Khai thác tốt thị trường, đưa ngành thép Việt Nam phát triển

Truyền thông - Ngày đăng : 06:51, 01/12/2023

Ngành thép Việt Nam có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển đất nước theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc phát triển ngành thép cần được nghiên cứu dựa trên năng lực, sức cạnh tranh, đặc điểm nhu cầu thị trường của từng sản phẩm thép sản xuất trong nước.
Truyền thông

Khai thác tốt thị trường, đưa ngành thép Việt Nam phát triển

P.V 01/12/2023 06:51

Ngành thép Việt Nam có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển đất nước theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc phát triển ngành thép cần được nghiên cứu dựa trên năng lực, sức cạnh tranh, đặc điểm nhu cầu thị trường của từng sản phẩm thép sản xuất trong nước.

Đứng trước nhiều khó khăn

Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam, trong vòng 10 năm qua tốc độ tăng trưởng của ngành thép của Việt Nam đều tăng ở mức 2 con số mỗi năm. Sản lượng sản xuất thép của các doanh nghiệp trong nước tăng mạnh theo từng năm. Ngành thép đã có sự phát triển mạnh mẽ về năng lực cũng như công nghệ sản xuất. Việt Nam xếp ở vị trí thứ 13 toàn thế giới với 23 triệu tấn thép thô xuất xưởng trong năm 2021, theo số liệu của Hiệp hội Thép Thế giới (WorldSteel).

t13.jpg
Hiện nay, ngành thép đã có sự phát triển mạnh mẽ về năng lực cũng như công nghệ sản xuất.

Tuy nhiên, thực tế ngành thép hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Đơn cử, năng lực cạnh tranh của ngành thép Việt Nam khá thấp khi phần lớn các nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép phải nhập khẩu. Bên cạnh các nhà máy xây dựng mới với công suất lớn thì các nhà máy sản xuất phôi thép còn lại chủ yếu có công suất nhỏ, thiết bị lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, nguy cơ gây ô nhiễm về môi trường. Điều kiện thị trường biến động, cạnh tranh và dư thừa, các biện pháp phòng vệ thương mại tác động đến giá thép trong nước gây mất ổn định thị trường...

Ông Nguyễn Hữu Trường Hưng – đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho rằng trong tương lai gần, ngành thép rất khó cạnh tranh với thép nhập khẩu từ Trung Quốc do quy mô sản xuất nhỏ, chi phí sản xuất vẫn còn cao nếu so sánh với các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc. Đồng thời, có rất nhiều sản phẩm thép trong nước vẫn đang phải nhập nguyên liệu từ Trung Quốc.

Hầu hết các doanh nghiệp trong nước hiện vẫn chỉ có khả năng sản xuất các sản phẩm thép cơ bản, phục vụ ngành bất động sản và chưa có khả năng sản xuất các sản phẩm chất lượng cao. Theo đánh giá của Cục Phòng vệ thương mại, phải mất từ 5 – 10 năm nữa, Việt Nam mới có khả năng sản xuất các sản phẩm thép phục vụ ngành cơ khí chế tạo như: Thép làm vỏ ô tô, thép làm vỏ tàu.

Sớm xây dựng lộ trình phù hợp phát triển ngành thép

Theo đánh giá, mức tiêu thụ thép trên bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay mới vào khoảng 240kg/1 người/năm là mức còn thấp so với các nước trong khu vực như Malaysia, Trung Quốc. Do vậy, có thể thấy dư địa và tiềm năng phát triển của ngành thép Việt Nam trong thời gian tới rất lớn.

Việc Nghiên cứu, xây dựng chính sách phù hợp để khuyến khích các đơn vị sản xuất phôi tạm thời hạn chế xuất khẩu, ưu tiên thị trường nội địa, góp phần hạn chế sự tăng giá thép chế tạo và thép xây dựng.

nganh-thep-vie-t-nam-trie-n-vo-ng-va-tha-ch-thu-c-trong-nam-2022.jpg
Việc xây dựng chiến lược phát triển ngành thép là cần thiết để góp phần phát triển ngành bền vững.

Thời gian vừa qua, có rất nhiều sản phẩm thép trong nước đã được điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trong thời gian dài. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất trong nước vẫn không được nâng lên, thậm chí nhiều doanh nghiệp tiếp tục thua lỗ và trì trệ.

Đối với vấn đề này, Cục Phòng vệ thương mại đã có báo cáo và kiến nghị lãnh đạo Bộ Công thương về việc không tiếp tục bảo hộ đối với các ngành này nếu việc rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại cho thấy ngành sản xuất trong nước không có sự thay đổi hay đầu tư đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực để có thể cạnh tranh trên thị trường.

Cùng với đó, việc xây dựng chiến lược phát triển ngành thép cần được xem xét, nghiên cứu dựa trên năng lực, sức cạnh tranh, đặc điểm nhu cầu thị trường của từng sản phẩm thép sản xuất trong nước.

Việt Nam cần có các định hướng chính sách để phát triển mạnh ngành luyện kim, vật liệu, đặc biệt là các loại thép chế biến chế tạo. Cụ thể, cần phát triển thêm các khu liên hợp gang thép có quy mô lớn với cơ cấu sản phẩm đa dạng, đặc biệt là các sản phẩm thép phục vụ công nghiệp chế biến chế tạo.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương cho biết, Viện được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Viện đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng chiến lược để hoàn thành dự thảo, dự kiến sẽ báo cáo Bộ Công thương trình Chính phủ trong Quý II/2024.

Sản xuất thép sắt, thép là một trong những ngành chịu tác động lớn từ cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Chính sách này đã thí điểm áp dụng chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023. Cơ chế CBAM được Liên minh châu Âu (EU) thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026.

Hiện, EU là một trong những thị trường xuất khẩu top đầu của ngành thép Việt Nam. Theo nhận định, nếu các doanh nghiệp thép Việt Nam không ứng phó tốt với CBAM, xuất khẩu sang EU sẽ bị ảnh hưởng, nguy cơ hơn là mất thêm nhiều thị trường khác khi những quốc gia này đang xem xét áp dụng các quy định tương tự như CBAM.

Vì thế, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước bắt buộc phải chuyển đổi sản xuất theo hướng “xanh hóa” để có thể nâng cao sức cạnh tranh.

Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp thép kiến nghị xem xét xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó thép nhập khẩu cần phải có giấy chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam trước khi nhập khẩu. Đồng thời, tăng cường điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để hạn chế sản phẩm thép cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước.

Cần xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép tôn mạ kim loại, sơn phủ màu, các Bộ ngành tăng cường công tác cảnh báo, dự báo xu thế thị trường hàng hóa. Từ đó, góp phần hỗ trợ cho sự phát triển ổn định của sản xuất trong nước, đảm bảo quyền lợi chung của thị trường cũng như người tiêu dùng.

P.V