Ngư dân bị tàu giã cào hất văng xuống biển, hiểm họa trực chờ
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 09:42, 22/11/2023
Ngư dân bị tàu giã cào hất văng xuống biển, hiểm họa trực chờ
gư dân ở vùng biển Quảng Xương, TP Thanh Hóa hết sức bức xúc, bởi vì dù các lực lượng chức năng có ra quân xử lý nhưng tình trạng này vẫn không giảm.
Sau khi thoát chết, anh U.N.Thiệu (Quảng Thái, Quảng Xương, Thanh Hóa) được một số bạn nghề tháp tùng đến Biên phòng Sầm Sơn trình báo. Sự việc được mô tả lại khá hãi hùng: khoảng 3 rưỡi sáng 16/7/2023, anh bị một tàu giã cào hất xuống biển rồi bỏ mặc.
Như mọi đêm, anh Thiệu lên bè đi nghề (đi nghề là từ dùng của ngư dân vùng này khi ra vùng biển ven bờ đánh bắt hải sản). Bạn nghề mỗi người thả neo ở một nơi. Trong đêm mịt mùng, giữa biển, người ngư dân chỉ có một mình, với một ngọn đèn trên bè làm dấu định vị mình với những tàu bè khác. Ngọn đèn, trong một số trường hợp, cũng là công cụ để thu hút các loại hải sản tụ về gần bè để ngư dân tiện đánh bắt.
Anh Thiệu đang thả câu thì phát hiện một chiếc giã cào đang lừ lừ từ phía nam tiến thẳng về phía mình. Nó sẽ càn ngang qua đúng vị trí anh neo bè. Không thể kịp đưa bè thoát khỏi đường đi của giã cào, anh chắp tay xin người lái giã cào tránh qua. Nhưng giã cào không dừng lại. Khi chiếc bè bị hất tung, anh Thiệu rơi xuống nước, còn thấy người lái giã cào ngoái ra sau xem xét. Nhưng rồi y điều khiển giã cào đi thẳng, bỏ mặc nạn nhân lóp ngóp giữa biển. Nếu chiếc bè của anh Thiệu là một chiếc thuyền, hẳn anh khó thoát nạn. May mắn, chiếc bè bị lật úp nhưng không chìm vì nó được làm bằng những cây luồng ghép lại, độn ở giữa là những tấm xốp dày. Anh Thiệu bám được vào bè. Toàn bộ công cụ đi nghề của anh thì nằm lại đáy biển. Sau đó, những ngư dân xã Quảng Đại đang đi nghề ở khu vực lân cận phát hiện ra anh gặp nạn, đã giúp anh lật bè lại rồi trở về bờ an toàn.
Giã cào là một kiểu khai thác hải sản tầng đáy bằng cách dùng giã. Giã là một loại lưới có hình dạng như chiếc túi khổng lồ, miệng túi được căng rộng, mắt lưới rất dày. Khi tàu kéo giã chạy, giã cào sâu xuống biển, hải sản bị lùa vào đáy túi và nằm lại ở đó. Có hai loại giã. Giã đơn nhỏ, do một tàu điểu khiển, căng giã phía trước mũi tàu rồi chạy tới. Với giã đôi, hai tàu chạy song song, căng ngang giã để đánh bắt hải sản. Một chiếc giã đôi có thể rộng từ 500-1000m. Gần như mọi loại hải sản lớn bé trên đường đi của giã đều bị nó bắt gọn, kể cả những con vật sống sát đáy biển, rong rêu, tảo biển. Không chỉ tôm cua cá mực mà mọi thứ nằm trên đường đi của giã đều bị nó cào sạch vào giã, từ phao, lưới đến thuyền bè. Nên ngư dân rất sợ bị nằm trong vùng hoạt động của giã cào. Giã cào không chỉ gây hư hỏng, mất mát tài sản của ngư dân, mà cướp đi miếng cơm của họ khi bắt sạch không từ con gì trên đường đi của nó, làm cạn kiệt nhanh chóng nguồn thủy sản trong vùng.
