Quản trị tòa soạn số: Giải pháp và kinh nghiệm triển khai tại TTXVN
Truyền thông - Ngày đăng : 09:43, 08/12/2023
Quản trị tòa soạn số: Giải pháp và kinh nghiệm triển khai tại TTXVN
Mô hình tòa soạn số sẽ trở thành xu thế tất yếu của các cơ quan báo chí. Hội tụ nội dung và hội tụ công nghệ được xem là lời giải cho bài toán chuyển đổi số (CĐS) báo chí Việt Nam, mở ra con đường mới cho các nhà báo, các tòa soạn hiện đại.
Như trong Báo cáo về tổng quan Báo chí Thế giới năm 2023 hướng tới năm 2024, Hiệp hội Báo chí và các Nhà xuất bản Tin tức Thế giới (WAN-IFRA) cho biết, một trong những ưu tiên quan trọng của các tòa soạn trong năm 2024 sẽ là nghiên cứu phát triển sản phẩm và quản trị tòa soạn số.
Quản trị tòa soạn số - Kinh nghiệm và thực tiễn triển khai tại TTXVN
Chiều 7/12, tiếp tục chương trình Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí, các nhà báo trong nước và khu vực đã chia sẻ thực tiễn, kinh nghiệm về quản trị tòa soạn số ở các quốc gia trong khu vực, đồng thời thảo luận các giải pháp nhằm tối ưu hóa quản trị tòa soạn số.
Chia sẻ tại phiên thảo luận thứ 2 với chủ đề “Thực tiễn, kinh nghiệm và giải pháp quản trị tòa soạn báo chí số ở khu vực ASEAN", nhà báo Trần Tiến Duẩn - Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã nhận định: “Ứng dụng công nghệ số để thay đổi mô hình tòa soạn từ quản trị nhân lực, sản xuất thông tin, tối ưu hóa dữ liệu, đến quy trình xuất bản và phân phối nội dung” - đó là hướng đi mà hầu hết các cơ quan báo chí đã và đang xây dựng nhằm tạo nên một tòa soạn đa phương tiện hội tụ những giá trị của công nghệ, kỹ năng và thích ứng để mang lại những giá trị đột phá cho công chúng".
Về quản trị tòa soạn báo chí số, quá trình CĐS đòi hỏi các tòa soạn/tổ hợp báo chí phải lấy hoạt động xuất bản số làm trung tâm, phân chia nhiệm vụ của các nhân sự cho phù hợp, tạo sự thống nhất giữa các bộ phận xuất bản từ text, ảnh, phát thanh, truyền hình, đồ họa… Việc hội tụ thể hiện cả về kết cấu sắp xếp vị trí chỗ ngồi, đến phân cấp phân quyền lãnh đạo các đơn vị, cấp phòng, cho đến thiết lập các nền tảng quản trị nội dung hội tụ.
Vì vậy, để bắt kịp với xu hướng của báo chí kỹ thuật số, các tòa soạn cần xây dựng một hạ tầng kỹ thuật và hệ thống quản trị nội dung (CMS) đủ mạnh để công nghệ số phát huy hiệu quả phục vụ báo chí, giúp những người làm báo trong thời đại công nghệ số giảm bớt những công việc lặp đi lặp lại mà tập trung nhiều hơn vào việc tạo ra những sản phẩm sáng tạo.
Đánh giá đúng tầm mức quan trọng của tin học hóa và CĐS, từ hơn 10 năm trước TTXVN đã đẩy mạnh các hoạt động số trong cả ba khâu chính của tác nghiệp báo chí là: thu thập, xử lý và phân phối thông tin.
Cụ thể, ở giai đoạn đầu, TTXVN đã tập trung xây dựng các kho dữ liệu số hóa, xây dựng các kênh thu thập thông tin trên mạng Internet cũng như kết nối với các hãng thông tấn quốc tế nhằm cung cấp đầu vào thông tin cho toàn ngành, trong đó có các tòa soạn.
