Phá bỏ “chuồng cọp”, mở lối thoát nạn
Truyền thông - Ngày đăng : 07:54, 27/11/2023
Phá bỏ “chuồng cọp”, mở lối thoát nạn
Đã có nhiều vụ cháy xảy ra, người trong nhà không thể thoát được đến nơi an toàn vì cả ngôi nhà đã bị bịt kín, chỉ còn một lối thoát duy nhất là cửa ra vào. Lực lượng cứu hỏa rất khó tiếp cận những ngôi nhà như vậy để dập lửa, cứu người khi có cháy.
Khung che chắn ban công, khung che chắn sân – cổng, khung che chắn sân thượng…, kiểu nào thì cũng tựa như chiếc lồng kiên cố bằng kim loại bao lấy ngôi nhà. Sau nhiều vụ cháy nhà mà nạn nhân không có lối để thoát khỏi đám cháy, những người sản xuất “chuồng cọp” thêm vào quảng cáo của mình chi tiết: chống trộm, an toàn cho trẻ, nhưng phải có cửa thoát hiểm nếu chẳng may nhà bị cháy!
Hàng chục năm nay, hiếm thấy một ngôi nhà phố nào có không gian ban công, sân thượng được để thoáng như kiến trúc vốn phải thế. Ban công được lắp khung kim loại che kín. Sân thượng, có mái hay không có mái, cũng được bao quanh bằng khung kim loại. Thậm chí, nhiều nhà hàn kín cả khoảng trống trên sân nối với hàng rào ở tầng 1. Chủ nhà muốn biến ngôi nhà của mình thành chốn bất khả xâm phạm. Kiểu nhà lồng chim này lan từ thành phố về nông thôn. Nhiều nhà ở nông thôn bây giờ cũng tự bọc kín mình bằng những thanh kim loại kiên cố như vậy. Nhìn lên các khu chung cư, nhất là chung cư cũ, lơ lửng các “chuồng cọp” san sát ở nơi vốn là ban công.
Dư luận chia làm hai luồng ý kiến với kiểu xây dựng nhà lắp đặt thêm “chuồng cọp” quây kín khiến ngôi nhà chỉ còn một lối thoát là cửa chính. Luồng ý kiến một, phải bọc kín ngôi nhà để chống trộm; nếu không lắp “chuồng cọp” che chắn kỹ lưỡng ban công, sân thượng, thì nguy cơ kẻ gian đột nhập vào nhà là rất cao. Luồng ý kiến hai, nhiều người lắp đặt chuồng cọp không hẳn để chống trộm mà với mục đích cơi nới không gian sống một cách bất hợp pháp, như đua thêm ban công, lấn chiếm không gian công cộng; để đối phó với kẻ gian, có thể dùng chuông chống trộm và camera, vừa hiện đại, vừa đảm bảo an toàn cho những người sống trong nhà nếu xảy ra tình huống khẩn cấp cần lối thoát hiểm.
Đã có nhiều vụ cháy xảy ra, người trong nhà không thể thoát được đến nơi an toàn vì cả ngôi nhà đã bị bịt kín, chỉ còn một lối thoát duy nhất là cửa ra vào. Lực lượng cứu hỏa rất khó tiếp cận những ngôi nhà như vậy để dập lửa, cứu người khi có cháy. Ngày 13/5/2023, nhà số 24 Thành Công (Hà Đông, Hà Nội) bị cháy làm 4 người tử vong, trong đó có 3 trẻ em. Đây là nhà ống, toàn bộ mặt trước và hai mặt bên nhà được bịt kín bằng hệ thống khung sắt. Người dân xung quanh không có lối vào để cứu người dù nghe được tiếng kêu cứu. Khi cháy xảy ra, thời gian cứu người được tính bằng phút. Nếu lực lượng chữa cháy mất thêm thời gian để cắt lồng sắt tìm đường vào thì có thể không còn kịp nữa.
An toàn tính mạng hay là an toàn tài sản được đặt lên hàng đầu? Câu trả lời tưởng dễ nhưng hóa ra không phải như vậy. Thường thì người ta ít khi nghĩ tình huống xấu có thể xảy ra với ngôi nhà của mình là cháy, mà mối quan tâm mỗi ngày khi ra khỏi nhà, mỗi tối khi lên giường ngủ, là ngôi nhà của mình có an toàn trước bọn trộm cắp hay không. Vì vậy, sau nỗi lo thoáng qua mỗi khi nghe tin có cháy ở đâu đó, người ta thường cho rằng việc đó sẽ không xảy ra với mình nếu mình cẩn thận.
Việc đảm bảo an toàn cho mình và gia đình lẽ ra phải là việc của từng gia đình trước khi là việc của chính quyền, thì đang ngược lại. Chính quyền nhiều địa phương đã và đang phải tổ chức vận động người dân tháo dỡ lồng sắt,“chuồng cọp” để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.
Như, thành phố Hạ Long ban hành Chỉ thị số 20 về tăng cường lãnh đạo, nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự đô thị. Thực hiện chỉ thị này, các xã, phường tổ chức vận động người dân tháo dỡ các công trình lấn chiếm, làm đường thoát hiểm. Trong 4 tháng, từ tháng 6-9/2023, gần 900 nhà lắp lồng sắt, “chuồng cọp”, công trình lấn chiếm không gian công cộng đã được tháo dỡ.
