Hội thảo khoa học về biển, đảo Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học
Truyền thông - Ngày đăng : 10:49, 27/04/2023
Hội thảo khoa học về biển, đảo Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học
Ngày 26/4, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH-NV) - Đại học Quốc gia TP.HCM đã diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề “Biển, đảo Việt Nam: Quá trình khai thác và tiềm năng phát triển”.
Theo Ban tổ chức, trong thời gian qua, cục diện quan hệ quốc tế ở Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là theo hướng đa phương hóa. Do đó, việc có những ứng xử phù hợp dựa trên các cứ liệu lịch sử về quá trình thụ đắc; thực thi chủ quyền và khai thác tài nguyên biển, đảo của Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử càng có ý nghĩa quan trọng.
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu nhằm thu thập thêm các nguồn tư liệu, tài liệu trong và ngoài nước về biển, đảo Việt Nam các thời kỳ lịch sử và đánh giá tiềm năng phát triển kinh tế của vùng biển, đảo Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, tham luận tại Hội thảo hướng đến việc đánh giá các chủ trương, chính sách khai thác biển, đảo Việt Nam theo chiều dài lịch sử để đúc kết ra các bài học kinh nghiệm cho sự phát triển kinh tế biển Việt Nam trong tương lai.
GS.TS. Võ Văn Sen, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết, hội thảo lần này nằm trong chuỗi nội dung Biển, Đảo Việt Nam của nhà trường. Vào cuối năm 2021, hội thảo lần 1 tổ chức với chủ đề “Quan hệ giữa phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam”. Trong lần tổ chức đầu tiên, hội thảo đã thu hút tổng số 70 bài tham luận. Các bài này được tuyển chọn và in trong kỷ yếu trong nước và quốc tế. Đây cũng là lần đầu tiên, hội thảo của Nhà trường được nhà xuất bản trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục Scopus, đã có tổng cộng 11 bài được đăng trên tạp chí IOP Conference Series: Earth and Environemtal Science.
Hội thảo lần 2 tập trung sâu hơn vào quá trình lịch sử khai thác biển đảo, đánh giá tiềm năng phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và hướng đến phát triển bền vững.
Về mặt không gian lãnh thổ, các nghiên cứu đã quan tâm đến các vùng biển và hải đảo từ Bắc đến Nam, Việt Nam. Về mặt thời gian, các nghiên cứu đã trải dài từ thế kỷ thứ XVII đến nay.
Nội dung các nghiên cứu khá đa dạng và đã có những đóng góp có ý nghĩa khoa học trên nhiều góc độ nghiên cứu khác nhau.
Một số tham luận tiếp cận ở góc độ lịch sử để nghiên cứu diễn biến khai thác và làm rõ những thay đổi chính sách qua các triều đại và các vấn đề liên quan đến chủ quyền biển của Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử khác nhau.
Nhóm tham luận tiếp cận ở góc độ kinh tế và chỉ ra những phương hướng phát huy nguồn lực tự nhiên để phát triển kinh tế biển, du lịch biển, du lịch sinh thái ven bờ, nghề cá và các cảng biển dọc chiều dài đất nước.
Đặc biệt, là các tham luận tiếp cận ở góc độ địa chính trị đem đến cái nhìn toàn diện về bức tranh an ninh biển, vai trò lãnh đạo của Đảng và các chiến lược phòng thủ, bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam…
Ban tổ chức cho biết, qua hội thảo, hy vọng năm nay số bài xuất bản quốc tế sẽ tăng gấp 2 lần so với năm ngoái. Định hướng xuất bản quốc tế được Nhà trường tập trung hỗ trợ và đẩy mạnh như là một nỗ lực đưa tiếng nói của các nhà khoa học Việt Nam ra diễn đàn khoa học quốc tế.
Đây cũng là cách hiệu quả để khẳng định chủ quyền và an ninh biển của Việt Nam trên mặt trận tri thức./.