Nhiệm vụ phòng, chống đuối nước cho trẻ em vẫn còn ở phía trước
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 10:51, 02/12/2023
Nhiệm vụ phòng, chống đuối nước cho trẻ em vẫn còn ở phía trước
Cách đây 7 năm, khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đề ra mục tiêu 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Một trong những yêu cầu được đặt ra để phòng, chống đuối nước trẻ em là xây dựng thí điểm, đánh giá và nhân rộng mô hình phòng, chống đuối nước trẻ em; kiện toàn và phát triển mạng lưới dịch vụ đảm bảo an toàn cho trẻ em trong môi trường nước;triển khai chương trình bơi an toàn cho trẻ em
Ngày 8/11/2023, trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết mới có 33,9% học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông biết bơi, 66,4% còn lại chưa biết bơi.
Vậy là sau năm 2020 một thời gian dài, những mục tiêu trong nhiệm vụ phòng, chống đuối nước cho trẻ em vẫn còn ở phía trước.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định rằng nhiệm vụ tổ chức dạy bơi, hướng dẫn an toàn dưới nước đối với học sinh trong nhà trường là trách nhiệm của Bộ. Bộ đã ban hành Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, học sinh giai đoạn 2021-2025. Chương trình này đặt ra mục tiêu tối thiểu 80% học sinh phổ thông được trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước, trong đó có từ 60% trở lên học sinh nắm vững kiến thức, kỹ năng và biết vận dụng trong thực tiễn; phấn đấu đạt tỷ lệ từ 50% trở lên học sinh biết bơi an toàn và biết các kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 90% giáo viên mầm non, giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp, tổng phụ trách đội được tập huấn, trang bị kiến thức cơ bản về phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước, tai nạn giao thông để hướng dẫn cho trẻ em, học sinh; 90% trở lên giáo viên giáo dục thể chất ở các trường phổ thông được tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước và kỹ năng dạy bơi, cứu đuối và sơ cấp cứu ban đầu.
Với mục tiêu cao như vậy, ngành GD-ĐT sẽ làm thế nào để 50% học sinh trở lên biết bơi an toàn và biết các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, khi mà cả nước hiện chỉ có 2.184/25.037 trường học có bể bơi, chỉ đạt tỷ lệ 8,63%? Con số này được Bộ GD-ĐT đưa ra trong hội nghị Tham vấn tổ chức dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước trong trường học mà Bộ tổ chức ngày 31/10/2023, lấy số liệu thống kê của 59/63 Sở GD-ĐT trong nước. Số trường học có bể bơi đã ít, lại không phải cứ có bể bơi thì học sinh trường đó được học bơi, vì chi phí vận hành, quản lý bể bơi rất tốn kém, không phải trường học nào cũng duy trì được bể bơi để phục vụ việc dạy học. Bộ trưởng Sơn cho biết một số tỉnh, thành phố đã đưa danh mục vận hành, quản lý bể bơi vào danh mục chi phí của nhà trường do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Nhưng không phải tỉnh nào cũng linh hoạt tháo gỡ khó khăn này cho ngành giáo dục.
Đuối nước là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5-14 tuổi ở nước ta. Theo Bộ LĐ-TB&XH, mỗi năm, gần 2.000 trẻ em Việt Nam dưới 16 tuổi tử vong vì đuối nước. Ở đất nước nhiều sông suối, ao hồ như Việt Nam, không biết bơi là một thiếu sót lớn trong kỹ năng sinh tồn. Nhưng trẻ được dạy bơi đúng kỹ thuật đa số sống ở thành thị, nơi nhiều gia đình có đủ điều kiện kinh tế và phụ huynh nhận thức cao về an toàn cho con em mình. Còn trẻ em ở nông thôn, nơi nguy cơ đuối nước cao hơn, thì lại không dễ được tiếp cận những kiến thức, kỹ năng sinh tồn.
Khi điều kiện cơ sở vật chất trường học chưa đáp ứng được cho nhiệm vụ dạy học sinh kỹ năng an toàn trong môi trường nước, một số trường học, địa phương đã áp dụng những biện pháp tình thế. Ví dụ, Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) quy định học sinh phải có giấy chứng nhận kỹ năng bơi lội. Học sinh nào chưa biết bơi phải tham gia khóa học bơi do nhà trường tổ chức. Nhà trường ký hợp đồng với huấn luyện viên bơi lội, thuê bể bơi thông minh, đưa chương trình dạy bơi vào lịch học ngoại khóa.
Trong mùa hè, Tỉnh Đoàn một số địa phương tổ chức dạy bơi miễn phí cho học sinh. Ba tháng hè vừa rồi, 18 đơn vị Huyện đoàn của tỉnh Quảng Nam mở được gần 80 lớp dạy bơi miễn phí cho khoảng 4.000 học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Mỗi lớp dạy bơi kéo dài 35 ngày. Các em sẽ được dạy kỹ năng cơ bản về đứng nước, bơi ếch, bơi sải, bơi ngửa, cách xử trí khi không may bị đuối nước, cách cứu và sơ cứu người bị đuối nước.
Câu lạc bộ Vì đàn em thân yêu trang bị 3 bể bơi di động tại hai huyện Chư M’Nga và Krông Bông của tỉnh Đắc Lắc, cứ đến hè là phối hợp với các trường học ở vùng sâu mở lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em. Bể bơi di động được chuyển từ trường này đến trường kia, 3 năm qua, khoảng 600 trẻ em ở hai địa phương này đã được dạy đến khi biết bơi thành thạo.
Nhưng những lớp dạy bơi miễn phí được tổ chức đó đây chỉ là giải pháp tình thế. Để đạt được mục tiêu 50% trở lên học sinh biết bơi an toàn và biết các kỹ năng an toàn trong môi trường nước như kế hoạch 2021-2025 của Bộ GD-ĐT, việc tổ chức dạy bơi, hướng dẫn an toàn dưới nước đối với học sinh trong nhà trường phải là nhiệm vụ của ngành giáo dục.
Mục tiêu cụ thể của Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020 là giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích xuống còn 600/100.000 trẻ em; giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích xuống còn 17/100.000 trẻ em. Phấn đấu 5.000.000 ngôi nhà thuộc các hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn; 10.000 trường học đạt tiêu chuẩn Trường học an toàn; 300 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn Cộng đồng an toàn; giảm 25% số trẻ em tử vong do tai nạn giao thông đường bộ so với năm 2015.
Giảm 6% số trẻ em bị tử vong do đuối nước so với năm 2015; 90% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở biết các quy định về ATGT; 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 90% trẻ em sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy; 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thí điểm chương trình bơi an toàn cho trẻ em.
Đồng thời, 100% cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện và 80% cán bộ cấp xã, cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được tập huấn về kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; 100% nhân viên y tế thôn, bản, nhân viên y tế trường học biết các kỹ thuật sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho trẻ em bị tai nạn, thương tích.
Tuy nhiên, kết quả tổng kết Chương trình này cho thấy các mục tiêu có đạt được, nhưng tỉ lệ tử vong do đuối nước của trẻ em Việt Nam vẫn ở mức rất cao so với thế giới./.