòng), Phan Thiết (Ninh Thuận), Bãi Cháy (Quảng Ninh)…, đã triển khai nhiều chương trình tuyên truyền, khuyến khích giảm rác thải nhựa nhằm thay đổi thói quen của khách du lịch để giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường thiên nhiên.

P.V