Nhiều ngư dân chuyên đánh bắt ven bờ ở Quảng Xương đã bị giã cào cuốn mất lưới chài. Khi ra biển đi nghề họ thả lưới, thả phao, đánh dấu vị trí đánh bắt của mình. Họ có thể neo bè chờ hoặc quay bè trở về bờ. Sau một thời gian, áng chừng lưới câu đã dính tôm cá, họ sẽ quay lại nhấc câu thu lưới. Thông thường, bạn nghề nhìn thấy lưới chài của người khác sẽ tránh đi. Nhưng giã cào thì không.
Với kiểu đánh bắt của mình, giã cào không được phép hoạt động ở những vùng biển nông sát bờ. Nghị định số 33/2010 của Chính phủ “Về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển” quy định đối với các tàu cá hoạt động tại các vùng khai thác thủy sản: a) Tàu lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên khai thác thủy sản tại vùng khơi và vùng biển cả, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng; b) Tàu lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20 CV đến dưới 90 CV khai thác hải sản tại vùng lộng và vùng khơi, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng biển cả.
Tàu giã cào đều là những tàu có công suất lớn, không được phép đánh bắt ven bờ. Nhưng không khó để bắt gặp những con tàu công suất khoảng 200CV càn quét vùng biển ven bờ Quảng Xương. Theo ngư dân địa phương, chúng không phải là tàu của người vùng này mà đều từ các vùng lân cận đến, như Nghi Sơn, Hậu Lộc. Trong khoảng 3 năm nay, Đồn Biên phòng Sầm Sơn đã xử phạt hàng chục tàu giã cào hoạt động trái phép ở vùng biển ven bờ Quảng Xương, nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn, thậm chí cả ban ngày.
Trung tá Lê Anh Sơn, Đồn trưởng Đồn biên phòng Sầm Sơn (Thanh Hóa) cho biết, thời gian qua đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho bà con ngư dân về những hệ lụy mà cách khai thác bằng giã cào mang đến; đồng thời vận động bà con ngư dân khi phát hiện thấy tàu giã cào thì báo ngay cho lực lượng Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Như vừa qua, sau khi nhận được tin báo của ngư dân, lực lượng Biên phòng Sầm Sơn đã tuần tra, bắt giữ và xử lý theo quy định một tàu đánh cá số hiệu TH-192TS đến từ xã Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn sử dụng giã cào khai thác hải sản trái phép cách bờ biển xã Quảng Thái 1 hải lý.
Trước tình trạng hàng loạt tàu giã cào ngang nhiên khai thác thủy sản ven bờ kiểu tận diệt, cộng với việc phản ánh của các ngư dân huyện Quảng Xương đến cơ quan chức năng, trung tá Lê Anh Sơn cho biết, thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng như Chi cục Thủy sản, Kiểm ngư, tăng tần suất tuần tra, kiểm soát, kịp thời ngăn chặn, xử lý đối với hoạt động của tàu giã cào để bảo vệ hệ sinh thái ven biển và đặc biệt là giữ gìn an toàn ngư trường để bà con ngư dân yên tâm khai thác.
Được biết lực lượng Biên phòng đã tăng cường tổ chức tuần tra trên vùng biển Quảng Xương và TP Sầm Sơn, xử lý nhiều tàu giã cào hoạt động sai vùng biển quy định.
Tuy nhiên, hiện nay ngư dân ở vùng biển này vẫn đang hết sức bức xúc, bởi vì dù các lực lượng chức năng có ra quân xử lý nhưng tình trạng này vẫn không giảm. Vì lo sợ tàu cào mất lưới và nguy hiểm đến tính mạng nên nhiều ngư dân thậm chí còn không dám ra khơi.
Không phải ai cũng may mắn thoát chết như trường hợp anh Thiệu, có những trường hợp ngư dân bị hất xuống biển, phải huy động lực lượng tìm kiếm cứu nạn mới tìm thấy được./.