Kiểu thiết kế của nhà ống làm gia tăng nguy cơ tử vong khi có cháy
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 15:34, 08/12/2023
Kiểu thiết kế của nhà ống làm gia tăng nguy cơ tử vong khi có cháy
Ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tiên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy ở những ngôi được thiết kế theo dạng nhà ống. Nhiều đám cháy gây chết người. Có gia đình, cả nhà thiệt mạng trong đám cháy.
Phần lớn nhà cửa ở các đô thị của nước ta hiện nay là nhà thiết kế dạng hình ống. Nhà ống là kiểu thiết kế dành cho những ngôi nhà có diện tích nhỏ, mặt tiền hẹp. Ngôi nhà có khả năng thông gió kém vì thường được xây kín cả 3 mặt tường tiếp giáp với các nhà xung quanh.
Nếu có chỗ nào đó không có tường bao bằng gạch thì cũng bị rào kín bằng kim loại. Với nhà nhiều tầng thì chỉ có 1 lối cầu thang thẳng đứng nối liền các tầng; sân thượng thường được bao kín bằng lớp rào kim loại, lợp mái che. Vì lo sợ kẻ gian đột nhập, cửa ra sân thượng cũng được khóa kín, ít khi mở.
Kiểu thiết kế của nhà ống, cộng thêm nhiều yếu tố trong thói quen sinh hoạt, sắp đặt đồ đạc của chủ nhà đã làm cho những đám cháy trong nhà ống trở nên rất khốc liệt, người ngoài khó ứng cứu, cơ hội thoát nạn của nạn nhân thấp. Khi trong nhà có cháy, đám cháy phát triển sẽ sinh nhiệt độ cao, lửa kèm theo khói và khí độc sẽ được dồn ra phía cầu thang, nhanh chóng bốc lên các tầng trên theo lối thông thẳng đứng này, rồi lan ra khắp tầng.
Cầu thang bộ, lối thoát duy nhất của ngôi nhà khi đó trở thành một ống khói.Khi người trong nhà phát hiện có cháy, mở cửa phòng chạy ra, lập tức sẽ hít phải khói độc. Nếu không có kỹ năng thoát hiểm cơ bản thì những người này sẽ rất khó có thể an toàn thoát khỏi đám cháy. Trong những vụ cháy nhà ống xảy ra ở nước ta thời gian vừa rồi, đa phần nạn nhân thiệt mạng là do ngạt khói.
Ngoài lối kiến trúc tạo ra nguy hiểm lớn khi có cháy, cách sinh hoạt của người trong nhà cũng góp phần làm cho đám cháy bùng phát nhanh hơn, cơ hội thoát hiểm thấp đi. Do diện tích chật hẹp, ngôi nhà thường có mật độ đồ đạc dày đặc. Nhiều gia đình chất đồ trên cả cầu thang, lối lên sân thượng. Những gia đình kết hợp kinh doanh và ở trong cùng một ngôi nhà, hàng hóa đồ đạc càng nhiều, trong đó có nhiều thứ dễ bắt lửa. Khi bị cháy, lửa càng có điều kiện bùng phát nhanh và dữ dội, trong khi lối đi bị đồ đạc hàng hóa ngăn trở nên người trong nhà càng khó di chuyển nhanh ra khỏi đám cháy.
Vì lý do an ninh, phần lớn nhà ống được gia cố thêm hệ thống hàng rào kiên cố bằng kim loại bịt kín ban công và sân thượng, nên ngôi nhà hoàn toàn như một chiếc lồng bằng bê tông và sắt thép, chỉ có cửa chính là lối ra vào duy nhất. Khi bị cháy, lối cửa chính hầu như không thể sử dụng được nên người trong nhà không còn cách nào để có thể thoát ra ngoài. Để phá hệ thống hàng rào bằng kim loại cần phải có thiết bị chuyên dụng và tốn nhiều thơi gian, trong khi với hỏa hoạn, thời gian cứu người tính bằng phút, thậm chí bằng giây, nên những vụ cháy xảy ra trong nhà ống thường khó ứng cứu, thiệt hại cả về người và tài sản rất cao. Đó là chưa kể số lượng nhà ở trong ngõ nhỏ, xe cứu hỏa không thể tiếp cận là rất lớn. Cháy lan từ nhà này sang nhà kia là hoàn toàn có thể xảy ra.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 881 vụ cháy, làm chết 45 người, 43 người bị thương. Trong đó,320 vụ cháy nhà dân, 27 người chết. 82 vụ cháy nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh, chết 19 người. Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an. cho biết, kết quả phân tích các vụ cháy cho thấy hầu như những vụ cháy làm chết nhiều người đều xảy ra tại nhà riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Những ngôi nhà đó hầu hết được thiết kế theo dạng nhà ống. Đám cháy thường bùng phát vào ban đêm, khi chủ nhà đang ngủ say, nên chỉ khi đám cháy đã bùng phát lớn mới được phát hiện.
