Tại LHQ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nêu bật nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện UNCLOS 1982

Truyền thông - Ngày đăng : 14:44, 16/06/2023

Tham dự Hội nghị lần thứ 33 các Quốc gia thành viên Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 tại New York (Mỹ), Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, Trưởng đoàn Việt Nam - đã có bài phát biểu liên quan đến tình hình biển Đông.
Truyền thông

Tại LHQ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nêu bật nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện UNCLOS 1982

Mai Hà 16/06/2023 14:44

Tham dự Hội nghị lần thứ 33 các Quốc gia thành viên Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 tại New York (Mỹ), Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, Trưởng đoàn Việt Nam - đã có bài phát biểu liên quan đến tình hình biển Đông.

vna-potal-viet-nam-quan-ngai-nhung-dien-bien-tren-bien-dong-co-the-anh-huong-den-hoa-binh-an-ninh-va-phat-trien-678902217-20-49-17.jpeg
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc tại Hội nghị.

Sau lễ khai mạc ngày 12/6, Hội nghị lần thứ 33 các Quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) tiếp tục diễn ra trong các ngày từ 12-16/6 tại Trụ sở Liên hợp quốc tại New York, Mỹ.

Đa số phát biểu tại Hội nghị năm nay tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của UNCLOS, với tư cách là khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện điều chỉnh các hoạt động và các vấn đề liên quan đến biển.

Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Trưởng đoàn Việt Nam, khẳng định 40 năm qua, UNCLOS, với vai trò “Hiến pháp của Đại dương,” là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển, Công ước và các Hiệp định thực thi đã đóng vai trò nền tảng cho hợp tác và hành động của quốc gia, khu vực và toàn cầu trên biển.

Đại sứ nêu bật nỗ lực của Việt Nam thực hiện UNCLOS, trong đó có Chiến lược Quốc gia về Biến đổi Khí hậu giai đoạn đến năm 2050 được ban hành theo Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Là một trong những thành viên sáng lập của Nhóm bạn bè UNCLOS, Việt Nam tiếp tục tái khẳng định cam kết đối với Công ước và gìn giữ sự phổ quát, toàn vẹn và thực thi đầy đủ Công ước.

Liên quan đến tình hình Biển Đông, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhắc lại quan điểm của Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, bày tỏ quan ngại về các diễn biến gần đây trên Biển Đông có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và phát triển.

Đại sứ khẳng định việc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển trên vùng biển được thiết lập theo Công ước là điều kiện tiên quyết cho việc duy trì và bảo đảm hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực Biển Đông.

Trên cơ sở đó, Trưởng đoàn Việt Nam kêu gọi tất cả các quốc gia liên quan kiềm chế và tránh thực hiện các hoạt động gây phức tạp tình hình hoặc leo thang căng thẳng.

Tại phiên thảo luận về báo cáo của Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), đoàn Việt Nam phát biểu nhấn mạnh ITLOS đã hoàn thành tốt vai trò cơ quan xét xử được thành lập theo UNCLOS, và ghi nhận những chương trình đào tạo, nâng cao năng lực của Toà cho các nước đang phát triển.

Đồng thời, trong bối cảnh ngày càng có nhiều thách thức và vấn đề mới nổi trên biển, vai trò của ITLOS với tư cách người bảo vệ sự toàn vẹn và toàn diện của Công ước ngày càng trở nên quan trọng hơn.

Trên cơ sở đó, Việt Nam mong muốn ITLOS sẽ xem xét nghiêm túc đề nghị của Uỷ ban các quốc đảo Thái Bình Dương xin ý kiến tư vấn về vấn đề biến đổi khí hậu và luật pháp quốc tế, qua đó làm sáng tỏ nghĩa vụ của các quốc gia về bảo vệ môi trường biển, trên cơ sở cân nhắc quyền và lợi ích chính đáng của các nước đang phát triển.

Đoàn Việt Nam cũng thông báo với Hội nghị ý định đệ trình quan điểm quốc gia lên ITLOS về vấn đề này.

Liên quan đến báo cáo của Ủy ban Ranh giới ngoài thềm lục địa (CLCS), đoàn Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết cải thiện quá trình CLCS xem xét các đệ trình về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý để thực thi đầy đủ và hiệu quả UNCLOS, đặc biệt trong bối cảnh cần thiết xác định “vùng ngoài quyền tài phán của quốc gia” để tiến tới thực hiện Hiệp định về Bảo tồn và Sử dụng Bền vững Đa dạng Sinh học vùng ngoài Quyền Tài phán Quốc gia (BBNJ) sau khi Hiệp định được thông qua và có hiệu lực trong thời gian tới./.

Mai Hà