Năm 2024: năm đầu tiên thực hiện chiến lược quốc gia phát triển công nghiệp bán dẫn

Diễn đàn - Ngày đăng : 12:25, 11/12/2023

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, và không chỉ có vậy, nó còn là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30 - 50 năm tới.
Diễn đàn

Năm 2024: năm đầu tiên thực hiện chiến lược quốc gia phát triển công nghiệp bán dẫn

Hoàng Linh 11/12/2023 12:25

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, và không chỉ có vậy, nó còn là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30 - 50 năm tới.

Với chủ đề “Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”, Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam lần thứ V do Bộ TT&TT tổ chức đã chính thức diễn ra sáng ngày 11/12/2023, tại Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

make-in-2023_4.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và các đại biểu xem trưng bày các sản phẩm "Make in Viet Nam"

Từ năm 2019 đến nay, Diễn đàn quốc gia phát triển DN công nghệ số Việt Nam đã trở thành hoạt động thường niên và có quy mô lớn của cộng đồng DN công nghệ số Việt Nam. Diễn đàn là sự kiện lớn của Ngành nhằm tổng kết, đánh giá sự phát triển của DN công nghệ số Việt Nam trong 04 năm qua; truyền tải những tư tưởng cốt lõi về phát triển công nghệ số, tinh thần Make in Viet Nam, ứng dụng số để giúp tăng doanh thu, lợi nhuận và năng suất lao động; phát triển DN công nghệ số góp phần phát triển nhanh và bền vững, phát triển bao trùm, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước phát triển.

Sứ mệnh ban đầu của các DN công nghệ số Việt Nam

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, diễn đàn được tổ chức tháng 12 hàng năm, là dịp kỷ niệm đặc biệt của cộng đồng DN công nghệ số, ngày DN công nghệ số Việt Nam 12/12. Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có ngày này. Bộ trưởng cũng gửi lời chúc mừng đến các doanh nhân, DN công nghệ số Việt Nam.

bt-nguyen-manh-hung-2.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Nghiên cứu tại Việt Nam, Sáng tạo tại Việt Nam, Làm ra tại Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình

Ngày 11/12 là dịp để nhìn lại, đánh giá sự phát triển, tôn vinh các giải thưởng tiêu biểu thông qua giải thưởng Make in Viet Nam. Đây là các sản phẩm được thiết kế, sáng tạo, được làm ra tại Việt Nam, có tác động có ảnh hưởng lớn đến người dân, DN, chính quyền trên môi trường số, góp phần phát triển chính phủ số và xã hội số.

Nhìn lại chặng đường 4 năm vừa qua, từ năm 2019 đến nay, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có những bước phát triển và trưởng thành rất đáng khích lệ. Số lượng DN công nghệ số tăng 30%, doanh thu công nghiệp công nghệ số tăng 32%, tỷ trọng Make in Viet Nam – Làm ra tại Việt Nam của các sản phẩm công nghiệp công nghệ số tăng từ 21% lên 29%. Riêng lĩnh vực sản xuất phần mềm cho nước ngoài tăng trưởng 43%, và chúng ta hiện có tới trên 1.400 DN loại này, với doanh thu đang tiến dần đến mốc 10 tỷ USD”.

Năm 2019, chúng ta đã đặt tên, khai sinh ra cộng đồng DN công nghệ số Việt Nam với sứ mệnh Make in Viet Nam "Nghiên cứu tại Việt Nam, Sáng tạo tại Việt Nam, Làm ra tại Việt Nam", góp phần giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, và hiện thực hoá khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Việt Nam không chỉ lắp ráp, gia công, mà còn là sáng tạo ra sản phẩm Việt Nam, giải bài toán Việt Nam và từ đây đi ra toàn cầu.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Muốn đi xa thì hãy nhớ lấy sứ mệnh ban đầu ấy”.

Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số

Với chủ đề của Diễn đàn năm nay, Bộ trưởng, cho biết phát triển kinh tế số (KTS) thì quan trọng nhất là các ứng dụng số, ứng dụng CĐS cho các ngành.

Vậy ai sẽ là người làm việc này? Bộ trưởng cho rằng đó phải là các nhà mạng, là các DN công nghệ số là các DN có hạ tầng, có công nghệ, nhân lực, có hiểu biết CĐS. Theo đó, các DN phải là người sáng tạo ra các ứng dụng CĐS cho các ngành. "Mấy năm qua, chúng ta để việc này cho các ngành và vì vậy sự phát triển CĐS ở Việt Nam rất chậm".

Bộ trưởng cho rằng phát triển ứng dụng số cho các ngành thì cũng chính là sáng tạo sản phẩm, cũng chính là Make in Viet Nam. Các nhà mạng, các DN công nghệ số phải coi đây là hoạt động nghiên cứu phát triển.