Ở khâu xử lý thông tin, TTXVN đã liên tục xây dựng và nâng cấp nền tảng tác nghiệp NPS (News Production System) cũng như các hệ quản trị nội dung CMS của các tòa soạn cùng với đó là việc ứng dụng mạnh mẽ các phần mềm tích hợp để cải thiện năng lực quản trị nội dung, nâng cao tốc độ biên tập, sản xuất tin, bài.
Một điểm quan trọng là TTXVN đã xác định chiến lược hội tụ các nền tảng số của mình, do vậy, các CMS, NPS của toàn ngành dần được tích hợp trong một thể thống nhất giúp cho việc điều phối, quản lý, hợp lực thông tin và quảng bá chéo các sản phẩm thông tin được tốt hơn.
Tại khâu xử lý thông tin, nhiều ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang được áp dụng giúp nâng cao chất lượng và số lượng trong xử lý thông tin. Chẳng hạn như các hệ thống nhận dạng ảnh giúp biên tập viên tìm kiếm và phân loại ảnh tốt hơn; hệ thống “gỡ băng” giúp phóng biên chuyển ghi âm thành văn bản; hệ thống tự động sinh phụ đề video; các hệ thống trích chọn từ khóa, xây dựng tóm tắt, soát chính tả - ngữ pháp… cũng đang được thử nghiệm.
Theo đúng nguyên lý của hội tụ nền tảng, các hệ thống này được thiết dưới dạng module để dùng chung để có thể tích hợp trong tất cả các CMS, NPS của toàn ngành.
Ở đầu ra - khâu phân phối thông tin và là kênh tiếp cận trực tiếp với độc giả, có nhiều cách tiếp cận thông tin mới lần lượt ra đời như ứng dụng trả lời tự động (Chatbot) trên Báo Điện tử VietnamPlus, hay các sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí thị giác trên các sản phẩm điện tử của các tòa soạn; đồ họa, đồ họa tương tác của; hệ thống phân phối nội dung đa nền tảng (MediaHub) của VNEWS...
Hàng loạt sản phẩm báo chí hiện đại, sử dụng AI đã và đang được nhiều đơn vị trong TTXVN triển khai, như podcast, voice-to-text, loa thông minh ra lệnh bằng giọng nói, phân tích dữ liệu người dùng, gợi ý các nội dung yêu thích của người đọc theo dạng thư tòa soạn (Newsletter) hay tin tuyển chọn từ ban biên tập (Editors Picks); hoặc việc tiếp tục các kênh thông tin trên mạng xã hội, các ứng dụng di động để tăng độ tương tác với bạn đọc…
Ngoài ra, TTXVN cũng sử dụng nhiều công cụ đo lường hiện đại để kịp thời điều chỉnh nội dung cho phù hợp.
Đặc biệt, TTXVN chú trọng chiến lược Mobile First. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Reuters, 55% người đọc trên thế giới cho biết điện thoại thông minh là thiết bị chính để truy cập tin tức, so với 23% sử dụng máy tính xách tay.
Để nắm bắt xu hướng này, một số báo điện tử của TTXVN như VietnamPlus đã trình làng MiniApp trên nền tảng Zalo cùng bản Progressive WebApp, cho phép người dùng vào thẳng trang VietnamPlus trên phiên bản mobile bằng lối tắt thông qua icon trên màn hình điện thoại Android, thay vì phải vào trình duyệt. Đây là những bước đi nằm trong chiến lược ưu tiên cho thiết bị di động của báo điện tử nhằm tạo thuận lợi cho người dùng cũng như tăng cường khả năng tiếp cận công chúng một cách rộng rãi hơn.
Báo Điện tử VietnamPlus của TTXVN là đơn vị báo chí đầu tiên ở Việt Nam đăng tải các bài viết/video dạng WebStory, Shorts Video. Tin tức theo dạng ảnh/video không chỉ được hiển thị tối ưu trên điện thoại thông minh mà còn giúp người xem có trải nghiệm không ngắt mạch, tương tự cách trải nghiệm tin tức trên các nền tảng video dọc như Reels, Shorts hay Tiktok.
