Việt Nam nỗ lực ứng phó tích cực, linh hoạt với biến đổi khí hậu

Đời sống - Ngày đăng : 09:02, 11/12/2023

Việt Nam được xác định là một trong số những quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). Chủ động ứng phó với BĐKH là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.
Đời sống

Việt Nam nỗ lực ứng phó tích cực, linh hoạt với biến đổi khí hậu

QH 11/12/2023 09:02

Việt Nam được xác định là một trong số những quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). Chủ động ứng phó với BĐKH là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.

BĐKH có tác động lớn đến môi trường sống cũng như sinh kế của con người, do đó trở thành thách thức nghiêm trọng đối với sự tồn vong của nhân loại. Theo báo cáo về BĐKH ở Việt Nam, với kịch bản nhiệt độ tăng lên và nước biển dâng thêm 1m, Việt Nam sẽ có thể bị mất 5% diện tích đất liền tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5ºC và 2ºC thì thiệt hại trực tiếp đối với GDP của Việt Nam sẽ tương ứng là 4,5% và 6,7%. Mực nước biển dâng cũng dẫn tới sự sụt giảm diện tích trồng lúa gạo, như mực nước biển dâng là 60cm có thể dẫn đến sự sụt giảm diện tích trồng lúa lên tới hơn 50% tại một số địa phương, đe dọa an ninh lương thực của đất nước.

BĐKH là vấn đề toàn cầu đòi hỏi nỗ lực ứng phó của từng quốc gia cũng như sự hợp tác chặt chẽ của cộng đồng quốc tế. Là một trong những quốc gia chịu tác động lớn từ BĐKH Việt Nam đã có nhiều nỗ lực ứng phó tích cực, linh hoạt.

tai-xuong-2-(1).jpg

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh về vấn BĐKH trong Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị COP28 tổ chức tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất). BĐKH vấn đề có tác động, ảnh hưởng đến toàn cầu và là vấn đề của toàn dân. Để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, cần có nhận thức, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, chủ động, tích cực, thiết thực và hiệu quả hơn và hành động thống nhất mang tính toàn cầu. Nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu cần đa dạng hóa kết hợp công và tư, trong và ngoài, song phương và đa phương và các nguồn lực hợp pháp khác, nhất là nguồn lực tư nhân.

Kể từ Hội nghị COP26 đến nay, với trách nhiệm đối với toàn cầu và toàn dân, Việt Nam đã triển khai toàn diện hàng loạt biện pháp về biến đổi khí hậu theo ba nhóm giải pháp.

Thứ nhất, là về xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện như ban hành Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh, Quy hoạch Điện VIII, phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, xây dựng hệ sinh thái năng lượng tái tạo.

Thứ hai, là thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), thành lập Ban Thư ký và công bố Kế hoạch thực hiện và Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP, ban hành và thực hiện Kế hoạch phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Thứ ba, là về xây dựng thể chế, như việc xây dựng Luật Dầu khí, hoàn thiện Luật Đất đai, Luật Điện lực theo hướng hỗ trợ kiến tạo phát triển năng lượng tái tạo, cũng như đang xây dựng, hoàn thiện Nghị định mua bán điện trực tiếp, xử lý các dự án điện tái tạo và các vấn đề tồn đọng, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

images-1-.jpg

Đặc biệt trong Hội nghị COP28 vấn đề ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc. Thông qua Quỹ tổn thất và thiệt hại được khởi động và là bước tiến lịch sử trong vấn đề biến đổi khí hậu.

Quỹ đã nhận được những cam kết tài chính đầu tiên, từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Anh và Nhật Bản, với số tiền hơn 420 triệu USD. Quỹ là khoản ngân sách đầu tiên của Liên hợp quốc dành riêng để giải quyết những thiệt hại không thể khắc phục được bởi hạn hán, lũ lụt và mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu. Theo giới chức châu Âu, những khoản đóng góp đầu tiên dự kiến tài trợ cho các dự án thí điểm. Quỹ là khoản ngân sách đầu tiên dành riêng để giải quyết những thiệt hại không thể khắc phục được bởi hạn hán, lũ lụt và mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu.

Lời kêu gọi xây dựng quỹ khắc phục thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra đã được đưa ra cách đây hơn 30 năm, song phải đến COP27 năm 2022 ở Ai Cập, thỏa thuận về việc thành lập Quỹ tổn thất và thiệt hại mới được nhất trí.

Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), hơn 60% số người được hỏi ở EU và Mỹ cho rằng, các quốc gia này nên tài trợ cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Khảo sát của EIB cho thấy sự đồng thuận cao của người dân trong vấn đề tài trợ cho nỗ lực bảo vệ hành tinh xanh. Sự đóng góp tài chính của các nước giàu có thể giúp cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nhân loại tăng tốc và sớm về đích. Mặc dù quá trình vận hành Quỹ tổn thất và thiệt hại dự kiến còn đối mặt nhiều khó khăn, song bước tiến mạnh mẽ tại COP28 là cơ sở quan trọng để các nước sớm tìm được lời giải cho bài toán hóc búa về tài chính khí hậu.

Theo đó, các nước giàu, có lượng phát thải lớn phải bồi thường thiệt hại cho các nước đang phát triển phải gánh chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan. Trong hơn một năm qua, các cuộc đàm phán triển khai quỹ đối mặt nhiều khó khăn do bất đồng giữa các nước liên quan cách thức thành lập, vận hành, nguồn vốn và điều kiện để được nhận hỗ trợ.

Thích ứng với biến đổi khí hậu là ưu tiên của Việt Nam, giảm phát thải khí nhà kính vừa là trách nhiệm vừa là cơ hội để Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam trong khả năng của mình sẽ ưu tiên thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, cùng cộng đồng quốc tế giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế các-bon thấp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ và đang tích cực triển khai các hành động khí hậu, kêu gọi các nước phải thực hiện các cam kết bằng những hành động cụ thể để đóng góp vào nỗ lực chung của toàn cầu.

QH