Hội nghị quốc gia về thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN
Truyền thông - Ngày đăng : 10:30, 07/10/2023
Hội nghị quốc gia về thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN
Ngày 6/10, tại thành phố Vinh (Nghệ An), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chủ trì tổ chức Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 (gọi tắt là Đề án 161) giai đoạn 2021-2025.
Hội nghị có sự tham gia của các đại diện đến từ Bộ Ngoại giao, các Bộ, ngành thuộc Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN tại Việt Nam, đại diện Lãnh đạo và cán bộ đầu mối các Sở, ngành liên quan đến từ các tỉnh, thành phố. Hội nghị cũng được kết nối trực tuyến với Ban Thư ký ASEAN (thủ đô Jakarta, Indonesia) để chia sẻ về các ưu tiên của khu vực.
Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 (gọi tắt là Đề án 161) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016. Đề án ra đời với mục tiêu thúc đẩy việc xây dựng thực hiện có hiệu quả ở cấp quốc gia các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025, nhằm đạt được các mục tiêu khu vực về xây dựng một cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội.
Đề án bao gồm các hoạt động: xây dựng cộng đồng gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân; xây dựng cộng đồng hòa nhập; xây dựng cộng đồng bền vững; xây dựng cộng đồng tự lực tự cường…
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, năm 2021-2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện các kế hoạch thực hiện Đề án 161, giai đoạn 2021-2025. Các kế hoạch đã lồng ghép được hầu hết các mục tiêu của Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN thông qua những hoạt động ngày càng cụ thể hơn, gắn với chương trình, kế hoạch phát triển 5 năm, 10 năm của từng Bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực văn hóa - xã hội.
Hội nghị cũng dành nhiều thời gian để các đại biểu trao đổi về kiến thức hội nhập nói chung và hội nhập trong một số lĩnh vực có mối quan hệ liên ngành như lao động, xã hội, môi trường và sự kết nối giữa hội nhập kinh tế với các vấn đề xã hội trong bối cảnh mới, kết nối giữa hội nhập của quốc gia, khu vực và quốc tế.
Qua đó, mong muốn sẽ góp phần nâng cao nhận thức, năng lực và hiểu biết cho cán bộ công chức ở cấp trung ương và địa phương.
Theo đánh giá sơ bộ, giai đoạn 2021-2023, một phần do khách quan ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc triển khai thực hiện Đề án 161 vẫn chưa đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra; vấn đề nguồn lực vẫn còn khá hạn hẹp; đội ngũ cán bộ chuyên trách thiếu hoặc phải kiêm nhiệm khá nhiều nhiệm vụ cùng một lúc. Bên cạnh đó, trình độ ngoại ngữ, kiến thức về ASEAN nói riêng và hội nhập cũng là một rào cản khá lớn trong quá trình triển khai Đề án 161.
Trên cơ sở kinh nghiệm thực hiện Đề án giai đoạn 2016-2020, Hội nghị thống nhất đề xuất cần thúc đẩy phân bổ nguồn lực, nhân lực và tài chính, chú trọng hơn nữa công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về Đề án 161 nói riêng, hợp tác ASEAN nói chung trong quá trình triển khai thực hiện thời gian tới./.