Tại Hải Phòng, Phó chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Thọ yêu cầu các quận tháo dỡ xong các "chuồng cọp", lồng sắt tại chung cư thuộc sở hữu nhà nước trong tháng 12/2023. Chính quyền các quận gửi thông báo đến các gia đình yêu cầu tự tháo dỡ; nếu không chấp hành, chính quyền sẽ tổ chức cưỡng chế tháo dỡ, sau đó Công ty Quản lý và Kinh doanh nhà Hải Phòng sẽ chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở, thu hồi nhà cho thuê đối với những hộ này. Chỉ riêng quận Ngô Quyền có tới hơn 938 gia đình lắp thêm “chuồng cọp” vào ban công căn hộ.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, 21 gia đình sống ở chung cư 19 Nguyễn Biểu đã đồng ý tháo dỡ, cắt bỏ một phần “chuồng cọp” để tạo lối thoát nạn nếu xảy ra sự cố nguy hiểm, sau khi Công an quận và UBND phường 1 tuyên truyền, vận động.
Khu dân cư số 5, phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có 5 khu nhà tập thể cũ với 285 hộ dân. Hầu như hộ gia đình nào cũng mở “chuồng cọp”. Đến nay, theo thống kê đã vận động được khoảng 80% hộ gia đình mở cửa thoát hiểm thứ 2 qua hàng rào, khung sắt “chuồng cọp”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Phong, Tổ trưởng Tổ dân phố số 5 cho hay, để vận động người dân hưởng ứng chủ trương “gia đình nào cũng có lối thoát hiểm thứ 2”, cán bộ tổ dân phố, dân phòng đã đi đến từng hộ để tuyên truyền vận động, đồng thời ký cam kết thực hiện.
Theo thống kê, phường Thanh Xuân Bắc có 4.100 hộ có “chuồng cọp”, hiện nay đã có gần 90% hộ mở lối thoát nạn thứ 2. Số còn lại khoảng 600 hộ chưa mở lý do là không có chủ ở nhà, chủ nhà cho thuê trọ hoặc các trường hợp bất khả kháng vì không có lối thoát nạn thứ 2 do căn hộ đã bị chia thành nhiều phòng. “Thanh Xuân Bắc là phường đầu tiên của quận Thanh Xuân tuyên truyền, vận động người dân mở lối thoát nạn thứ 2 và chúng tôi đã triển khai từ năm 2018 và đợt này là cao điểm. Để vận động người dân, UBND phường đã giao Bí thư chi bộ, tổ dân phố đến tuyên truyền vận động từng nhà. Thực tế là qua vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ vừa rồi, ý thức người dân cũng cao hơn. Số còn lại chưa mở, chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng vận động để đến hết năm 2023 sẽ hoàn thành. Để hỗ trợ các hộ dân, chúng tôi thông tin đến các tổ dân phố, giới thiệu thợ sắt để người dân lựa chọn. Mỗi hộ giá cả trung bình chỉ từ 300 – 350 nghìn/hộ, chính vì thế mà người dân rất đồng tình ủng hộ”, ông Nguyễn Hoàng Điệp, Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Bắc cho biết.
Trên địa bàn Hà Nội còn có những địa bàn vận động rất tốt người dân mở lối thoát nạn thứ 2 nữa như phường Giảng Võ. Có đến 29 chung cư cũ nhưng đến nay hầu hết các hộ có “chuồng cọp” đã mở lối thoát nạn thứ 2. “Thực ra câu chuyện vận động người dân mở lối thoát nạn thứ 2 phường chúng tôi đã triển khai thực hiện từ năm 2018, đợt vừa qua là đợt cao điểm để vét nốt những hộ cuối cùng. Hiện chỉ còn một số ít hộ thuê nhà không phải chính chủ nhưng chúng tôi cũng đã thống nhất với các hộ đó nếu không thực hiện thì chúng tôi sẽ xã hội hoá để làm nốt những hộ cuối cùng này bởi chi phí cũng chỉ vài trăm nghìn, không quá lớn”, bà Lê Thị Hường, Phó Chủ tịch UBND phường Giảng Võ cho hay.
Theo PGS.TS., Đại tá Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, việc các hộ dân ở các chung cư cũ hay nhà ở riêng lẻ làm các khung sắt bảo vệ hay “chuồng cọp” về mặt bản chất là để đảm bảo an toàn nhưng nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn thì lại vô tình làm khung, lồng tự nhốt mình. Khi xảy ra hỏa hoạn, “thời gian vàng” chỉ có ít phút ban đầu ngắn ngủi. Các khung, lồng sắt được làm kiên cố sẽ khiến việc tìm lối thoát và cứu nạn, cứu hộ gặp khó khăn. “Nếu chỉ phòng trộm mà quên phòng cháy thì sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt như ở các nhà chung cư cũ hoặc nhà ống sẽ chỉ có một lối thoát hiểm duy nhất là cửa chính khi các lối thoát hiểm khác đã bị bịt kín bởi khung sắt, “chuồng cọp”. Khi cứu nạn, cứu hộ, thời gian cắt các lồng sắt khá lâu dẫn. Do đó, những "chuồng cọp" càng được gia công kiên cố thì nguy cơ thiệt hại về người và tài sản càng lớn. Nếu trót xây dựng "chuồng cọp" để chống trộm, người dân cần lưu ý bắt buộc phải có cửa thoát hiểm”, PGS.TS., Đại tá Ngô Văn Xiêm khuyến cáo./.