Tình trạng bạo lực làm suy giảm năng lực xã hội
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 15:27, 10/06/2023
Tình trạng bạo lực làm suy giảm năng lực xã hội
Sau hàng loạt những vụ bạo lực gia đình gây rúng động xã hội, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia về bạo lực giới và gia đình Nguyễn Vân Anh, xung quanh câu chuyện bạo lực phụ nữ và trẻ em vẫn đang diễn ra nhức nhối.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, bà Nguyễn Vân Anh bắt đầu công việc là phóng viên Diễn đàn các vấn đề xã hội Đài tiếng nói Việt Nam. Bà là người khởi xướng đường dây nóng (hotline) về bạo lực gia đình đầu tiên ở Việt Nam. Với hơn 20 năm hoạt động xã hội, bà đã phát triển đường dây nóng thành Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA).
Chuyên gia Nguyễn Vân Anh người từng được Tạp chí Forbes Việt Nam bầu chọn là một trong 50 phụ nữ quyền lực nhất của năm vì ảnh hưởng của bà ở lĩnh vực bảo vệ quyền của những người yếu thế, trẻ em và phụ nữ bị tổn thương bởi kỳ thị và bạo lực.
PV: Cho dù đã bước qua vài thập niên của thế kỉ 21, thật đau lòng và khó tưởng tượng khi trong xã hội vẫn tồn tại những sự việc phụ nữ, trẻ em bị bạo hành một cách tàn nhẫn. Một phụ nữ lấy chồng Hải Dương bị chồng đánh bầm dập nhiều lần phải tìm mọi cách mới chạy thoát về quê; một đứa trẻ bị người đàn ông sống chung với mẹ đánh tới hôn mê… là hai sự việc mới nhất vừa xảy ra. Thưa bà, bà bình luận gì về điều này?
Chuyên gia Nguyễn Vân Anh: Qua các phương tiện truyền thông, hiện tại hiểu biết về bạo lực của cả nam giới và phụ nữ đã được cải thiện. Song tư tưởng nam quyền vẫn đang rất nặng nề, ăn sâu vào suy nghĩ của người Việt Nam, dẫn đến tình trạng một bộ phận người chồng/bạn tình có nhiều mưu mô trong việc đối phó, che đậy hành bi bạo lực.
Chẳng hạn, nhiều ông chồng lôi vợ vào góc khuất, tránh camera để đánh vợ. Hay ngồi trên bàn nhậu, đấng mày râu tuyên bố "thằng nào đánh vợ mà để lại dấu vết là thằng ngu".
Thậm chí, rất tiếc khi phải thừa nhận rằng trong thời đại xã hội phát triển, tình trạng bạo lực đã ghi nhận những xu hướng, biến thể mới. Ngày nay, phụ nữ kiếm được nhiều tiền hơn chồng cũng có nguy cơ bị bạo lực.
Do công việc của mình, tôi có nhiều điều kiện tiếp xúc với các phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình. Không thể nói hết những trải nghiệm đau đớn mà họ cũng như con cái họ phải chịu đựng. Tuy nhiên, tôi muốn nói đến một khía cạnh ít được quan tâm: Bạo lực gia đình có thể làm thui chột mọi năng lực, lấy đi nguồn năng lượng và làm suy giảm sức sáng tạo của mỗi cá nhân. Đó là một thiệt thòi lớn cho người trong cuộc cũng như cho xã hội.
Theo bà, về mặt chính sách, làm thế nào để thúc đẩy những thay đổi mạnh mẽ hơn không phải chỉ ở nhận thức mà cả hành vi trong vấn đề bạo lực giới và gia đình?
- Theo tôi được biết thì Chính phủ đang lấy ý kiến thảo luận để thông qua Nghị định về phòng, chống bạo lực gia đình trong đó khuyến khích các mô hình dịch vụ hỗ trợ phòng, chống bạo lực gia đình ngoài công lập. Trước đó, cũng đã có các nghị định về các trung tâm bảo trợ xã hội ngoài công lập với những điều khoản rất nhân văn. Chỉ cần các ngành, các địa phương tuân thủ Luật, nghị định và các văn bản pháp luật khác là phụ nữ được nhờ rồi.
Theo bà đánh giá, ở Việt Nam, các nghiên cứu khoa học về giới, bạo lực giới và gia đình của các cơ quan nghiên cứu nhà nước đang tác động như thế nào đến chính sách ở lĩnh vực này?
- Tôi không đủ thông tin để đánh giá họ. Nghiên cứu gì thì cuối cùng phải đạt được đến mức thay đổi các chính sách xã hội nhằm tác động trên một diện rộng ở cấp quốc gia. Còn các đề tài nghiên cứu mang tính đặt hàng, làm xong thì rồi cũng quên luôn, hôm nay đặt hàng cái này mai đặt hàng cái khác, không dẫn đến những tác động xã hội.
