Chuyển đổi số thúc đẩy xu hướng truyền thông sáng tạo, báo chí dữ liệu

Truyền thông - Ngày đăng : 17:13, 06/12/2023

Bên cạnh việc thực hiện đa dạng hóa nguồn thu trên nền tảng số, các cơ quan báo chí đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số (CĐS), truyền thông sáng tạo, hiện đại nhằm tiếp cận đông đảo công chúng, tạo nguồn thu mới.
Truyền thông

Chuyển đổi số thúc đẩy xu hướng truyền thông sáng tạo, báo chí dữ liệu

Trường Thanh {Ngày xuất bản}

Bên cạnh việc thực hiện đa dạng hóa nguồn thu trên nền tảng số, các cơ quan báo chí đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số (CĐS), truyền thông sáng tạo, hiện đại nhằm tiếp cận đông đảo công chúng, tạo nguồn thu mới.

Những năm gần đây, công nghệ đã có sự thay đổi lớn, tác động đến hành vi người dùng Internet và xu thế phát triển của báo chí hiện đại. Sự phát triển của mạng xã hội (MXH) đã tạo sự cạnh tranh với báo chí, đồng thời cũng đẩy người dùng lên Internet để tiếp nhận thông tin nhiều hơn.

Theo Quỹ Báo chí Hàn Quốc (KPF), trong 3 năm qua (2020 - 2022), số lượng người tiếp nhận thông tin qua các phương tiện truyền thông truyền thống (báo in, phát thanh, truyền hình) sụt giảm mạnh, thay vào đó là tiếp nhận thông tin qua điện thoại di động.

Ở góc nhìn kinh tế, theo một thống kê từ From Digital, năm 2022, doanh thu quảng cáo trên nền tảng số chiếm hơn 50% và giữ mức tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn sau của đại dịch COVID-19. Đại dịch COVID-19 và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang tạo áp lực đồng thời cũng là cơ hội của các cơ quan báo chí trên môi trường số.

Truyền thông sáng tạo, hiện đại nhằm tiếp cận đông đảo công chúng, tạo nguồn thu mới

Chia sẻ về vấn đề này, nhà báo Ngô Việt Anh, Phó Trưởng ban Nhân Dân điện tử, báo Nhân Dân cho biết, bên cạnh việc sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách và phát triển doanh thu quảng cáo, các cơ quan báo chí lớn trên thế giới đã có nhiều biện pháp đa dạng nguồn thu, từ thu phí đọc báo điện tử, tổ chức sự kiện, thương mại điện tử, cho đến môi giới dữ liệu, cung cấp dịch vụ CNTT, đầu tư lĩnh vực giáo dục…

Bên cạnh việc thực hiện đa dạng hóa nguồn thu trên nền tảng số, các cơ quan báo chí cũng đẩy mạnh thực hiện CĐS, truyền thông hiện đại nhằm tiếp cận đông đảo công chúng, tạo các nguồn thu mới. Các tòa soạn đã áp dụng truyền thông sáng tạo, tương tác và phân phối tin tức đa nền tảng. Thông tin xuất hiện bất cứ nơi nào có độc giả và chủ động đưa tin đến với độc giả thay vì cách tiếp cận truyền thống là độc giả tìm đến với thông tin.

Theo báo cáo Các xu hướng và dự báo về báo chí, truyền thông và công nghệ năm 2021 của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (Anh), 76% những người tham gia khảo sát cho biết đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy nhanh các kế hoạch CĐS của họ. Nhiều người lớn tuổi đã bắt đầu chấp nhận các nền tảng số mới, tận dụng những tiện ích từ việc mua sắm trực tuyến, hội thoại trực tuyến (video conferencing).

Giãn cách xã hội trong COVID-19 kết hợp với sự phát triển chóng mặt của công nghệ đang tạo áp lực đồng thời cũng là cơ hội để các cơ quan truyền thông đẩy nhanh hơn quá trình CĐS, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào hoạt động báo chí, quản trị.

Mô hình “cơ quan báo chí - công nghệ” (media-tech) là xu hướng mà nhiều tập đoàn báo chí lớn như New York Times, Washington Post, Bloomberg, Wall Street Journal (Mỹ), South China Morning Post (Hong Kong, Trung Quốc)… đang hướng tới. Quá trình đổi mới, phát triển công nghệ quyết liệt đã mang lại cơ hội sự chuyển mình cho New York Times, một trong những tòa soạn lâu đời nhất nước Mỹ.

New York Times tiên phong đổi mới công nghệ bằng giá trị cốt lõi, thế mạnh nền tảng là kho tàng nội dung không giới hạn; tiếp cận các xu hướng công nghệ mới, các sản phẩm mới để phục vụ nhu cầu mới của độc giả, đặc biệt trên thiết bị di động.