Nhà mạng China Mobile của Trung Quốc một năm chi tới 4 tỷ USD để phát triển các ứng dụng, các Use Case cho các ngành công nghiệp. Họ đã phát triển được trên 30.000 ứng dụng 5G công nghiệp, và doanh thu hàng năm của China Mobile vì thế mà tăng trên 10%. Thị trường các ứng dụng 5G sẽ đạt 670 tỷ USD vào năm 2025, tức là giúp cho doanh thu nhà mạng tăng tới 50% so với năm 2020.

Theo đó, Bộ trưởng kêu gọi hàng chục ngàn DN công nghệ số Việt Nam hãy đi vào các ngành, các lĩnh vực để sáng tạo các ứng dụng số, giúp CĐS, phát triển KTS cho các ngành và lĩnh vực. Và đây cũng chính là quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam từ nay có một sứ mệnh mới là công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước thông qua sáng tạo các ứng dụng số, CĐS cho các ngành, các lĩnh vực.

“Phát triển KTS các ngành cũng chính là cách để tăng năng suất lao động của các ngành này. Việt Nam chúng ta nhiều năm nay đều không đạt mục tiêu tăng năng suất lao động thì nay, lời giải của chúng ta về vấn đề nan giải này là sáng tạo các ứng dụng số để phát triển kinh tế số các ngành”.

Năm phát triển AI hẹp

Bộ trưởng cho biết năm 2024 cũng sẽ là năm thương mại hoá, phát triển 5G trên phạm vi toàn quốc để tạo ra hạ tầng cho các ứng dụng công nghiệp. Năm 2024 còn là năm phát triển AI hẹp, tạo ra các ứng dụng AI cho từng lĩnh vực.

Nói về AI hẹp, Bộ trưởng cho biết AI hoạt động được là khi con người chỉ ra cho nó một mục đích, một số quy tắc (rules) nhất định. Nếu không có hai cái này thì AI sẽ đứng yên. Con người thì lại có thể chỉ ra các mục đích khác nhau, ra các quy tắc khác nhau, trong các bối cảnh khác nhau để giải quyết những vấn đề khác nhau. Đó là chưa nói đến việc con người còn phải quyết định đưa cho AI những dữ liệu gì, thuật toán gì và cách mà chúng ta dạy nó.

Vậy là công việc của con người sẽ tập trung đúng vào việc của con người hơn, đó là nuôi dạy đứa con AI, rồi hướng nó vào đâu, mục tiêu gì, định hướng nào, để nó giúp việc cho chúng ta.

Rồi sẽ đến lúc mỗi người có một trợ lý ảo của riêng mình, trợ lý ảo này không chỉ là tri thức của nhân loại mà còn mang bản sắc của cá nhân mỗi người. Và trợ lý sẽ vẫn mãi là trợ lý, trừ khi con người tự từ bỏ vai trò làm chủ của mình. Ứng dụng AI hẹp, AI công nghiệp sẽ mang lại hiệu quả nhanh, giúp tăng năng suất lao động, thông minh hoá nguồn nhân lực, lại ít nguy cơ. Vậy thì hãy bắt đầu trước và rất nhanh từ các ứng dụng AI hẹp.

Năm đầu tiên phát triển chiến lược quốc gia phát triển công nghệ bán dẫn

Tiếp theo Bộ trưởng cho rằng năm 2024 cũng là năm đầu tiên chúng ta thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn.

Công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, và không chỉ có vậy, nó còn là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30 - 50 năm tới.

Lợi thế căn bản nhất của chúng ta là người Việt Nam có gien về STEM (toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học). Mà STEM là căn bản của công nghệ bán dẫn, của thiết kế chip. Trong các lợi thế thì lợi thế gien là quan trọng nhất, chắc cũng không kém lợi thế về địa chính trị. Từ lợi thế nhân lực sẽ ra các lợi thế khác. Từ trung tâm toàn cầu về nhân lực bán dẫn sẽ dẫn tới trung tâm toàn cầu về công nghiệp bán dẫn.

"Chúng ta phát triển công nghiệp bán dẫn thì nên nhìn nó trong một ngữ cảnh lớn hơn. Nếu nói về thị trường thiết kế chip bán dẫn thì chỉ có 60 tỷ USD, nếu nói cả ngành công nghiệp bán dẫn thì là 600 tỷ USD, nhưng ngành công nghiệp điện tử thì trên 3.000 tỷ USD, còn ngành công nghiệp CĐS thì trên 20.000 tỷ USD, tức là lớn hơn 30 lần ngành công nghiệp bán dẫn".

