Miền núi phía Bắc tập trung các phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai
Truyền thông - Ngày đăng : 16:23, 01/12/2023
Miền núi phía Bắc tập trung các phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai
Để chủ động ứng phó thiên tai hiệu quả, các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc tập trung xây dựng phương án ứng phó kịp thời
Khu vực còn nhiều khó khăn khi ứng phó thiên tai và cứu hộ, cứu nạn
Những năm trở lại đây, khu vực miền núi phía Bắc thường xảy ra một số đợt rét đậm, rét hại, dông lốc, sét, mưa đá. Đặc biệt là khi bước vào mùa mưa, một số địa phương đã xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét gây thiệt hại về người và tài sản.
Thực tế cho thấy, thiên tai diễn ra thường xuyên tại khu vực miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý, đây cũng là khu vực công tác phòng chống thiên tai vẫn còn nhiều khó khăn khi nhận thức, kỹ năng phòng chống thiên tai của cộng đồng ở một số nơi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa còn khá hạn chế. Việc cung cấp và tiếp nhận thông tin về thiên tai đối với người dân ở những nơi có nguy cơ cao nhất là vùng sâu, vùng xa chưa được thường xuyên, kịp thời.
Một điểm đáng chú ý nữa, đây cũng là khu vực dân số gia tăng, thiếu nơi ở, nơi sản xuất an toàn. Còn nhiều hộ dân, người dân sống ở những nơi có nguy cơ mất an toàn chưa được bố trí di dời do thiếu quỹ đất và nguồn lực tài chính. Cùng với đó, với đồng bào các dân tộc vùng cao thường có thói quen tập tục sinh sống ven sông suối, trên đất dốc, là những nơi dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Trong khi đó, công tác dự báo, cảnh báo, giám sát thiên tai tuy đã có những bước cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhất là dự báo, cảnh báo lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và mưa cực đoan trong phạm vi hẹp.
Hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung và hạ tầng phòng chống thiên tai trong khu vực còn thiếu đồng bộ, khả năng chống chịu hạn chế. Một số công trình hư hỏng, xuống cấp do thiên tai và khi xảy ra thiên tai dễ bị chia cắt, cô lập; Điện lưới thông tin liên lạc gián đoạn. Thực tế trong khu vực còn thiếu phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng để theo dõi, nắm bắt tình hình thiên tai, tiếp cận hiện trường cung cấp thông tin cũng như triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn.
Tập trung xây dựng phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai tại các địa phương
Để chủ động ứng phó thiên tai hiệu quả, các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc tập trung xây dựng phương án ứng phó kịp thời; thường xuyên kiểm tra, rà soát các vùng, điểm dân cư trọng yếu có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, xói, lở đất, ngập úng... từ đó chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, xử lý hiệu quả các tình huống có thể xảy ra. Đặc biệt, để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” khắc phục kịp thời hậu quả mưa bão, từ kinh nghiệm ứng phó mưa lũ để xây dựng mô hình điểm đội xung kích phòng chống thiên tai tại một số xã, thôn, bản với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt; Các đoàn thể địa phương là thành viên và toàn bộ các gia đình trong xã, bản phải cử người tham gia đội xung kích, để cùng tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả hay ứng cứu. Căn cứ kết quả thực hiện mô hình điểm, địa phương sẽ xem xét nhân rộng mô hình tại tất cả xã, bản.
Để chủ động trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai tại các địa phương, các tỉnh đã chủ động huy động nguồn lực khắc phục hậu quả; Kiểm tra, rà soát lại các vùng có nguy cơ sạt lở, di dời các hộ dân trong khu vực nguy hiểm; Kiểm soát chặt chẽ các khu vực ngầm tràn; Sẵn sàng các phương án để đảm bảo tính mạng, tài sản của nhân dân; Đảm bảo an toàn các hồ đập tránh rủi ro có thể xảy ra; Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức nhân dân trong chủ động phòng, chống thiên tai; Các cơ quan trung ương phối hợp với địa phương rà soát, đánh giá, phân tích nguyên nhân xảy ra thiệt hại để có định hướng và tìm hướng khắc phục hiệu quả. Trọng tâm nhất là nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo và cung cấp thông tin kịp thời cho địa phương, cho Nhân dân để có sự chủ động hơn trong công tác phòng, chống thiên tai.
Đồng thời, các địa phương nhất là những địa bàn thường xảy ra lũ ống, lũ quét tăng cường đẩy mạnh công tác đào tạo tập huấn, thông tin truyên truyền nâng cao nhận thức; Tăng cường năng lực cho cộng đồng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và quản lý rủi ro thiên tai; Ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ để xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển sinh kế bền vững, giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng; Tăng cường phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để chuyển giao quy trình công nghệ, kinh nghiệm trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong thời gian tới, để giảm thiểu những rủi ro thiên tai, các địa phương khu vực miền núi phía Bắc cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, tập trung chỉ đạo và chủ động triển khai có hiệu quả một số nhiệm vụ như: Thực hiện đầy đủ nội dung Luật Phòng chống thiên tai sửa đổi và các văn bản hướng dẫn, Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết 76/NQ-CP của Chính phủ, Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo, các bộ ngành về phòng, chống thiên tai; Kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp.
Đặc biệt, các địa phương chú trọng phương án di dời, sơ tán đảm bảo an toàn cho người và tài sản ở khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt...; Kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều, hồ đập nhất là các hồ đập nhỏ, xung yếu trước mùa mưa lũ, phát hiện, xử lý kịp thời các hư hỏng, sự cố để đảm bảo an toàn. Các địa phương chỉ đạo triển khai hoạt động thông tin truyền thông phù hợp với điều kiện cụ thể của mình; Thực hiện nghiêm công tác thường trực, trực ban tại Văn phòng thường trực Ban chỉ huy các cấp…