New York Times đặc biệt chú trọng văn hóa CĐS trong nội bộ tòa soạn, trong tư duy các cấp quản lý. Đội ngũ chuyên gia công nghệ có số lượng đông hơn, có vai trò quan trọng hơn trong việc tạo ra các sản phẩm báo chí đa phương tiện, phát triển báo chí đa nền tảng, tương tác và giữ chân bạn đọc...

Báo chí kịp thời nắm bắt xu hướng CĐS, có những bước đi đúng đắn

Tại Việt Nam, không ít cơ quan truyền thông đã có những thay đổi mạnh mẽ, kịp thời nắm bắt xu hướng CĐS và đã có những bước đi đúng đắn, tạo nền tảng vững chắc để sẵn sàng bắt nhịp với cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư.

Một số cơ quan báo chí đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào việc thu thập dữ liệu và phân tích người dùng. Chiến lược thu thập dữ liệu độc giả sẽ giúp các cơ quan báo chí xác định rõ đối tượng độc giả của mình, từ đó mở ra các cơ hội để cải thiện chất lượng nội dung, trải nghiệm người dùng, đồng thời tạo ra những phân khúc hấp dẫn để tăng nguồn thu quảng cáo.

Nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam đã ứng dụng công nghệ, sử dụng các tools (công cụ) miễn phí như Flourish, Infogram... vào quy trình sản xuất các sản phẩm trực quan, dữ liệu. Phóng viên, biên tập viên có thể tự làm Infographic có tính tương tác cao, trong thời gian chỉ vài chục phút thay vì chờ bộ phận kỹ thuật vẽ tay hàng giờ trước đây.

Nhiều cơ quan báo chí cũng đẩy nhanh thực hiện chiến lược multi-platform (đa nền tảng) và xu hướng social-first (ưu tiên phát thông tin lên MXH). Thông tin xuất hiện bất cứ nơi nào có độc giả và chủ động đưa tin đến với độc giả thay vì cách tiếp cận truyền thống là độc giả tìm đến với thông tin. Không chỉ có một fanpage, nhiều cơ quan báo chí có fanpage cho từng chuyên mục, chương trình trên MXH Facebook.

Nhiều tờ báo, đài truyền hình mở hàng chục kênh trên MXH YouTube, Tik Tok để đưa thông tin đi xa hơn, rộng hơn, tiếp cận đối tượng độc giả mới. Các fanpage trên Facebook của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, VTV Digital… nằm trong top các kênh mạnh nhất Việt Nam.

“Trong bức tranh CĐS thời gian qua, báo chí cũng có nhiều sự thay đổi đáng ghi nhận trong việc CĐS, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào hoạt động sản xuất nội dung, hệ thống quản trị, phân phối đa nền tảng”, nhà báo Ngô Việt Anh đánh giá.

screenshot-60-.png
Xu hướng phát triển podcast tại các cơ quan báo chí (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Báo Nhân Dân ứng dụng công nghệ để truyền thông sáng tạo

Trước xu thế chung đó, báo Nhân Dân cũng không ngừng đẩy mạnh CĐS, ứng dụng công nghệ hiện đại để truyền thông sáng tạo. Theo nhà báo Ngô Việt Anh, báo Nhân Dân hợp tác với các đối tác quốc tế Chartbeat phát triển công cụ đo lường, phân tích dữ liệu hành vi, nhu cầu độc giả, nhằm giúp tòa soạn cung cấp thông tin đúng nhu cầu của bạn đọc, tối ưu thời gian ban đọc lưu lại trên báo (time on site) và lượng truy cập (pageviews).

Các công cụ phân tích dữ liệu còn gợi ý những chủ đề đang được quan tâm, gợi ý tít bài, hiển thị tỷ lệ truy cập trực tiếp các tin bài trên khu vực nổi bật của báo.

Đặc biệt, báo Nhân Dân đã hợp tác với đối tác quốc tế đưa công cụ Shorthand vào hoạt động sản xuất các bài e-magazine, longform. Đây là công cụ có nhiều tính năng vượt trội cho phép trình bày ấn tượng các sản phẩm đồ họa tương tác, ảnh, video, phục vụ cho nội dung báo chí.