Bộ trưởng nhận định: Phát triển công nghiệp bán dẫn cũng là cơ hội để Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà (như thiết điện tử tiêu dùng, thiết bị điện tử y tế, thiết bị điện tử công nghiệp,...), nhất là khi ngành này đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sang thiết bị điện tử AI, thiết bị IoT. Công nghiệp bán dẫn cũng là cốt lõi của công nghiệp CĐS. Công nghiệp CĐS là thị trường lớn nhất của chip bán dẫn. Việt Nam có tới 100 triệu dân, là một thị trường lớn, lại đang ở giai đoạn phát triển nhanh, công nghiệp hoá nhanh, CĐS nhanh, tiêu dùng điện tử nhiều, nên sẽ là một bối cảnh thuận lợi cho ngành công nghiệp bán dẫn nước nhà”.

Theo Bộ trưởng, công nghiệp bán dẫn là một chuỗi cung ứng, một hệ sinh thái có tính toàn cầu. “Chúng ta sẽ phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam trong một hệ sinh thái trong nước và toàn cầu. Vừa có tự chủ, vừa có hợp tác quốc tế. Nhưng Việt Nam vẫn phải tiến tới một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, không chỉ là một vài công đoạn. Công nghệ đang thay đổi rất nhanh, có thể còn nhanh hơn. Chỉ có một chuỗi cung ứng quốc gia đầy đủ thì mới đáp ứng được tốc độ nhanh và giá thành thấp.

Cuối cùng, Bộ trưởng nhấn mạnh: Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Viet Nam thì chúng ta không thể đi ra thế giới. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể hùng cường thịnh vượng.

Quảng Ninh chú trọng phát triển KTS

Chào mừng diễn đàn tổ chức tại Quảng Ninh, ông Cao Tường Huy, Phó Bí Thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh, tình hình phát triển của tỉnh Quảng Ninh trong năm 2023.

ong-cao-tuong-huy.jpg
Ông Cao Tường Huy: Quảng Ninh đã tập trung đầu tư, triển khai Đề án xây dựng Chính quyền điện tử là nền tảng cốt lõi cho xây dựng chính quyền số

Cùng với phát triển kinh tế, Bí thư Nguyễn Xuân Ký cho biết tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin, có thể khẳng định đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Ninh bước đầu đã có những tiền đề quan trọng để tiếp tục xây dựng, chuẩn bị năng lực sẵn sàng tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung đầu tư, triển khai Đề án xây dựng Chính quyền điện tử (CQĐT) là nền tảng cốt lõi cho xây dựng chính quyền số; nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động, công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ của chính quyền thông qua hệ thống hạ tầng, hệ thống thông tin dùng chung được triển khai sâu, rộng cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) và kết nối liên thông với trục văn bản của Văn phòng Chính phủ; làm cơ sở cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4 và tạo thuận lợi cho người dân và DN trong giải quyết thủ tục hành chính với mô hình 14 Trung tâm phục vụ hành chính công từ tỉnh đến cấp huyện và 177 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã.

Các kết quả cụ thể Quảng Ninh đã đạt được là 100% cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan hành chính Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã tham gia, sử dụng thành thạo các tiện ích Hệ thống CQĐT, thành phố thông minh của tỉnh.

Trên 99% văn bản hành chính giữa các cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh Quảng Ninh được trao gửi, nhận dưới dạng văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số; kết nối được 100% bộ, ban, ngành của Trung ương và 100% các địa phương trong toàn quốc; đến nay đã gửi, nhận trên 13,7 triệu văn bản điện tử có ký số.

100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp DVCTT toàn trình và được thiết lập, niêm yết, công khai trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; Tỉnh đã cung cấp được 1.240 DVCTT trong tổng số 1.367 thủ tục hành chính trên Cổng DVCTT quốc gia (đạt tỷ lệ 90,7%).

Năm 2023 đã tiếp nhận 861.990 hồ sơ TTHC, trong đó đã giải quyết 99,7% đúng hạn và trước hạn; trên 77% hồ sơ thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến; 100% phí, lệ phí được thanh toán không dùng tiền mặt; Tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc toàn trình cả 3 cấp tỉnh Quảng Ninh đạt trên 82%, cao gấp 1,5 lần trung bình trung toàn quốc (tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc toàn trình toàn quốc đạt gần 50%), trong đó: cấp xã đạt trên 75%, cấp huyện đạt trên 80%, cấp tỉnh đạt trên 85%.

Tiếp nối, kế thừa những kết quả đạt được nêu trên; trên cơ sở cụ thể hóa chủ trương của Đảng trong các Văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Nghị quyết số 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, và Quyết định số 749 ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia năm 2025, định hướng năm 2030, ngày 05/02/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 09 về CĐS toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên ba trụ cột đó là Chính quyền số - KTS - Xã hội số.

Phó Bí thư Cao Tường Huy nhấn mạnh: “KTS được xác định là đột phá, cần được tập trung lãnh đạo chỉ đạo hoàn thành với mục tiêu đặt ra đến năm 2025, KTS phải đạt 20% GRDP và đến năm 2030, KTS phải đạt 35% GRDP của tỉnh. KTS là một trong những chỉ tiêu quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh”./.

Hoàng Linh