Để việc cứu hộ, cứu nạn đạt kết quả cần chủ động phương án phòng chống
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 08:04, 29/11/2023
Để việc cứu hộ, cứu nạn đạt kết quả cần chủ động phương án phòng chống
Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó của các đơn vị trực thuộc, sẵn sàng phòng chống kịp thời khi có bão, lũ xảy ra; thường xuyên tổ chức tập huấn, diễn tập phòng chống cứu hộ, cứu nạn.
Cả nước mới có 54 phao neo
Theo Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, việc đầu tư xây dựng, lắp đặt các phao neo trên các tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia còn hạn chế. Tổng số cả nước có 54 phao neo và 76 trụ neo trên cả ba miền Bắc, Trung Nam (ít so với nhu cầu thực tế neo đậu) chưa đáp ứng nhu cầu neo đậu tránh trú bão, lũ cho các phương tiện thủy, khi có bão, lũ bất ngờ xảy ra.
Đại diện Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam cho biết, đơn vị luôn xác định chủ động phòng ngừa ứng phó với thiên tai. Theo đó, năm 2022 và 10 tháng năm 2023, Cục tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực của Ban Chỉ huy, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và thực hiện tốt nhiệm vụ được Bộ Giao thông vận tải giao trong công tác tìm kiếm cứu nạn, đáp ứng diễn biến khí hậu khó lường giai đoạn hiện nay;
Thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó của các đơn vị trực thuộc, sẵn sàng phòng chống kịp thời khi có bão, lũ xảy ra; thường xuyên tổ chức tập huấn, diễn tập phòng chống bão, lũ cho các đơn vị trực thuộc;
Theo đó, đơn vị đã chỉ đạo thực hiện công tác thiết kế, đầu tư cơ sở hạ tầng các công trình đường thủy nội địa, có tính toán (lồng ghép) đến yếu tố ứng phó diễn biến khí hậu của giai đoạn hiện nay;
Đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư phương tiện, trang thiết bị có tính toán và chú trọng đến công tác phòng chống thiên tai bão, lũ;
Thường xuyên phổ biến kiến thức về công tác phòng, chống thiên tai; Đôn đốc, kiểm tra, giám sát đưa nội dung công tác phòng chống thiên tai vào trọng tâm cho mọi nhiệm vụ và xuyên suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam;
Ban hành văn bản, công điện bão, lũ, áp thấp nhiệt đới; chỉ huy triển khai thực hiện biện pháp ứng phó thiên tai kịp thời theo diễn biến bão lũ, để các đơn vị có ứng phó kịp thời, phòng chống khi bão, lũ trong khu vực được giao quản lý.
“Khi có bão, lũ xảy ra, ngay lập tức Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có công điện yêu cầu các Chi Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) khu vực, các Cảng vụ ĐTNĐ khu vực, Cảng vụ ĐTNĐ địa phương, các đơn vị Quản lý bảo trì trên các tuyến ĐTNĐ quốc gia, điều tiết khống chế đảm bảo giao thông, chống va trôi phải thường trực 24/24, nhân lực, thiết bị, vật tư đảm bảo phải sẵn sàng ứng trực.
Chúng tôi cũng trang bị đầy đủ trang thiết bị, thông tin liên lạc đảm bảo an toàn cho ứng phó thiên tai: áo phao, giày, mủ, súng bắn dây, đèn pin, điện thoại vệ tinh, thiết bị liên lạc sóng ngắn..., thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn đối với các vị trí cầu cống, các công trình hạ tầng giao thông thủy nội địa là các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, kiểm tra, hướng dẫn, hạn chế người và phương tiện lưu thông qua khu vực (không để phương tiện đậu đỗ khu vực cầu cống gây nguy hiểm khi có bão lũ xảy ra), tuân thủ chỉ đạo của cấp trên, để kịp thời ứng phó thiên tai”, đại diện Cục Đường thuỷ nội địa thông tin.
Cần có hệ thống văn bản hướng dẫn chuyên nghiệp
Song song với phòng ngừa, Cục cũng chú trọng đến công tác ứng phó. Ông Nguyễn Long, Trưởng phòng Vận tải – ATGT, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam cho biết, đơn vị đã được Cục giao xây dựng dựng hệ thống văn bản triển khai về công tác phòng chống bão lũ, thiên tai, thực hiện theo nguyên tắc phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.
Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có văn bản đề nghị các Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Sở GTVT ủy thác, Cảng vụ ĐTNĐ địa phương, các đơn vị Quản lý bảo trì và các đội xung kích sẵn sàng ứng cứu trong mọi tình huống, tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc 4 tại chỗ; bão, lụt, sự cố thiên tai, thảm họa và tai nạn xảy ra ở địa bàn thuộc đơn vị nào quản lý, thì đơn vị đó phải chủ động chỉ đạo đội xung kích, huy động các lực lượng của đơn vị thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão, sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đồng thời báo cáo về Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp trên theo quy định.
Đồng thời huy động nguồn lực phục vụ hoạt động ứng phó, nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm của các tổ chức cá nhân để phục vụ ứng phó thiên tai và cứu trợ khẩn cấp theo cấp độ thiên tai.
“Chúng tôi cũng đã tiến hành thực hiện đầu tư xây dựng các phao neo cho tàu thuyền neo đậu tránh trú, bão, lũ trên các tuyến ĐTNĐ trọng điểm quốc gia; Thực hiện điều tiết khống chế đảm bảo giao thông tại các vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường thủy nội địa, để đảm bảo an toàn cho phương tiện thủy lưu thông qua khu vực nguy hiểm, giảm thiểu tai nạn đường thủy nội địa tại 27 vị trí trên các tuyến ĐTNĐ quốc gia; Thực hiện công tác thường trực chống va trôi mùa bão, lũ trên cả nước gồm có 18 vị trí, đảm bảo an toàn, thuận lợi cho các phương tiện lưu thông qua khu vực nguy hiểm; Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, luôn sẵn sàng phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng, chính quyền địa phương sở tại trong công tác xử lý tai nạn và tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra”, ông Long thông tin.
Được biết, để giảm thiểu thương vong trong các vụ tai nạn giao thông, Cục Đường thủy nội địa đã bố trí kinh phí mua dụng cụ cứu sinh và vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành hỗ trợ, đã tổ chức phát miễn phí cho người dân tham gia giao thông đường thủy dụng cụ áo phao, ba lô phao, áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh trong đợt các từ tháng 7/2022 đến hết tháng 9/2022 và tháng 10/2023 vừa qua.
Đại diện Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, từ tháng 7/2022 đến nay, Cục đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn lĩnh vực đường thủy nội địa, được các địa phương đánh giá cao. Theo đó, đã thực hiện kiểm tra và tập huấn, huấn luyện cho 28 tỉnh trọng điểm ven biển; bổ sung kiến thức cho trên 800 người là đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước các địa phương; bồi dưỡng kiến thức cho các doanh nghiệp vận tải, các chủ tàu và thuyền trưởng./.