Tăng trưởng xanh để ứng phó với biến đổi khí hậu
Xã hội @ - Ngày đăng : 09:03, 11/12/2023
Tăng trưởng xanh để ứng phó với biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu cùng với tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, làm thay đổi các hệ sinh thái tự nhiên, đời sống kinh tế - xã hội trở thành những thách thức lớn của nhân loại trong thế kỷ 21.
Năm 2023 được dự đoán rộng rãi là năm nóng nhất được ghi nhận. Và khi thế giới tiếp tục ấm lên, những đợt nắng nóng thậm chí còn thường xuyên và dữ dội hơn dự kiến sẽ xảy ra. Nắng nóng được cho là đã gây ra hơn 70.000 ca tử vong ở châu Âu trong mùa hè năm ngoái, các nhà nghiên cứu cho biết trong tuần này, điều chỉnh con số trước đó tăng từ 62.000.
Theo một báo cáo của Lancet Countdown, một liên minh gồm 35 tổ chức, trong đó có WHO và Ngân hàng thế giới (WB), năm 2022 chứng kiến con người tiếp xúc với nhiệt độ trung bình "đe dọa tính mạng" trong 86 ngày liên tiếp. Cùng với đó, số người trên 65 tuổi thiệt mạng vì nắng nóng đã tăng 85% từ giai đoạn 1991-2000 đến 2013-2022.
Lancet Countdown dự báo, nếu nhiệt độ trái đất đi theo kịch bản ấm lên 2 độ C, số người chết vì nắng nóng mỗi năm sẽ tăng gấp 5 lần vào năm 2050. Cùng với đó, hạn hán nhiều hơn cũng sẽ thúc đẩy nạn đói gia tăng, khiến 520 triệu người nữa sẽ gặp phải tình trạng mất an ninh lương thực vừa hoặc nghiêm trọng vào năm 2050.
Biến đổi khí hậu cũng làm dịch chuyển các vùng khí hậu, tăng tần suất và mức độ ảnh hưởng của thiên tai. Các hiện tượng thời tiết cực đoan khác như bão, lũ lụt và hỏa hoạn - hệ quả của nền nhiệt tăng - sẽ tiếp tục đe dọa người dân trên toàn thế giới.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Theo kịch bản gần đây nhất, nhiệt độ trung bình ở nước ta sẽ tăng lên ở mức khoảng 30C, mực nước biển dâng lên khoảng 0,6 m đến 1,0 m vào cuối thế kỷ 21. Biến đổi khí hậu cũng làm dịch chuyển các vùng khí hậu, tăng tần suất và mức độ ảnh hưởng của thiên tai như: Bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn... tác động nhiều mặt tới sản xuất và đời sống, nhất phát triển nông nghiệp truyền thống, an ninh nguồn nước và lương thực ở nước ta.
Biến đổi khí hậu có tác động lớn đến môi trường sống cũng như sinh kế của con người, do đó trở thành thách thức nghiêm trọng đối với sự tồn vong của nhân loại. Khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5ºC và 2ºC thì thiệt hại trực tiếp đối với GDP của Việt Nam sẽ tương ứng là 4,5% và 6,7%. Mực nước biển dâng cũng dẫn tới sự sụt giảm diện tích trồng lúa gạo, như mực nước biển dâng là 60cm có thể dẫn đến sự sụt giảm diện tích trồng lúa lên tới hơn 50% tại một số địa phương, đe dọa an ninh lương thực của đất nước.
Hiện tại, trên thế giới có hơn 30 vệ tinh khí tượng, 200 vệ tinh nghiên cứu, 10.000 trạm thời tiết bề mặt thủ công và tự động, 10.000 trạm thám không, 7.000 tàu, hơn 1.100 phao, hàng trăm ra-đa thời tiết và 3.000 máy bay thương mại được trang bị thiết bị chuyên dùng để đo đạc các thông số của khí quyển, đất và bề mặt đại dương mỗi ngày. Những thông tin quan trắc này được cung cấp miễn phí cho mọi quốc gia trên thế giới, nhằm cảnh báo sớm những thông tin biến động về thời tiết, khí tượng thủy văn.
Hiện nay ở Việt Nam công tác dự báo, cảnh báo sớm về thiên tai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững đã tương đối chính xác, cụ thể, đã rút được kinh nghiệm. Đã và đang áp dụng kinh nghiệm thực tế của các nước trong khu vực và trên thế giới về dự báo. Tổng cục Khí tượng thủy văn đã ban hành các quyết định về loại, thời hạn và nội dung bản tin cho các đơn vị thuộc hệ thống dự báo quốc gia, trong đó nhấn mạnh tất cả các loại bản tin phải cung cấp các thông tin về khả năng tác động của các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn và thiên tai đối với môi trường, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng và các hoạt động kinh tế - xã hội.
Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đang dần chuyển mạnh từ thích ứng sang giảm phát thải khí nhà kính, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, các-bon thấp, đặc biệt là nước ta đã rất mạnh mẽ đưa ra cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra ở Việt Nam trong những năm gần đây có xu hướng giảm. Các biện pháp bảo vệ môi trường nhận được sự quan tâm lớn của toàn xã hội, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường được thực hiện nghiêm. Môi trường từ đô thị tới nông thôn, khu cụm công nghiệp, làng nghề có nhiều chuyển biến tích cực.
Nhận thức rõ tác động của biến đổi khí hậu, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai Đề án Phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030 định hướng đến năm 2044 nhằm thúc đẩy tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động; Nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó xác định phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, liên tục cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.