Chuyển đổi số đang mang lại nhiều kết quả tích cực cho Kon Tum
Truyền thông - Ngày đăng : 10:08, 11/12/2023
Chuyển đổi số đang mang lại nhiều kết quả tích cực cho Kon Tum
Trên hành trình chuyển đổi số, tỉnh Kon Tum đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Nỗ lực chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực của Kon Tum
Kon Tum sở hữu một vẻ đẹp tự nhiên và văn hóa đa dạng, là bảo tàng của các dân tộc thiểu số. Chuyển đổi số đã góp phần quan trọng trong việc phát triển ngành du lịch của tỉnh. Vì thế, Kon Tum đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, tạo ra mô hình du lịch thông minh giúp thu hút du khách và tăng cường trải nghiệm. Các ứng dụng di động và trang web du lịch cung cấp thông tin về các điểm tham quan, nhà hàng, khách sạn và hoạt động giải trí, giúp du khách dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn dịch vụ phù hợp.
Hơn nữa, việc áp dụng công nghệ IoT (Internet of Things) đã cho phép giám sát thông minh các điểm du lịch, tăng cường an ninh và đảm bảo an toàn cho du khách. Sự phát triển của du lịch thông minh không chỉ tạo nguồn thu kinh tế mới mà còn giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương.
Lĩnh vực nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong kinh tế của Kon Tum. Chuyển đổi số đã giúp nâng cao hiệu suất và chất lượng sản xuất nông nghiệp thông qua việc áp dụng công nghệ IoT, cảm biến, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Các giải pháp công nghệ này giúp nông dân quản lý và giám sát môi trường sản xuất, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, và giảm thiểu rủi ro. Sản phẩm nông nghiệp thông minh như rau sạch, chăn nuôi hữu cơ và cây ăn quả theo tiêu chuẩn quốc tế không chỉ đáp ứng yêu cầu thị trường mà còn mang lại giá trị gia tăng cho người nông dân và thúc đẩy phát triển nông thôn.
Mới đây, Hội nghị tập huấn về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp đã diễn ra, nhằm trao đổi, thảo luận về các phương pháp đẩy mạnh quá trình ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong nông nghiệp; chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong nông nghiệp đi vào cuộc sống, kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng, giữa cung - cầu, giảm tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất, đồng thời nâng cao chất lượng nông sản.
Trong lĩnh vực giáo dục, việc triển khai hệ thống quản lý học tập trực tuyến, trang web giáo dục và ứng dụng di động giúp cải thiện quản lý và tăng cường chất lượng giảng dạy. Bà Phạm Thị Trung, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, từng khẳng định tại Hội thảo giải pháp chuyển đối số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo năm học 2023 – 2024 của tỉnh, rằng chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là giải pháp quan trọng, yếu tố cần thiết để nâng cao chất lượng dạy học và quản lý, chuyển đổi số đã tạo nên nhiều bước ngoặt phát triển, mở ra nhiều phương thức giáo dục mới, thông minh, hiệu quả hơn và đồng thời tiết kiệm chi phí cho người học.
Theo đó, Kon Tum đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy đổi mới công tác quản lý giáo dục, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện trường học và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại trong toàn Ngành; thu hút đông đảo mọi tầng lớp trong xã hội quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.
Thông báo số 878-TB/TU ngày 8/11/2023, Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các huyện ủy, thành ủy, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt các chỉ đạo của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tăng cường triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng, dữ liệu dân cư
Kon tum cũng sẽ tăng cường triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng, dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh đến cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng hình thức phù hợp, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với đời sống và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Về phát triển dữ liệu dân cư, Kon Tum đã triển khai đợt cao điểm 50 ngày, đêm thực hiện đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân trên địa bàn tỉnh. Đây là đợt cao điểm nhằm hoàn thành mục tiêu 100% công dân đã được phê duyệt tài khoản định danh điện tử thực hiện kích hoạt thành công trên ứng dụng VNeID mức độ 2 trước ngày 30/12.
Công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, liên tục về ý nghĩa, tầm quan trọng, các tiện ích của tài khoản định danh điện tử và ứng dụng VNeID đối với các lĩnh vực trong đời sống, kinh tế, xã hội đã được đẩy mạnh, nhằm tạo sự đồng thuận, tham gia sử dụng ứng dụng VNeID của đông đảo người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch trên môi trường điện tử.
Theo nội dung buổi làm việc của đoàn công tác Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) với tỉnh Kon Tum mới đây, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh được thực hiện thống nhất, đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ. Đến nay, trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đã cung cấp 1.371 DVCTT trên tổng số 1.713 TTHC, trong đó có 998 DVCTT toàn trình (chiếm 58,3% TTHC), 373 DVCTT một phần (chiếm 21,7% TTHC). Kon Tum cũng đã triển khai biểu mẫu điện tử tương tác đối với phần thông tin chung cho 100% DVCTT, trong đó có 180 DVCTT có thành phần hồ sơ là tờ khai đã được chuẩn hóa thành biểu mẫu tương tác thay cho mẫu đơn, tờ khai đi kèm thủ tục hành chính.
Kon Tum đang nỗ lực từng bước cải thiện các dịch vụ hành chính công, mang lại môi trường hành chính minh bạch và tiện ích, từ đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp thuận lợi kinh doanh, phát triển. Lãnh đạo tỉnh Kon Tum xác định chuyển đổi số đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế địa phương.
Từ việc tăng cường môi trường kinh doanh, khai thác tiềm năng du lịch, nâng cao hiệu suất nông nghiệp, phát triển công nghiệp 4.0 cho đến đào tạo nhân lực, các nỗ lực này đang tạo ra sự phát triển bền vững và tạo điều kiện thuận lợi cho sự thịnh vượng của tỉnh. Kon Tum đã và đang trở thành một điển hình thành công trong việc sử dụng công nghệ để thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân./.