Kiên Giang chủ động các biện pháp phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
Truyền thông - Ngày đăng : 16:22, 04/12/2023
Kiên Giang chủ động các biện pháp phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
Hiện nay, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Kiên Giang đã và đang chủ động các biện pháp phòng, chống thiên tai.
Chủ động công tác PCTT để giảm thiểu thiệt hại
Từ đầu năm 2023, do ảnh hưởng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, tỉnh Kiên Giang đã chịu ảnh hưởng hoàn lưu bão gây giông gió mạnh, mưa lớn trên diện rộng, lốc xoáy xảy ra ở nhiều nơi, biển động mạnh. Các hình thái thời tiết cực đoan này đã làm sập 142 căn nhà, gây thiệt hại khá lớn về người, tài sản, sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, lúa hè thu 2023 bị ngập tạm thời, đổ ngã 15.524,79ha.
Theo dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn, tình hình thiên tai các tháng cuối năm 2023 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện nhiều và có thể ảnh hưởng ở vùng biển Nam biển Đông trong các tháng cuối năm. Hiện tượng El Nino ảnh hưởng mạnh từ mùa khô 2023 - 2024 nên tình tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có nguy cơ xảy ra ở cấp độ cao, trên phạm vi rộng, kéo dài từ mùa khô năm 2023 - 2024 đến năm 2025.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã yêu cầu các cấp, các ngành và các địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các huyện, thành phố thường xuyên cập nhật kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với thiên tai đầy đủ, toàn diện với các kịch bản thiên tai, nhất là các tình huống mưa đặc biệt lớn trong thời gian ngắn.
Sở Nông nghiệp và PTNT thành lập Đoàn công tác, phối hợp với cùng các địa phương điều tra, xác minh thiệt hại về sản xuất lúa, hoa màu ở các địa phương; Căn cứ vào số liệu diễn biến thiên tai (lượng mưa, mực nước các trạm nội đồng) phạm vi ảnh hưởng, mức độ thiệt hại, báo cáo và đề xuất UBND tỉnh quyết định công bố tình huống thiên tai do mưa lớn; Hướng chỉ đạo khắc phục hậu quả, hỗ trợ khôi phục sản xuất bị thiệt hại do thiên tai…
Các sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan và địa phương chủ động chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo chức năng quản lý nhà nước được phân công. Chủ động bố trí nguồn lực, tăng cường đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai từ nguồn ngân sách địa phương, đảm bảo cơ bản đáp ứng được yêu cầu phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong thời gian tới.
Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn thông qua nhiều hình thức, nội dung nhằm phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, chống thiên tai theo phương châm “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”.
Nâng cao năng lực PCTT và TKCN
Hiện nay, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Kiên Giang đã và đang chủ động các biện pháp phòng, chống thiên tai. Cụ thể, các địa phương tập trung duy tu, sửa chữa các cống ngăn mặn, nạo vét hạ lưu các cống ven biển, đảm bảo việc ngăn mặn, giữ ngọt, thoát úng ngập phục vụ sản xuất nông nghiệp; Rà soát, đầu tư nâng cao khả năng chống chịu của công trình kết cấu hạ tầng, nhất là đê điều, hồ đập xung yếu nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa mưa bão, lũ, khu tránh trú bão cho tàu thuyền, di dời dân cư khẩn cấp khỏi vùng thiên tai, khu vực có nguy cơ sạt lở cao.
Các địa phương rà soát, kiểm tra, thực hiện tỉa cành cây, chằng chống lại các cây bị nghiêng hoặc đốn hạ những cây có nguy cơ đổ ngã, chằng chống các bảng quảng cáo không an toàn ở các khu vực đô thị huyện, thành phố, khu đông dân cư. Ngành chức năng cùng các địa phương triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa bão, kiểm tra, rà soát, xử lý khắc phục các tuyến, công trình giao thông gây cản trở thoát lũ và đảm bảo an toàn tàu vận tải khi xảy ra bão, lũ, áp thấp nhiệt đới và chuẩn bị sẵn sàng phương án khắc phục sau thiên tai.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nâng cao năng lực về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Chủ động ứng phó, duy trì lực lượng, phương tiện trực sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của Trung ương đóng trên địa bàn để huy động nhân lực, phương tiện, trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Các đơn vị bộ đội Biên phòng tỉnh duy trì nghiêm các chế độ trực, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển. Các đơn vị Biên phòng đảm bảo tốt thông tin kịp thời tình hình thời tiết cho các phương tiện hoạt động trên biển tìm nơi tránh trú an toàn khi có bão, áp thấp nhiệt đới, kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền ra vào các cửa sông, cửa biển…