Khám phá nghề tìm kiếm, cứu nạn hàng không

Đời sống xã hội - Ngày đăng : 08:55, 02/12/2023

Công tác tìm kiếm cứu nạn có vai trò vô cùng quan trọng, giúp ngăn ngừa và giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi có hiểm họa, rủi ro và tai nạn tàu bay xảy ra.
Đời sống xã hội

Khám phá nghề tìm kiếm, cứu nạn hàng không

PV (tổng hợp) 02/12/2023 08:55

Công tác tìm kiếm cứu nạn có vai trò vô cùng quan trọng, giúp ngăn ngừa và giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi có hiểm họa, rủi ro và tai nạn tàu bay xảy ra.

1. Vì sao cần có nghề tìm kiếm, cứu nạn hàng không?

Tìm kiếm, cứu nạn là các hoạt động nhằm cung cấp trợ giúp cho đối tượng sắp găp nguy hiểm hoặc phát hiện, xác định vị trí của đối tượng bị tai nạn nhằm cứu hộ, giảm thiệt hại rủi ro. Đối tượng cứu nạn có thể là người, động vật, máy móc,…

Trong lĩnh vực hàng không, chúng ta đều biết rằng khi có tai nạn tàu bay (máy bay) xảy ra, thiệt hại là vô cùng khủng khiếp. Hàng trăm người có thể chết hoặc bị thương, tàu bay bị hư hỏng, khách hàng sợ không dám bay, tổng thiệt hại có thể lên đến hàng tỉ đô la .

Vì vậy, công tác tìm kiếm cứu nạn có vai trò vô cùng quan trọng, giúp ngăn ngừa và giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi có hiểm họa, rủi ro và tai nạn tàu bay xảy ra.

Nhân viên tìm kiếm, cứu nạn hàng không là người thực hiện các công việc tìm kiếm, cứu nạn trong hoạt động hàng không.

433-202312091845481.jpg

2. Nghề tìm kiếm, cứu nạn hàng không làm công việc gì ?

Nghề tìm kiếm, cứu nạn hàng không có các chức danh tương đương với từng nhóm công việc, cụ thể như sau:

* Nhân viên trạm báo động tại cảng hàng không: túc trực thường xuyên 24/24h tại các trạm báo động đặt tại sân bay, có nhiệm vụ thu thập mọi thông tin liên quan đến tàu bay có nguy cơ gặp nguy hiểm hoặc đang gặp tai nạn và chuyển thông tin đó tới các Trung tâm hiệp đồng tìm kiếm – cứu nạn có liên quan.

* Nhân viên hiệp đồng tìm kiếm, cứu nạn: tiếp nhận thông tin báo động, đưa ra phương án tổ chức, điều động các lực lượng, phương tiện đến triển khai hoạt động tìm kiếm – cứu nạn; hiệp đồng (thỏa thuận, hợp tác) với các đơn vị, cơ quan, tổ chức khác để thực hiện công tác tìm kiếm – cứu nạn.

* Nhân viên tìm kiếm, cứu nạn hiện trường: là những người được huấn luyện, đào tạo và được cung cấp những thiết bị chuyên dụng để trực tiếp thực hiện công tác tìm kiếm – cứu nạn;

* Huấn luyện viên tìm kiếm, cứu nạn hàng không: là người chuyên thực hiện việc huấn luyện, đào tạo nghiệp vụ tìm kiếm, cứu nạn hàng không cho các nhân viên tìm kiếm, cứu nạn và cán bộ nhân viên khác hoạt động trong lĩnh vực hàng không.

dien-tap.jpg
Diễn tập tìm kiếm cứu nạn hàng không tại Nghệ An năm 2015.

3. Các yêu cầu nghề nghiệp khi làm nghề tìm kiếm, cứu nạn hàng không ?

Để ứng tuyển vị trí nhân viên tìm kiếm, cứu nạn hàng không, bạn cần đáp ứng một số tiêu chuẩn như sau:

– Tốt nghiệp trình độ từ THPT trở lên, ưu tiên những người đã tốt nghiệp Học viện hàng không Việt Nam hoặc các chuyên ngành về hàng không ở nước ngoài.

