Báo chí chuyển đổi số để tiếp cận thế hệ độc giả sinh ra trong thời đại công nghệ
Truyền thông - Ngày đăng : 09:05, 10/12/2023
Báo chí chuyển đổi số để tiếp cận thế hệ độc giả sinh ra trong thời đại công nghệ
Các độc giả trẻ không truy cập trực tiếp và website báo điện tử hay xem tin tức trên truyền hình cáp. Vì thế, để tiếp cận đối tượng độc giả này, các tòa soạn phải thay đổi để thích nghi với thế hệ độc giả sinh ra trong thời đại công nghệ và mạng xã hội.
Các tòa soạn báo phải phát triển sản phẩm và mối quan hệ với Gen Z và Gen Alpha, giống như các công ty công nghệ và nền tảng xã hội - những đơn vị năng động đã nhận ra điều đó từ lâu và có chiến lược chuyển đổi để thích nghi. Theo trang journalism.co.uk, các cơ quan báo chí cần tập trung vào việc phát triển các sản phẩm phù hợp và mối quan hệ trực tiếp với những người dưới 26 tuổi.
“Nói ngôn ngữ” của giới trẻ
Để có thể tiếp cận những độc giả trẻ này, nhà báo phải “nói ngôn ngữ của họ”. Nghĩa là, theo Danuta Breguła, cựu giám đốc chiến lược đăng ký thu phí tại Gazeta Wyborcza ở Ba Lan và đồng tác giả báo cáo "How Publishers Can Grow With Today’s Youth", cho rằng các công ty số hiện đại như Vinted, Klarna hay Tinder đều hiểu được điều này và đã thiết lập chiến lược truyền thông phù hợp với người trẻ ngày nay.
Các công ty này đã định hình kỳ vọng của người dùng trẻ bằng cách khai thác trực tiếp các giá trị của họ: tính tương đối, tính cá nhân hóa, tính xác thực và giá trị thực tế.
Trong bối cảnh đó, báo chí chỉ là một dịch vụ khác dành cho nhiều người trẻ, một dịch vụ cho đến nay vẫn chưa thực sự có các chiến lược nhắm mục tiêu đến đối tượng này. “Niềm tin phổ biến rằng một ngày nào đó người trẻ sẽ trưởng thành và bắt đầu hành động giống như các thế hệ trước là hơi ngây thơ hoặc kiêu ngạo. Những người trẻ tuổi sẽ trở nên nghiêm túc theo thời gian, nhưng có lẽ sẽ không giống thế hệ trưởng thành hiện nay”, Breguła nói.
Nền tảng truyền thông xã hội TikTok là thương hiệu được Gen Z yêu thích nhất, tiếp theo là Discord và Snapchat. Trung bình, những người trẻ tuổi dành 52 phút mỗi ngày với các ứng dụng này, khoảng 10-15 phút mỗi phiên.
Người trẻ cũng có những kỳ vọng khác so với thế hệ trước. Ví dụ, họ thường thích sử dụng một ứng dụng để giải quyết vấn đề hơn là gọi đến đường dây trợ giúp. Breguła cho biết, trải nghiệm của người dùng là quan trọng nhất, trong báo chí cũng vậy. Các độc giả trẻ ngày nay ít khi cố ý truy cập vào trang web báo điện tử để đọc tin tức, vì vậy tòa soạn báo phải tham gia mạng xã hội để tiếp cận và dẫn dắt lớp độc giả này đến với những bài viết của họ.
Độc giả trẻ cũng sẽ dễ dàng hủy nút đăng ký trả tiền đọc báo. Tuy nhiên, họ không biến mất mãi mãi. Các tòa soạn vẫn có thể giành lại họ nếu chứng minh rằng tòa soạn đã làm việc dựa trên phản hồi xung quanh trải nghiệm và nội dung của người dùng.
Câu chuyện về xu hướng tiêu thụ tin tức của các độc giả trẻ thể hiện rõ nét qua việc Lil Nas X thông báo biểu diễn buổi hòa nhạc trực tiếp trên Roblox, người dùng Gen Z ban đầu không biết về buổi biểu diễn trên các báo chí truyền thống như The New York Times hoặc trên CNN.
Họ phát hiện ra thông báo này trong chức năng trò chuyện trực tiếp (live chat) của nền tảng Roblox - một vũ trụ ảo. Lil Nas X là nghệ danh của Montero Lamar Hill, một rapper, ca sĩ và nhạc sĩ người Mỹ. Và buổi biểu diễn đã được lan truyền thành công. Hơn 35 triệu người dùng đã xem sự kiện trực tiếp trên metaverse cộng đồng và trò chơi vào năm 2020.