Sự kiên định với một chủ đề đòi hỏi rất nhiều sự hi sinh, sự quyết liệt, tình yêu và sự đam mê. Hơn 20 năm qua nếu chúng tôi nhảy rất nhiều lĩnh vực thì tôi nghĩ là chúng tôi không chuyên sâu được như bây giờ.
Vậy hiện nay, bà có quan điểm như thế nào để tác động tới việc thay đổi hành vi của xã hội đối với vấn đề bạo lực giới và gia đình?
- Tôi không phải là người đấu tranh để chống lại bạo lực. Tôi chỉ là người góp phần để thay đổi tình trạng bạo lực đối với những người bị bạo lực trên cơ sở giới, với mong muốn là được chuyển hóa bạo lực thành tình yêu thương.
Tôi là người tình cảm và lãng mạn mà một người tình cảm và lãng mạn thì sẽ không bao giờ chống lại cái gì cả, người ấy không đấu tranh, người ấy chỉ muốn chuyển hóa thôi. Nên bạn sẽ thấy Csaga có một chương trình rất kì lạ là chúng tôi có một chương trình tác động đến nam giới và trẻ em trai.
Chúng tôi muốn những người gây ra bạo lực sau khi tiếp xúc với chương trình của chúng tôi thì họ trở thành những người có thể đem hạnh phúc cho bản thân họ, biết cách sống hạnh phúc với họ và với những người thân.
Quan niệm này có khác gì so với thời kỳ đầu tiên chị tham gia hoạt động trong lĩnh vực này không?
- Có khác. Hồi đầu tôi quyết liệt khiến mọi người nghĩ tôi đang đấu tranh cho nữ quyền bởi vì tôi không chấp nhận sự lưng chừng, sự thờ ơ vô cảm đối với những thứ liên quan đến số phận con người. Thực ra sau này tôi đã phải nhìn lại, nhìn mọi thứ bằng tình thương hơn, kể cả với những kẻ gây ra tội lỗi với phụ nữ và trẻ em.
Vì sao bà lại có sự thay đổi đó?
- Tôi đọc “Một mình và cô đơn” của Oslo. Ông ấy nói rằng cô đơn là một cảm giác tiêu cực, nó là cảm giác của người đi xin. Người cô đơn là người thiếu hụt và cần sự bù đắp. Còn người một mình là người đó lặng xuống, vững vàng và yên ổn về sự một mình của mình. Tôi nghĩ trong công việc cũng như vậy, bây giờ tôi vẫn vận động cho công bằng và bình đẳng giới nhưng bằng tâm thế nhìn mọi sự nó bình tĩnh và thấu hiểu trong cái bối cảnh hiện tại hơn.
Trong trường hợp cấp bách khi phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, mô hình nhà tạm lánh có ý nghĩa như thế nào thưa bà?
- Lần đầu tiên đến cách đây hơn 20 năm, lúc ấy Thái Lan còn chưa có cái nhà tạm lánh nào. Nhưng mới đây tôi trở lại thì tất cả các bệnh viện đều có trung tâm hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới ở ngay cổng viện, màu hồng êm ái thân thiện. Tôi từng thăm 2 cái nhà tạm lánh lớn nhất của Thái Lan, và 1 trong 2 cái đó là nhà tạm lánh lớn nhất thế giới luôn, nó như một cái resort. Giá mà Bộ Y tế của VN thời gian tới có thể triển khai làm nhà tạm lánh ngay tại cổng các bệnh viện thì thật tuyệt.
Cùng với việc trông chờ chính sách và các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài, bà mong muốn điều gì ở nạn nhân của bạo lực gia đình?
- Một trong những điều khi hỗ trợ cho nạn nhân của bạo lực giới là chúng tôi khích lệ sự tự cường để tự giải quyết vấn đề của mỗi người mà không trông chờ.
Ngày nay, chúng ta có nhiều thuận lợi để thoát khỏi bạo lực gia đình và đến với tự do, để giải phóng mọi năng lượng sáng tạo và được sống tự trọng như những con người. Nhưng làm được việc ấy, chúng ta phải vượt qua được những thách thức, đầu tiên là của chính mình, từ thói quen, quan niệm… rồi mới đến những thách thức bên ngoài.
Xin cảm ơn bà!
Theo CSAGA, kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy khoảng hai trong số ba phụ nữ Việt Nam (62,9%) đã trải qua ít nhất một trong các hình thức bạo lực về thể chất, bạo lực tình dục, bạo lực tâm lý và/hoặc bạo lực kinh tế trong cuộc đời. Một nửa số phụ nữ từng bị bạo lực về thể chất và/hoặc bạo lực tình dục do người chồng/bạn tình gây ra không kể cho bất cứ ai về tình trạng của họ và hầu hết những người trong số họ (90,4%) đã không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào./.