– Ngoại ngữ: thông thạo tiếng Anh, nếu biết thêm 1 ngoại ngữ khác càng tốt, có chứng chỉ điểm Toeic từ 450 trở lên hoặc chứng chỉ tiếng Anh tương đương khác

– Có lý lịch tư pháp tốt, không tiền án, không tiền sự

– Đủ sức khỏe làm việc theo tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên hàng không

4. Nghề tìm kiếm, cứu nạn hàng không làm việc ở đâu ? Làm việc với những ai ?

Nhân viên tìm kiếm, cứu nạn hàng không là nhân sự của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không – một đơn vị trực thuộc Tổng công ty quản lý bay Việt Nam.

Phạm vi tìm kiếm cứu nạn là vùng thông báo bay của Việt nam và vùng tìm kiếm cứu nạn được tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ủy quyền.

5. Học nghề tìm kiếm, cứu nạn hàng không bằng cách nào ?

Sau khi được tuyển vào làm vị trí nhân viên tìm kiếm, cứu nạn hàng không, bạn phải trải qua quá trình huấn luyện, đào tạo trong khoảng 1 năm. Sau đó phải nộp hồ sơ xin cấp giấy phép và thi năng định (năng lực thực hiện công việc) do Cục hàng không tổ chức.

Khi đã có giấy phép, năng định tìm kiếm, cứu nạn hàng không, bạn sẽ được phép thực hiện công việc chuyên môn trong lĩnh vực tìm kiếm, cứu nạn hàng không.

Lực lượng trực tiếp, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn của Tổng công ty quản lý bay hoạt động 24/24h gồm:

- Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng không thuộc Tổng công ty: Là cơ quan Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN Tổng công ty, tham mưu, chỉ đạo công tác chuyên môn TKCN, thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin về TKCN và phối hợp hiệp đồng với 3 Trung tâm Hiệp đồng TKCN tại 3 khu vực Bắc - Trung - Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan để thực thi nhiệm vụ TKCN.

- Trung tâm Hiệp đồng TKCN Hàng không thuộc Công ty Quản lý bay miền Bắc.

- Trung tâm Hiệp đồng TKCN Hàng không thuộc Công ty Quản lý bay miền Trung.

- Trung tâm Hiệp đồng TKCN Hàng không thuộc Công ty Quản lý bay miền Nam.

Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng là cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động tìm kiếm cứu nạn trong một vùng hoặc khu vực được phân công.

Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng được quy định tại Điều 5 Quyết định 33/2012/QĐ-TTg về Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng do Thủ tướng Chính phủ ban hành, cụ thể như sau:

1. Tàu bay lâm nguy, lâm nạn tại cảng hàng không, sân bay và khu vực lân cận của cảng hàng không, sân bay: Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo doanh nghiệp cảng hàng không chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương liên quan tại địa bàn thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn.

2. Tàu bay lâm nguy, lâm nạn trên biển: Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu chủ trì, phối hợp tìm kiếm, cứu nạn theo quy định tại Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển ban hành kèm theo Quyết định số 103/2007/QĐ-TTg ngày 12/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết tắt là Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển).

3. Tàu bay lâm nguy, lâm nạn ngoài khu vực quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này:

a) Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương liên quan tìm kiếm, xác định vị trí tàu bay lâm nạn;

b) Sau khi xác định được vị trí tàu bay lâm nạn, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tàu bay lâm nạn có trách nhiệm chủ trì cứu nạn tàu bay; trong trường hợp tàu bay lâm nạn tại khu vực ráp gianh giữa hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn xem xét, chỉ định Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ trì cứu nạn.

4. Bộ Quốc phòng Chủ trì tổ chức tìm kiếm, cứu nạn tàu bay dân dụng trong khu vực quân sự.

5. Trong trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của các cơ quan, đơn vị được quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều này, cơ quan chủ trì tìm kiếm cứu nạn báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn. Căn cứ vào tính chất và điều kiện cụ thể, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn điều động bổ sung lực lượng, phương tiện để tiếp tục thực hiện tìm kiếm, cứu nạn hoặc chỉ định một cơ quan khác chủ trì hoặc trực tiếp chủ trì tìm kiếm, cứu nạn tàu bay./.

PV (tổng hợp)