Nhiều nội dung mang tính chính trị, kén độc giả nhưng khi được trình bày sáng tạo, trực quan thì thu hút rất nhiều người đọc. Nhờ ứng dụng công nghệ, chi phí sản xuất các bài e-magazine rất hợp lý, tiết kiệm so với trước đây.

screenshot-59-.png

Với slogan “Mọi câu hỏi đều có lời giải”, tri thức chuyên sâu là sản phẩm đặc biệt của báo Nhân Dân trong năm 2022, đón đầu xu hướng báo chí chuyên sâu, báo chí dữ liệu nhằm cung cấp kiến thức tổng quan, chuyên sâu với cách trình bày công phu, đa phương tiện, hấp dẫn. Tri thức chuyên sâu bao gồm đa dạng lĩnh vực như chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao…

Trong 5 tháng kể từ khi ra mắt (tháng 7/2022), báo Nhân Dân đã xây dựng gần 40 nội dung Tri thức chuyên sâu phân loại theo 5 nhóm gồm: sự kiện, vấn đề, nhân vật, địa danh, tổ chức.

“Tri thức chuyên sâu đang là sản phẩm được bạn đọc và đồng nghiệp đánh giá rất tích cực trên các kênh tương tác của báo Nhân Dân và MXH. Một số địa phương, đơn vị đã đề nghị báo Nhân Dân ký kết hợp tác xây dựng nội dung Tri thức chuyên sâu về lịch sử hình thành phát triển của địa phương, của ngành, các sản phẩm nông sản nổi tiếng, danh thắng thu hút khách du lịch…”, nhà báo Ngô Việt Anh chia sẻ.

Ngày 26/10/2021, lần đầu tiên báo Nhân Dân ra mắt chuyên trang thông tin đặc biệt được thực hiện công phu với sự kết hợp nhiều loại hình báo chí, nhằm phát triển lý luận về xây dựng Đảng. Trang Thông tin đặc biệt “Lý luận, thực tiễn và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” tại địa chỉ http://cnxh.nhandan.vn.

Trang thông tin nhằm lan tỏa rộng rãi trên môi trường Internet những nội dung cốt lõi trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những ý kiến tâm huyết của cán bộ đảng viên, nhân dân cả nước, các học giả, bạn bè quốc tế về bài viết quan trọng mang tính định hướng, có giá trị thực tiễn cao không chỉ đối với đất nước Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn đối với những người cộng sản trên toàn thế giới.

“Ngay sau khi khai trương trang thông tin “Lý luận, thực tiễn và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” nhận được phản hồi rất tốt của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia quốc tế, các cơ quan truyền thông và người dùng trên MXH. Trang thông tin đã đoạt giải sản phẩm truyền thông sáng tạo tuyên truyền về Xây dựng Đảng của Giải Búa Liềm vàng năm 2021”, nhà báo Ngô Việt Anh cho hay.

Chưa dừng lại ở đó, báo Nhân Dân tiếp tục có những cách truyền thông sáng tạo để tiếp cận công chúng một cách đa dạng và sâu sắc hơn. Nhân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/5/2022, báo Nhân Dân đã khai trương Trang thông tin đặc biệt Hồ Chí Minh và tư tưởng “lấy dân làm gốc”, tại địa chỉ http://hochiminh.nhandan.vn.

Trên nền tảng công nghệ hiện đại, thiết kế trang trọng, trực quan, Trang thông tin đã số hóa kho tư liệu đặc biệt với hơn 1.000 bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Nhân Dân từ năm 1951 đến năm 1969; đồng thời giúp độc giả có thể trải nghiệm chân thực các bài báo có giá trị lịch sử từ hơn nửa thế kỷ trước.

screenshot-58-.png
Trang thông tin đặc biệt Hồ Chí Minh và tư tưởng “lấy dân làm gốc”.

Năm 2023, báo Nhân Dân tiếp tục thực hiện xây dựng chuyên trang “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Những việc cần làm ngay”, đúng dịp 25 năm Ngày mất đồng chí Nguyễn Văn Linh (27/4/1998 - 27/4/2023). Trên nền tảng công nghệ hiện đại, thiết kế trang trọng, trực quan, Trang thông tin là tài liệu tra cứu, tham khảo quý giá trên nền tảng số cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân và các chuyên gia, bạn bè quốc tế về Tổng Bí thư Nguyên Văn Linh, đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa sức sống “Những việc cần làm ngay” trong giai đoạn hiện nay.

Theo nhà báo Ngô Việt Anh, trong thời gian tới, báo Nhân Dân tiếp tục xây dựng thêm các chuyên trang thông tin đặc biệt, mở rộng nội dung Tri thức chuyên sâu và phát triển nhiều sản phẩm báo chí sáng tạo, hiện thực hóa chiến lược phát triển đa nền tảng, đa phương tiện, kết hợp thông tin chính thống, tin cậy với công nghệ và các ý tưởng sáng tạo, nhằm tuyên truyền sinh động, hấp dẫn các chủ trương của Đảng, Nhà nước tới đông đảo bạn đọc, nhất là bạn đọc ưa thích các nền tảng công nghệ số./.

Tham khảo: nhandan.vn, mic.gov.vn

Trường Thanh