Cuộc chiến với tội phạm sử dụng công nghệ cao

Truyền thông - Ngày đăng : 09:00, 06/12/2023

Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với các nhà mạng viễn thông chuẩn hóa thông tin thuê bao; Yêu cầu khóa hai chiều và thu hồi sim đã kích hoạt sẵn; Tăng cường định danh cuộc gọi cho cơ quan nhà nước.
Truyền thông

Cuộc chiến với tội phạm sử dụng công nghệ cao

PV 06/12/2023 09:00

Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với các nhà mạng viễn thông chuẩn hóa thông tin thuê bao; Yêu cầu khóa hai chiều và thu hồi sim đã kích hoạt sẵn; Tăng cường định danh cuộc gọi cho cơ quan nhà nước.

Sim rác và các cuộc gọi điện thoại lừa đảo

Theo Bộ Công an, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản có nhiều diễn biến phức tạp, với các phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi và có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau, gây thiệt hại lớn về tài sản cũng như bức xúc trong nhân dân. Lực lượng công an toàn quốc đã triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm. Qua đó, nắm được thủ đoạn, phương thức phạm tội của các đối tượng chủ yếu bằng việc gọi điện thoại trực tiếp cho bị hại để đánh vào tâm lý nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

anh-ttcs-28.png
Ảnh minh họa

Tội phạm thường mạo danh là giáo viên, nhân viên y tế nhà trường hoặc nhân viên y tế bệnh viện liên hệ trực tiếp với phụ huynh học sinh báo tin về việc học sinh, người nhà bị tai nạn, đang nhập viện cấp cứu, yêu cầu phải nhanh chóng chuyển tiền để đóng viện phí, cấp cứu bệnh nhân, từ đó chiếm đoạt tài sản; Giả danh cán bộ của các cơ quan như công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Hải quan… bịa đặt thông tin người được gọi liên quan đến một vụ việc đang bị điều tra, dùng lời lẽ đe dọa, khiến người được gọi hoang mang, buộc phải chuyển tiền hoặc gửi các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP… từ đó chiếm đoạt tài sản của bị hại.

Hình thức lừa đảo phổ biến những ngày cuối năm này là giả danh người của các công ty, doanh nghiệp, ngành nghề (Bưu điện, xổ số, du lịch, giải trí…) gọi điện, nhắn tin cho người dân thông báo trúng thưởng, được tặng quà có giá trị cao hoặc có bưu phẩm từ nước ngoài gửi về; Yêu cầu muốn nhận phần thưởng thì phải mua một sản phẩm hoặc chuyển trước một khoản tiền; Dụ người nghe điền các thông tin cá nhân vào các đường link website giả mạo do các đối tượng gửi đến, từ đó chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tài sản của các bị hại.

Một kiểu lừa đảo nữa là mạo danh nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng... để hỗ trợ giải quyết các sự cố cho khách hàng hoặc hướng dẫn bị hại cách nâng cấp sim 4G, 5G, đóng cước phí thuê bao điện thoại. Khi lấy được lòng tin của bị hại chúng sẽ yêu cầu cung cấp dãy số OTP được gửi đến điện thoại của của họ, cung cấp số tài khoản ngân hàng... để từ đó chiếm đoạt tài sản.

Tăng cường truyền thông đến người sử dụng, hạn chế cuộc gọi không mong muốn

Thời gian qua đã có sự phối hợp, chung tay giữa cơ quan quản lý, các nhà mạng và đại lý sim, góp phần giảm thiểu tình trạng sim rác, cuộc gọi không mong muốn. Cụ thể, tháng 9/2023 có 1,4 triệu thuê bao, đến tháng 10/2023 đã giảm còn 1,23 triệu thuê bao. Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các nhà mạng viễn thông tiếp tục chuẩn hóa thông tin thuê bao; Yêu cầu khóa hai chiều và thu hồi sim đã kích hoạt sẵn; Tăng cường định danh cuộc gọi cho cơ quan nhà nước. Đây là các biện pháp đã và sẽ được triển khai quyết liệt. Đồng thời, Bộ cũng khẩn trương xây dựng Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông, quy định rõ các quy định liên quan đến nội dung này.

Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục truyền thông đến người sử dụng để nâng cao ý thức, tránh nhấn vào đường link lạ; Không cung cấp số tài khoản, mật khẩu cá nhân. Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường gửi tin nhắn truyền thông đến người dùng. Các doanh nghiệp rà soát hệ thống cơ sở dữ liệu, giám sát thuê bao mới vào mạng, thuê bao sở hữu nhiều sim, nhắn tin vượt quá số lượng tin nhắn trung bình hàng ngày của nhà mạng. Nếu người dân nhận được tin nhắn, cuộc gọi bất thường cần thông tin đến tổng đài 5656 của Cục An toàn thông tin để được hỗ trợ.

Bộ Thông tin và Truyền thông giao Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Cục Viễn thông, các doanh nghiệp viễn thông tiếp nhận và xử lý yêu cầu tra cứu thông tin tên miền bằng phương thức nhắn tin qua đầu số 156; Thống nhất cách thức kết nối, trao đổi thông tin giữa hệ thống của doanh nghiệp và hệ thống của VNNIC; Quy trình tiếp nhận, lưu trữ, chuyển tiếp, xử lý yêu cầu tra cứu thông tin tên miền bằng phương thức nhắn tin qua đầu số 156.

Khi nhận được cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân phản ánh tới đầu số 156 thông qua hai cách, gửi tin nhắn hoặc gọi điện thoại tới đầu số 156 như sau:

Cách 1: Khách hàng gửi tin nhắn (miễn phí) tới đầu số 156, đối với tin nhắn rác, soạn tin theo cú pháp: S (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).

Đối với cuộc gọi có dấu hiệu gọi rác, khách hàng soạn tin theo cú pháp: V (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).

Đối với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, khách hàng soạn tin theo cú pháp: LD (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).

Cách 2: Khách hàng gọi tới đầu số 156 (miễn phí) để cung cấp thông tin (Về số điện thoại vừa thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu thực hiện cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo; Trích dẫn một số nội dung có liên quan...). Nội dung phản ánh theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng của các nhà mạng. Từ đó, sẽ yêu cầu xác thực lại thông tin thuê bao, xử lý vi phạm nếu thông tin thuê bao không đúng quy định theo Điểm e, Khoản 7 Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP (Tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều, tiếp theo tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều nếu không thực hiện và tiếp theo là thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông).

Các nhà mạng sẽ có biện pháp sàng lọc, xác minh, thông báo tới cơ quan quản lý nhà nước của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để có biện pháp xử lý kịp thời.

PV