Tòa soạn báo Đức đặt cược tương lai vào công nghệ và AI
Truyền thông - Ngày đăng : 07:56, 08/12/2023
Tòa soạn báo Đức đặt cược tương lai vào công nghệ và AI
Nhà xuất bản (NXB) tin tức khu vực của Đức sở hữu bởi DuMont đã chuyển hướng trở thành một công ty truyền thông và công nghệ...
Phòng sản xuất tin tức của tòa soạn đang sử dụng các công cụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên và AI cho các nhiệm vụ, bao gồm cả việc tạo nội dung, với những kết quả ban đầu đáng kể.
“Câu chuyện in ấn của chúng tôi đã kết thúc sau 400 năm”, Thomas Schultz-Homberg, Giám đốc điều hành của Kölner Stadt-Anzeiger Medien thuộc tập đoàn gia đình DuMont, cho biết. Việc sản xuất ba tờ báo đã chuyển sang một nhà in của bên thứ ba và tòa soạn hiện đang đặt cược chắc chắn tương lai của mình vào trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ khác.
Sự cần thiết thay đổi mô hình kinh doanh và sản xuất tin tức
“Hoạt động kinh doanh báo chí ngày càng chuyển đổi trước sự phát triển của công nghệ và xu hướng tiêu dùng tin tức. Chúng tôi đang hướng tới trở thành một công ty công nghệ số có nội dung báo chí”, Schultz-Homberg phát biểu tại hội nghị Digital Media Asia của WAN-IFRA.
Ông cũng cho biết để trở thành một tổ chức báo chí tích hợp công nghệ, mô hình kinh doanh và các phòng tin tức phải thay đổi về cơ bản.
Vốn ra mắt đã rất lâu đời, từ năm 1620 khi một nhà máy in được thành lập để sản xuất sách cầu nguyện và giấy tờ kỷ niệm. Trong 4 thế kỷ, Kölner Stadt-Anzeiger Medien đã phát triển và sở hữu 3 tờ báo, 7 đài phát thanh, gần 1.000 nhân viên và số lượng phát hành hàng năm là 247 triệu bản. Các báo in hiện đang được sản xuất bởi một bên thứ ba vì trọng tâm chiến lược đã chuyển sang các giải pháp công nghệ. Hàng tháng, lượt truy cập vào các trang báo của họ tăng 45 triệu.
“Không có công nghệ, các tòa soạn sẽ không có tương lai. Sẽ không còn phòng tin tức nào nếu chúng ta không làm công nghệ. Và nếu với tư cách là nhà xuất bản, chúng tôi không làm công nghệ thì những người khác sẽ làm điều đó cho chúng tôi”, Shultz-Homberg nói.
Hãng tin này sử dụng rộng rãi công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) và AI trong phòng tin tức, để hiểu và quản lý văn bản cũng như quảng cáo trên trang web của mình. Các trang chủ đề và phân loại quảng cáo hoàn toàn vận hành tự động.
“Thay vì sử dụng các liên kết được chọn lọc thủ công và quản lý thủ công, các liên kết lịch sử và theo ngữ cảnh đều được chọn bằng máy. Con người không liên quan vào quy trình này. Công nghệ dựa trên AI/NLP tìm kiếm những câu chuyện có thể phù hợp với chủ đề của bài viết và nó trình bày các liên kết văn bản”, Shultz-Homberg nói.
Kể từ khi tự động hóa quá trình này, đã có “sự gia tăng đáng kể khả năng hiển thị của các bài viết đến độc giả”. Các ứng dụng AI đã đề xuất và cá nhân hóa các câu chuyện cũng như các phần cho từng người đọc - mỗi độc giả mở trang chủ ra và đều nhìn thấy những bài viết khác với độc giả khác.
Schultz-Homberg cho biết: “Nhờ có AI, chúng tôi có hàng triệu hồ sơ động phù hợp với người dùng".
Trong thời gian thử nghiệm, các lựa chọn của con người đã được phân tích so với các lựa chọn được thực hiện bằng máy. Kết quả cho thấy việc quản lý tự động đã mang lại tỷ lệ nhấp chuột cao hơn 80% so với khi người biên tập đưa ra lựa chọn, bằng chứng cho thấy “máy móc, công nghệ biết rõ hơn những gì các độc giả cá nhân muốn đọc tiếp theo”.
Schultz-Homberg cho biết điều này không có nghĩa là máy móc có thể thay thế biên tập viên - bởi vì phải có ai đó tạo ra các tác phẩm báo chí, thì công nghệ mới có thể đề xuất cho người đọc.
Biên tập viên (BTV) chấp nhận “công nghệ biết rõ nhất về độc giả”
Kết quả từ việc lựa chọn máy móc, công nghệ và khả năng khiến mọi người đọc sâu hơn, nhiều hơn các tít bài và đoạn giới thiệu, đã thuyết phục các BTV.