Điều đó cho thấy không có gì ngạc nhiên khi các nhà truyền thông đang chú ý đến mối quan hệ giữa PR và Thế hệ Z. Các phương pháp quảng cáo truyền thống sẽ không thành công khi cố gắng tiếp cận nhóm tuổi này.
Gen Z không xem các chương trình phát sóng tin tức trên mạng hoặc truyền hình cáp hoặc nhận tin tức từ báo chí hoặc thậm chí các trang web truyền thông, báo điện tử. Do đó, thay đổi là yêu cầu tất yếu của các cơ quan báo chí nếu muốn tiếp cận khối lượng độc giả trẻ đang ngày càng trở thành một cơ sở người dùng lớn của báo chí - và để tiếp tục tồn tại, cạnh tranh trong thế giới mới.
Ứng dụng AI vào báo chí qua lăng kính GenZ
Câu chuyện thu hút độc giả trẻ đã được IN/LAB có trụ sở tại Stockholm chia sẻ với Hiệp hội thế giới các nhà xuất bản tin tức WAN-IFRA. “Điều quan trọng là chúng tôi thường xuyên nói chuyện với khán giả GenZ của mình - chúng tôi không nói về họ mà nói với họ. Chúng tôi không vui khi nói chuyện với họ, nhưng họ rất vui khi nói chuyện với chúng tôi”, đây là nguyên tắc mà IN/LAB vận hành trong quá trình chuyển đổi số, loại bỏ các hình thức sản xuất và tiêu thụ tin tức truyền thống.
Agnes Stenbom, Giám đốc IN/LAB, đã tham gia Đại hội Truyền thông Tin tức Thế giới 2023 của WAN-IFRA và chia sẻ về cách họ đang khám phá cơ hội trong sự giao thoa giữa báo chí và công nghệ, theo những cách gây được tiếng vang với khán giả GenZ.
Stenbom cho rằng các công ty truyền thông tin tức nên bắt đầu suy nghĩ về những cách thức phân phối tin tức mới bởi vì tương lai có thể khác với quá khứ. Để giải quyết thách thức này, nhóm IN/LAB cho rằng điều quan trọng là nhà xuất bản phải bắt đầu nói chuyện với khán giả trẻ, những người không tiêu thụ nội dung như cách truyền thống.
Một dự án IN/LAB minh họa cho phương pháp này là chương trình News Changemaker. Nhóm đã tuyển dụng 10 thanh thiếu niên, tuổi từ 16 - 19, để tạo nguyên mẫu cho những trải nghiệm tin tức trong tương lai.
“Chúng tôi muốn nói chuyện với nhóm này - không phải nói chuyện “về họ” mà là “với họ”. Vì vậy, chúng tôi đã cùng làm việc với họ”, cô nói.
Stenbom lưu ý rằng AI đóng một vai trò cơ bản trong cách những người trẻ tuổi này nhìn nhận về những trải nghiệm tiêu thụ tin tức trong tương lai. Và nhóm đã thiết kế một số sản phẩm tin tức thực sự dành cho độc giả trẻ.
Thứ nhất là News Clinic - trong đó các tòa soạn sẽ giống như những “bác sĩ trị liệu tin tức”, ứng dụng công nghệ AI để đưa ra những tin tức mà độc giả trẻ muốn đọc, nên đọc, sàng lọc giúp họ những thông tin có hại, tin giả.
Một sản phẩm nữa là “It’s time” - một dịch vụ tin tức thách thức logic tối ưu hóa thời gian sử dụng. Ý tưởng ở đây là các tòa soạn báo nên tối ưu hóa cách phân phối tin tức cho độc giả trong thời gian ngắn nhất có thể. Dịch vụ này cung cấp cho người tiêu dùng tin tức hàng tuần, trong đó độc giả chỉ cần xem sản phẩm trong 7 giờ/tuần, 1 giờ/ngày, 30 phút/lần, và nắm được những thông tin quan trọng cần biết cũng như những thông tin họ quan tâm.
Sản phẩm thứ ba là News Sound. Sản phẩm này đặt ra ý tưởng mới “tin tức là âm nhạc”. Các tòa soạn báo sẽ chuyển đổi các câu chuyện tin tức bằng văn bản thành âm nhạc do AI tạo ra. IN/LAB đã xây dựng và thử nghiệm sản phẩm này trên Aftonbladet, tờ báo lớn ở Thụy Điển với 5 triệu độc giả hàng ngày. Stenbom cho biết, các bài hát rap do AI tạo ra với “lời bài hát” là tin tức, dựa trên các bài báo, người tiêu dùng trẻ tuổi rất thích sản phẩm này và phản hồi của họ rất tuyệt vời./.