Không chỉ khẳng định vị thế với những thông tin nhanh chóng, chính xác, tin cậy, VietnamPlus còn là báo điện tử sáng tạo, đi tiên phong trong nhiều xu hướng báo chí truyền thông mới như: Đồ họa tương tác, Mega Story, RapNewsPlus, Chatbot, Podcast…
Có thể nói, cho đến nay, tất cả các đơn vị xuất bản trực thuộc TTXVN đã hoàn thiện và vận hành theo mô hình đầy đủ của toà soạn báo chí số. Việc áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp nêu trên là một trong những động lực chính giúp cho tổng số lượt truy cập hàng năm của các Báo, Trang Thông tin điện tử TTXVN tăng gần 100 lần so với 8 năm trước đây (năm 2014 là 15,8 triệu lượt, năm 2022 đạt 1,5 tỷ lượt). Không chỉ số lượng truy cập, các chỉ số quan trọng khác như thời gian trung bình của phiên, số trang/ phiên... cũng tăng vượt bậc từ 2 - 4 lần.
Ông Duẩn cho biết, hiện nay, TTXVN đang tiếp tục hoàn thiện và đi vào chiều sâu của mô hình truyền thông hội tụ, mô hình sản xuất đa phương tiện tập trung. Đồng thời với đó là việc tích hợp những ứng dụng công nghệ mới, nhất là công nghệ AI, nhằm xây dựng một “hệ sinh thái số” của TTXVN, từ đó phát triển thêm nhiều loại hình thông tin mới, nhiều kênh tiếp cận mới, nhiều gói thông tin mới đáp ứng nhu cầu đa dạng của công chúng; giúp các tòa soạn tiếp tục giữ được vị thế trong xu hướng CĐS mạnh mẽ hiện nay.
Một số khuyến nghị
Để CĐS báo chí, cũng như xây dựng mô hình tòa soạn số hiệu quả, từ thực tế triển khai ông Trần Tiến Duẩn đưa ra một số khuyến nghị cụ thể, trong đó nhấn mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất để xây dựng tòa soạn số, do tư duy làm báo truyền thống sẽ khó đáp ứng những yêu cầu, thách thức mới của kỷ nguyên số.
Báo cáo về CĐS báo chí do WAN-IFRA phát hành lần gần đây nhất - năm 2021 đã nêu rõ, muốn thúc đẩy nhanh quá trình CĐS, các tòa soạn cần thay đổi cơ cấu tổ chức, nhất là về nhân sự. Khi đó, trong tòa soạn sẽ không chỉ gồm các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên đơn thuần mà còn cần thêm các vị trí cho giám đốc sản phẩm, chuyên viên dữ liệu...
Thứ hai là đầu tư mạnh mẽ cho công tác nghiên cứu và phát triển, có cơ chế hợp tác với các công ty công nghệ. Công nghệ hiện nay đồng hành cùng báo chí, do vậy, các tòa soạn cần dành một khoản kinh phí nhất định cho việc phát triển, hoặc tìm hướng liên kết với các công ty công nghệ theo nguyên tắc hai bên cùng có lợi.
Thứ ba là đa dạng hóa, phát triển mô hình kinh tế báo chí bền vững. Để có chi phí đầu tư vào công nghệ, các tòa soạn cần đa dạng hóa nguồn thu, mở hướng kinh doanh dựa trên sản phẩm thế mạnh của mình, trong đó có doanh thu từ công chúng báo chí qua thu phí, tổ chức sự kiện, chiến dịch truyền thông với các sản phẩm báo chí hiện đại chất lượng phát trên nhiều kênh và đa nền tảng, kinh doanh dữ liệu…
Và cuối cùng là hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện đổi mới sáng tạo./.