Phối hợp phát triển kinh tế-xã hội gắn bảo đảm quốc phòng, an ninh

Truyền thông - Ngày đăng : 08:46, 03/08/2023

Chiều 2/8, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực hiện nhiệm vụ kết hợp phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo.
Truyền thông

Phối hợp phát triển kinh tế-xã hội gắn bảo đảm quốc phòng, an ninh

Phương Linh 03/08/2023 08:46

Chiều 2/8, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực hiện nhiệm vụ kết hợp phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo.

anhbai10.1.jpg

Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục Hậu cần; đại biểu chỉ huy các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Mục tiêu của chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Quốc phòng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong chỉ đạo, điều hành và phát huy khai thác bền vững tiềm năng, lợi thế của lực lượng vũ trang, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong xây dựng, hoạt động khu vực phòng thủ; phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn; thực hiện các hoạt động khuyến nông, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; bố trí ổn định dân cư các xã biên giới, hải đảo và khu kinh tế-quốc phòng; phòng cháy, chữa cháy rừng và sản xuất lâm nghiệp…

Cùng với đó, chương trình nhằm huy động các nguồn lực trong phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản, giống gốc, bảo quản và chế biến nông sản; từng bước ứng dụng công nghệ cao tạo ra các sản phẩm tại chỗ bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; tổ chức tăng gia sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị, chủ động cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm ổn định, chất lượng phục vụ bộ đội.

anhbai10.jpg

Báo cáo kết quả công tác phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực hiện nhiệm vụ kết hợp phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh thời gian qua do Thiếu tướng Huỳnh Tấn Hùng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần trình bày tại hội nghị cho thấy: Những năm qua, hai bộ đã phối hợp ban hành nhiều văn bản, quy chế, chương trình phối hợp; tăng cường phối hợp trong xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ với nhiều dự án thiết thực, góp phần giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.

Hai bộ đã phối hợp hiệu quả trong công tác phòng, chống thiên tai, tăng gia sản xuất, thực hiện chương trình khuyến nông với nhiều dự án được triển khai tại các đơn vị. Công tác phối hợp trong bảo vệ ngư trường, ngư dân khai thác, đánh bắt nuôi trồng thủy, hải sản, cứu hộ, cứu nạn tàu cá và ngư dân trên biển giữa hai bộ có nhiều tiến bộ so với trước.

Ngoài ra, hai bộ đã tăng cường phối hợp trong quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng và sản xuất lâm nghiệp; bảo vệ, phòng, chống buôn bán lâm sản, động vật hoang dã trái phép; bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi và các công trình nước sạch nông thôn; chú trọng phối hợp nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt.

Qua nghe báo cáo tại hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến thảo luận, tập trung đánh giá kết quả đạt được trong công tác phối hợp giữa hai bộ thời gian qua; nêu lên những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện; đề xuất, kiến nghị các biện pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thượng tướng Võ Minh Lương và đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp ghi nhận, đánh giá cao kết quả công tác phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong những năm qua; biểu dương các cơ quan chức năng của hai bộ đã chủ động, nỗ lực khắc phục khó khăn, phối hợp triển khai thành công, hiệu quả các chương trình phối hợp, chuẩn bị chu đáo nội dung để hội nghị ký kết bảo đảm chất lượng, thành công tốt đẹp.

Lãnh đạo của hai bộ cũng ghi nhận ý kiến đóng góp, kiến nghị, đề xuất của các đại biểu, giao cơ quan chức năng của hai bên tổng hợp, tiếp thu đầy đủ, báo cáo các cấp giải quyết theo quy định.

Thượng tướng Võ Minh Lương và đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu, từ những kết quả đạt được, các cơ quan, đơn vị liên quan của hai bên cần tăng cường phối hợp, quán triệt, thực hiện nghiêm nội dung liên quan; tham mưu với lãnh đạo hai bộ ban hành văn bản, quy chế, chương trình phối hợp trên tất cả các nội dung trong chương trình phối hợp.

Giao Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) và Vụ Kế hoạch-Ban Chỉ huy Quân sự (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) là cơ quan thường trực, tham mưu giúp lãnh đạo hai bộ trong triển khai các nội dung của chương trình phối hợp; xây dựng kế hoạch tổng thể, làm cơ sở để các cơ quan chức năng của hai bên xây dựng kế hoạch chi tiết; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện đạt hiệu quả thiết thực.

Định kỳ hằng năm sẽ tiến hành đánh giá kết quả thực hiện và đề ra các biện pháp hoàn thiện kế hoạch năm sau, bổ sung chương trình thực hiện phù hợp với từng giai đoạn cụ thể.

Tại hội nghị, Thượng tướng Võ Minh Lương và đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp đã ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ Quốc phòng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực hiện nhiệm vụ kết hợp phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo.

Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm được Đảng ta xác định trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đây là cơ sở, định hướng rất quan trọng để các ban, bộ, ngành Trung ương, lực lượng vũ trang cùng cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương trên cả nước nói chung, địa bàn Tây Nam Bộ nói riêng tập trung đẩy mạnh thực hiện, với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt và đạt được kết quả thiết thực.

Theo Đại tá, PGS.TS. Trần Nam Chuân, nguyên Cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng, để thực hiện tốt việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong tình hình mới, cần kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, thúc đẩy nhanh quá trình dân sự hóa trên các vùng biên giới, biển, đảo, hướng chiến lược. Đây là cơ sở để khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên trên các địa bàn chiến lược, là tiền đề để xây dựng, củng cố và phát huy lực lượng tại chỗ xây dựng thế trận khu vực phòng thủ trên các hướng trọng điểm chiến lược.

Thời gian qua, công tác dân sự hóa trên các vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, nhất là ở những địa bàn, hướng chiến lược đã được chú trọng đẩy mạnh, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để củng cố và xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Ở một số nơi có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, quá trình xây dựng các căn cứ hậu cần, kỹ thuật, kho tàng trong các hang, động bước đầu được thực hiện có hiệu quả, tạo được sự đồng thuận của Nhân dân và cấp ủy, chính quyền địa phương. Cơ sở hạ tầng trên nhiều địa bàn chiến lược được xây dựng ngày càng vững chắc; đời sống của Nhân dân từng bước ổn định, Nhân dân hoàn toàn tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Cùng với quá trình dân sự hóa ở các địa bàn chiến lược phải kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Việc quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở các khu vực biên giới, tuyến ven biển, hải đảo phải tuân thủ các yêu cầu đặt ra trong kế hoạch tổng thể của khu vực phòng thủ địa phương, phải mang tính hệ thống, bảo đảm sự liên kết chặt chẽ giữa biển, đảo với đất liền; kết hợp chặt chẽ giữa thế trận “tĩnh” với thế “động” của lực lượng tác chiến cơ động tạo nên thế trận hậu cần liên hoàn, vững chắc./.

Phương Linh