“Chúng tôi không còn tranh luận về việc máy móc biết rõ hơn hay con người biết rõ hơn. Bây giờ gần như toàn bộ trang web của chúng tôi được quản lý bằng máy”, Schultz-Homberg nói.
Khách truy cập trang web được cung cấp một phiên bản trang web được cá nhân hóa, độc đáo - đáp ứng niềm tin rằng “công nghệ nên được ứng dụng và thúc đẩy nền báo chí mà mọi người muốn đọc, chứ không phải thứ báo chí mà các BTV nghĩ họ nên đọc”.
Tại Kölner Stadt-Anzeiger Medien, các BTV là những người sáng tạo nội dung, nuôi dưỡng một trung tâm nội dung. Máy móc hay AI sẽ cung cấp những nội dung được tuyển chọn cho các độc giả, và khuyến khích độc giả đọc thường xuyên hơn và sâu hơn. Họ cũng nhìn thấy nhiều quảng cáo hơn - điều đó tốt cho doanh nghiệp và hoạt động báo chí.
Klara, robot sáng tạo nội dung
Kölner Stadt-Anzeiger Medien cũng đã giới thiệu một đồng nghiệp/BTV AI nhân tạo, “Klara”, người chịu trách nhiệm viết 6% số bài viết trên nền tảng EXPRESS.de và thúc đẩy 5,2% tổng số lượt truy cập bài viết.
Klara nhận lệnh viết từ nhóm biên tập. “Phóng viên” này cũng sẽ phát hiện các chủ đề đáng lẽ phải có trên trang nhưng chưa có, bằng cách quét các chủ đề thịnh hành trên các kênh tin tức. Nếu chưa có nội dung đó, cô ấy bắt đầu viết một bài.
Schultz-Homberg đang tưởng tượng Klara sẽ làm gì để tăng lưu lượng truy cập và mức độ liên quan.
“Klara tất nhiên mắc lỗi, nhưng càng ngày càng ít. Trong vài ngày đầu tiên, chúng tôi sử dụng Klara cùng với một BTV đồng hành, người sẽ theo dõi từng chữ cô ấy viết. Và tất nhiên biên tập viên đã phát hiện ra một số lỗi. Bây giờ Klara tự mình hoạt động và biên tập viên đồng hành kiểm tra chéo để xem mọi thứ có chính xác không rồi xuất bản”. Những bài viết này được ký tên công khai là “phóng viên AI”.
Kölner Stadt-Anzeiger Medien hiện vẫn đang trong quá trình thử nghiệm nhiều ứng dụng AI, một số ứng dụng liên quan trực tiếp đến kinh doanh. Và tất cả các số liệu đều cho kết quả đang tăng lên.
“Khi chúng tôi chưa có bất kỳ mô hình AI nào trong phòng tin tức, những con số rất tệ. Từ khi giới thiệu AI, công nghệ này đang trở nên tốt hơn vì AI được cải thiện từng ngày. Vì vậy, đừng sợ AI - hãy nắm lấy nó”, ông nói.
Những thách thức và cơ hội cho các cơ quan báo chí trong việc ứng dụng AI
Tất nhiên, việc các tổ chức tin tức áp dụng AI mang lại cả thách thức và cơ hội. Một mặt, AI có khả năng cải thiện đáng kể hiệu suất của các phòng tin tức, cho phép các nhà báo tạo ra nhiều nội dung hơn trong thời gian ngắn hơn và với độ chính xác cao hơn. Mặt khác, việc tích hợp AI vào các phòng tin tức có thể là một quá trình phức tạp và tốn kém, đòi hỏi đầu tư đáng kể vào công nghệ, đào tạo và cơ sở hạ tầng.
Một trong những thách thức lớn nhất đối với các tổ chức tin tức trong việc áp dụng AI là nhu cầu phát triển các kỹ năng và chuyên môn cần thiết để sử dụng hiệu quả công nghệ này. Điều này đòi hỏi sự đầu tư đáng kể vào đào tạo và giáo dục cũng như việc thuê các chuyên gia về AI và khoa học dữ liệu.
Một thách thức khác là nhu cầu đảm bảo rằng các hệ thống AI minh bạch, có đạo đức và có trách nhiệm. Khi AI ngày càng được tích hợp nhiều hơn vào quy trình sản xuất tin tức, điều quan trọng là các tổ chức tin tức phải thực hiện các bước để đảm bảo rằng hệ thống AI được thiết kế và sử dụng một cách có trách nhiệm và có đạo đức, đồng thời minh bạch về cách sử dụng AI trong sản xuất nội dung./.