Xây dựng Việt Nam thành quốc gia hướng biển
Truyền thông - Ngày đăng : 09:30, 28/11/2023
Xây dựng Việt Nam thành quốc gia hướng biển
Trong bài viết vừa được công bố, PGS.TS. Đinh Quang Hải, Nguyên Viện trưởng Viện Sử học, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu lịch sử cho rằng: Ý thức của người Việt Nam về chủ quyền biển đảo được hình thành rất sớm, từ hàng nghìn năm lịch sử.
Theo PGS.TS. Đinh Quang Hải, Biển Đông là tên gọi của người Việt Nam đối với vùng biển phía Đông của Việt Nam. Với đường bờ biển trải dài 3.260 km, từ mũi Ngọc thuộc Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đến Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam rộng hơn 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, Việt Nam đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển.
Trên biển có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam và có khoảng 2.773 đảo lớn, nhỏ nằm ở vùng biển ven bờ.
PGS.TS. Đinh Quang Hải cho rằng, ngay từ rất sớm, người Việt đã có sự gắn bó chặt chẽ với biển. Từ trong tâm thức, cũng như trong văn hóa của người Việt, biển, đảo là bộ phận lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời.
Việt Nam có biên giới biển chung với Trung Quốc, Campuchia, Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Vì vậy, Biển Đông đối với Việt Nam, trong đó có vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, là không gian sinh tồn từ bao đời nay và là nguồn sống và phát triển của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
Ở đó chứa đựng những nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, đa dạng và có vị trí địa - chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh - quốc phòng. Vì thế, Biển Đông đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển của Việt Nam hiện nay.
Về quan điểm của Đảng và Nhà nước để xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia hướng biển, PGS.TS Đinh Quang Hải đánh giá cao Nghị quyết 09 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 của Đảng. Ông cho rằng Nghị quyết 09 được ban hành năm 2007 thể hiện nhận thức rõ về tầm quan trọng của biển, đảo và xác định được xu thế của thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương. Nghị quyết 09 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 cũng đã thể hiện rõ một số quan điểm chỉ đạo định hướng chiến lược.
Một là, Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn.
Hai là, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với đảm bảo quốc phòng-an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường; kết hợp giữa phát triển vùng biển, ven biển, hải đảo với phát triển vùng nội địa theo hướng CNH, HĐH.
Ba là, khai thác mọi nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường biển trên tinh thần chủ động, tích cực mở cửa, phát huy đầy đủ và có hiệu quả các nguồn lực bên trong; tranh thủ hợp tác quốc tế, thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Tiếp đó, đến năm 2012, tại kỳ họp thứ ba Quốc hội Việt Nam khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Luật Biển Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của Việt Nam.
PGS.TS. Đinh Quang Hải nhắc lại, trong Luật Biển Việt Nam có nêu rõ về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và các quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo.
Sau khi dẫn ra Nghị quyết 09 của Đảng về Chiến lược Biển Việt Nam và Luật Biển Việt Nam, PGS.TS Đinh Quang Hải đánh giá: Chủ trương, chính sách biển, đảo của Việt Nam mang tính tính kế thừa, tính toàn diện, tính hệ thống và phát triển đồng bộ. Điều đó thể hiện rõ chính sách hướng biển của Việt Nam hiện nay, theo ông Hải, đó là quan điểm nhất quán.
Trong bối cảnh tình hình Biển Đông, cùng xu thế hội nhập quốc tế về biển, đảo của khu vực và thế giới hiện nay, các quy định của Luật Biển quốc tế chính là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để các quốc gia hữu quan vận dụng trong quá trình đàm phán và giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo.
Về phía Việt Nam, quan điểm nhất quán của Việt Nam là sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam tiến hành chính sách mở rộng hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và trên thế giới dựa trên những nguyên tắc căn bản của luật pháp quốc tế và quan điểm của Việt Nam là tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; Bình đẳng, cùng có lợi, vì hòa bình, phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Việt Nam kiên trì chủ trương giải quyết các tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Trong quá trình tìm kiếm một giải pháp cơ bản, lâu dài cho các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, các bên liên quan cần kiềm chế, cùng nỗ lực duy trì hòa bình ổn định, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ nghiêm chỉnh Hiến chương Liên hợp quốc và các chuẩn mực của luật pháp quốc tế, trong đó có 5 nguyên tắc chung sống hòa bình; thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC-2002) và Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông (2012), sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
"Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích trên biển của mình; tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo đúng các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam" - PGS.TS. Đinh Quang Hải nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, để phát triển bền vững kinh tế đô thị biển và hạ tầng đô thị biển Việt Nam cần chú ý đến ba nhóm giải pháp cơ bản.
Một là, phải có tầm nhìn và cách tiếp cận mới về đô thị biển và phải thể hiện trong quy hoạch quốc gia. Chức năng của đô thị biển phải được định hình rõ và đảm bảo không xảy ra xung đột.
Hai là, đô thị biển phải là toạ độ hội nhập quốc gia, mở cửa và trở thành trung tâm cạnh tranh quốc tế.
Ba là, tích hợp chức năng của đô thị trên tinh thần hiện đại hoá, cơ chế trao quyền phải gắn với chức năng đặc thù cho các đô thị biển để tăng tính chủ động, sáng tạo, cùng với đó động lực phát triển đô thị biển phải dựa vào các doanh nghiệp tư nhân,...
Ngoài ra, trong quá trình phát triển đô thị biển cần quán triệt các yêu cầu cơ bản để phát triển bền vững biển, đảo: (i) Duy trì được nguồn vốn tự nhiên biển; (ii) Bảo tồn được thiên nhiên biển, bao gồm cảnh quan biển; (iii) Bảo vệ được môi trường biển khỏi ô nhiễm và suy thoái; (iv) Phát triển hiệu quả kinh tế biểndựa trên nền tảng của kinh tế biển xanh và kinh tế tuần hoàn; (v) Thực thi nghiêm túc pháp luật về biển và kinh tế biển; (vi) Truyền thông nâng cao nhận thức và kiến thức cho các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp và cộng đồng dân cư ven biển và trên đảo.