Đà Nẵng nâng cao năng lực ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
Truyền thông - Ngày đăng : 16:23, 02/12/2023
Đà Nẵng nâng cao năng lực ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
Đà Nẵng là thành phố ven biển của Việt Nam, thường xuyên hứng chịu ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là bão. Để triển khai thực hiện tốt các kế hoạch của Đề án Phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 của Chính phủ, Đà Nẵng đã chủ động xây dựng và thực thi các công tác phòng, chống, ứng phó với sự cố thiên tai (ƯPSCTT).
Theo đó, giám đốc các sở, ban, ngành, các đơn vị lực lượng vũ trang, Chủ tịch UBND các quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục triển khai thực hiện triển khai các giải pháp phòng chống mưa, lũ, lụt, sạt lở cùng các công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN).
Chủ động xây dựng và thực thi các công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai
Theo báo cáo, bình quân mỗi năm thành phố chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp 2-3 cơn bão, 2-3 đợt lũ, lụt lớn trên mức báo động III. Bão ở Đà Nẵng thường xuất hiện ở từ tháng 9 đến tháng 12, có lúc tháng 4 và tháng 1 năm sau vẫn có bão. Bão thường kèm theo mưa lớn nên gây ngập lụt. Lũ xuất hiện chủ yếu từ tháng 9 đến tháng 12.
Ngay sau các đợt thiên tai, Thường trực Thành ủy, HĐND thành phố và UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo các sở, ban ngành và Chủ tịch UBND các quận, huyện và các đơn vị theo chức năng nhiệm vụ, địa bàn quản lý để khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.
Hằng năm, UBND thành phố đều ưu tiên bố trí ngân sách để sửa chữa, xây dựng và củng cố đê, kè, kênh mương, hồ chứa thủy lợi, sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực trọng yếu. Bên cạnh đó, Quỹ Phòng, chống thiên tai cũng là nguồn kinh phí rất quan trọng, để chi hỗ trợ cho hoạt động phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai của thành phố. Năm 2022, về cơ bản UBND thành phố bố trí đảm bảo nguồn lực cho công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời.
Để chủ động phòng chống, ứng phó hiệu quả với thiên tai và các tình huống tai nạn, thảm họa do thiên tai gây ra năm 2023, ngày 12/5/2023 Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về công tác phòng, chống thiên tai và TKCN năm 2023, theo đó phân công nhiệm vụ cụ thể theo chức năng nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, quận huyện.
Thành phố đã củng cố, kiện toàn 76 đội cứu hộ, cứu nạn kiêm nhiệm của các cơ quan, địa phương, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang thành phố (Cơ quan Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố 4 đội cứu hộ, cứu nạn; cấp quận, huyện 14 đội và cấp phường, xã 56 đội; Trung, Tiểu đoàn: Mỗi đơn vị 1 đội).
Hiện nay, 56 xã, phường trên địa bàn thành phố đã thành lập đội xung kích phòng, chống thiên tai theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai về xây dựng và củng cố đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã.
Huy động các nguồn lực chung tay ƯPSCTT và TKCN
Để chủ động phòng, chống, ứng phó với thiên tai, giám đốc các sở, ban, ngành, các đơn vị lực lượng vũ trang, Chủ tịch UBND các quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Công văn số 6786/UBND-SNN về triển khai các giải pháp phòng chống mưa, lũ, lụt, sạt lở trên địa bàn thành phố; Chỉ thị số 03/CT-UBND về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023.
Theo đó, UBND các quận, huyện kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại ven sông, suối, ven biển, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn; Kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở đất, đá, sơ tán dân khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về người, tài sản của nhà nước và nhân dân; Chú ý các khu vực đồi núi tại huyện Hoà Vang, bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang), khu vực Nam Hải Vân (phường Hoà Hiệp Bắc). Đồng thời, có phương án hỗ trợ tái định cư, ổn định đời sống cho các hộ dân phải di dời.
Phối hợp với các Sở Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triên nông thôn, các Ban quản lý dự án xây dựng chuyên ngành và các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan kiểm tra công tác bảo đảm an toàn tại các công trường đang xây dựng, nhất là các công trình xây dựng ở khu dân cư ven sông, suối, kênh, sườn dốc, nằm dưới chân đồi, núi; Đình chỉ việc xây dựng công trình nếu không bảo đảm an toàn hoặc có nguy cơ gây sạt lở, ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ.
Cần phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng và các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân kỹ năng nhận biết dấu hiệu có thể xảy ra sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển để người dân chủ động sơ tán, di dời trước khi sạt lở xảy ra.
Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tiếp tục triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển và thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 trên địa bàn thành phố.
Sở Du lịch thông tin kịp thời diễn biến của thiên tai, sạt lở đất đến du khách trên địa bàn thành phố và có biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn để chủ động phòng tránh; Phối hợp các địa phương có giải pháp đảm bảo an toàn cho các hoạt động du lịch, phương tiện, du khách... khi thiên tai, sạt lở đất xảy ra.
Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của ngành; Sẵn sàng bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở đất, khu vực xung yếu để kịp thời ứng cứu khi có tình huống thiên tai, sự cố xảy ra; Quản lý, xây dựng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa nước do đơn vị quản lý và phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với đơn vị vận hành trong quá trình khai thác, sử dụng.
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ nâng cao công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai nguy hiểm, diễn biến nhanh và sức tàn phá lớn như mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, đá, đồng thời thông tin sớm nhất đến các cấp chính quyền và người dân để kịp thời triển khai ứng phó và phòng tránh.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, sạt lở, chủ động thông báo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai, sạt lở đất, đá gây ra…