Hiện nay theo quy định của pháp luật, đối với những nhà ở riêng lẻ cao từ 7 tầng trở lên và những dạng nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, mà tổng diện tích sàn phục vụ cho mục đích kinh doanh chiếm 30% trên tổng số diện tích sàn của công trình đó, thì thuộc diện phải chấp hành các quy định về PCCC, theo Quy chuẩn 06/2022.
Ngoài ra, những công trình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh mà tổng diện tích phục vụ mục đích kinh doanh nhỏ hơn 30% tổng diện tích sàn, thì sẽ được khuyến cáo về việc trang bị phương tiện PCCC theo tiêu chuẩn 3890/2023.
Trong thời gian qua, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cũng đã chỉ đạo công an các địa phương hướng dẫn, khuyến cáo người dân về việc PCCC liên quan đến nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp kinh doanh.
Cụ thể, như việc hướng dẫn người dân mở lối thoát nạn thứ hai, việc hướng bố trí, sắp xếp thiết bị, vật dụng, hàng hóa trong nhà để bảo đảm an toàn, tránh nguy cơ phát sinh cháy và nếu phát sinh cháy thì hướng dẫn người dân cách xử lý.
Lực lượng cảnh sát PCCC đã tổ chức chiến dịch "đi từng ngõ, gõ từng nhà", để tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng PCCC cho các hộ gia đình. Hiện nay, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH đang tiếp tục chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, công an các địa phương thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ, để trong năm 2023 này, 100% các hộ gia đình đều có ít nhất một người được trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC, để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra trong hộ gia đình mình.
Ngoài ra, tất cả các kiến thức, kỹ năng về PCCC trong hộ gia đình như việc sử dụng điện, kỹ năng sử dụng bình chữa cháy xách tay, kỹ năng di chuyển thoát nạn trong PCCC như thế nào, đều những clip, những bài khuyến cáo… đăng tải rất cụ thể trên trang web của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH. Mọi người dân đều có thể truy cập trang web để tìm hiểu và học tập các kỹ năng này.
Hiện nay, thiết bị cảnh báo cháy được bán phổ thông, giá cả từ vài trăm đến vài triệu đồng một thiết bị, lắp đặt dễ dàng. Thiết bị báo cháy có thể được lắp đặt ở từng phòng trong nhà, sẽ cảnh báo bằng chuông, tín hiệu đèn, có cả thiết bị báo cháy thông minh kết nối wife gửi tin nhắn đến điện thoại khi phát hiện có khói. Lắp đặt thiết bị báo cháy trong nhà là một biện pháp hữu hiệu để người trong nhà được cảnh báo sớm khi có cháy.
Ở các khu chung cư cao tầng, từ lâu các căn hộ và khu vực công cộng của tòa nhà đã được lắp đặt thiết bị báo cháy, chuông báo cháy. Nhưng nhà dân đơn lẻ thì hầu như thiết bị báo cháy chưa được quan tâm, trong khi thiết bị này rất hữu ích, vì hầu hết các đám cháy đều bùng phát trong đêm, khi mọi người đang ngủ.
Khi lửa cháy lan, người trong nhà tỉnh ngủ, phát hiện cháy thì đã muộn. Thậm chí, có người ngạt khói tử vong trước khi biết nhà mình đang bị cháy./.