Cuộc chiến phòng chống thiên tai: Đa dạng hóa thông tin cảnh báo
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 15:12, 01/10/2023
Cuộc chiến phòng chống thiên tai: Đa dạng hóa thông tin cảnh báo
Một trong những giải pháp quan trọng trong công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là bổ sung thêm nhiều trang thiết bị hiện đại ứng phó cứu hộ, cứu nạn khi thiên tai xảy ra. Đồng thời đa dạng hóa các loại hình thông tin cảnh báo sớm thiên tai đến người dân và chính quyền địa phương.
Nhìn lại những con số và sự kiện
Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai, sự cố khí hậu, thảm họa tiếp tục gia tăng, diễn biến bất thường, thậm chí trái quy luật, gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội cho nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trên thế giới đã ghi nhận lũ lụt nghiêm trọng ở Úc, Trung Quốc, Ấn Độ; Hạn hán nắng nóng khô cạn gay gắt ở Mỹ; Nắng nóng kéo dài, bão lớn ở châu Âu và các loại thiên tai khác làm thiệt hại hàng trăm tỉ USD, cao hơn trung bình 10 năm liền trước.
Thiên tai luôn là loại hình gây thiệt hại cho tính mạng và tài sản của một quốc gia nhiều hơn bất cứ loại hình nào. Theo Văn phòng Giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc, trong vòng 20 năm qua, trên toàn thế giới, các loại hình thiên tai đã tăng lên khoảng 75%, làm thiệt mạng hơn 1 triệu người và ảnh hưởng đến hơn 4 tỷ người dân, thiệt hại kinh tế gần 3.000 tỷ USD.
Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu. Ước tính, trong 20 năm qua, ở nước ta, các loại thiên tai đã làm hơn 13.000 người thiệt mạng, thiệt hại kinh tế hơn 6,4 tỷ USD. Việt Nam thuộc nhóm 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu, được biểu hiện ở số lượng các cơn bão mạnh, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có xu hướng tăng, xuất hiện không theo mùa, gây lũ, lụt diện rộng, sạt lở đất... làm thiệt hại lớn về người, tài sản. Theo thống kê, giai đoạn 2016 – 2021, thiên tai đã làm chết 1.631 người, thiệt hại tài sản gần 203 nghìn tỉ đồng; Năm 2022, cả nước ghi nhận hơn 1.000 vụ, với 21/22 loại hình thiên tai, làm 175 người chết, thiệt hại khoảng 19.500 tỉ đồng.
Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, từ ngày 1/1/2023 đến tháng 8/2023, trên cả nước xảy ra 1.753 sự cố thiên tai: 1 áp thấp nhiệt đới, 2 cơn bão, 47 trận mưa lớn, ngập lụt, sụt lún, sạt lở đất, đá, lũ ống; 208 trận giông lốc và mưa đá; 27 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển; 151 trận động đất và 321 vụ sạt lở bờ sông làm chết 267 người; Mất tích 78 người; Bị thương 291 người; Chìm, cháy, hỏng 302 phương tiện; Cháy 628 nhà xưởng và 1.176 ha rừng; Sập đổ, tốc mái 9.075 nhà; Hư hại 45.536 ha lúa và hoa màu...
Chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại
Phòng chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn dân, toàn xã hội trong cả ba giai đoạn là phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của nhân dân và nhà nước; Từng bước xây dựng quốc gia có khả năng quản lý rủi ro thiên tai, cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng luôn là mục tiêu hàng đầu.
Thực tế thiên nhiên có nhiều biến động bất thường như vậy đã đặt ra cho công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục thiên tai, sự cố và tìm kiếm, cứu nạn những yêu cầu mới cao hơn, nặng nề hơn. Toàn dân quyết liệt triển khai thực hiện công tác phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn, góp phần xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai. Để chủ động, hoàn thành tốt nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong năm 2023, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm để chủ động, không bị bất ngờ khi có sự cố, thiên tai nặng nề xảy ra dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng người và tài sản.
Chính quyền địa phương các cấp rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Tổ chức, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng chống thiên tai; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến kiến thức nâng cao kỹ năng ứng phó bão, lũ, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, đá, phòng chống đuối nước… đến mọi người dân nhằm nâng cao khả năng tự phòng, tránh.
Các cơ quan chức năng đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống sự cố, thiên tai, thảm họa và cứu hộ, cứu nạn; Tăng cường hợp tác quốc tế và học tập kinh nghiệm của các nước trong thực hiện nhiệm vụ dự báo, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống sự cố, thiên tai, thảm họa và cứu hộ, cứu nạn; Chủ động trao đổi thông tin và phối hợp chặt với các nước để ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống sự cố, thiên tai, thảm họa và cứu hộ, cứu nạn xảy ra trên các vùng biển quốc tế cũng như trên lãnh thổ Việt Nam.
Bên cạnh đó, duy trì tốt các chế độ ứng trực về lực lượng và phương tiện để sẵn sàng cơ động ứng phó và xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, nhất là ở các địa bàn trọng điểm; Khi xảy ra sự cố phải khắc phục nhanh để giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của người dân và nhà nước. Đa dạng hóa các loại hình thông tin cảnh báo thiên tai là rất cần thiết. Công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức sâu rộng, tác động đến nhận thức của một số chính quyền cơ sở, địa phương và người dân sẽ làm giảm đáng kể thiệt hại do sự cố, thiên ta, nhất là thiệt hại về tính mạng của người dân khi xảy ra sự cố, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất...