Quân đội xung kích, chủ lực trong tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 15:38, 26/11/2023
Quân đội xung kích, chủ lực trong tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn
Cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, các lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam còn xung kích, chủ lực trong tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.
Đại tá Vũ Văn Hưng, Phó Tham mưu trưởng BĐBP; đồng chí Nguyễn Văn Tính, Phó Tổng giám đốc Trung tâm phối hợp TKCN hàng hải Việt Nam dự và chỉ đạo hội nghị. Đại tá Phạm Văn Hóa, Chỉ huy trưởng BĐBP Nam Định và ông Đào Văn Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm phối hợp TKCN hàng hải khu vực I chủ trì hội nghị.
Trong năm qua, BĐBP 9 tỉnh, thành phố (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình), Hải đoàn Biên phòng 38, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực I đã phối hợp chặt chẽ, tổ chức thực hiện hiệu quả, nền nếp quy chế phối hợp; khai thác có hiệu quả các mạng, kênh nắm thông tin về thiên tai, tai nạn và sự cố trên biển; duy trì nghiêm quy định về thông báo, xác minh, xử lý thông tin và phối hợp giải quyết tốt các vụ việc xảy ra trên biển; công tác bàn giao, tiếp nhận, hỗ trợ người, phương tiện bị nạn đảm bảo kịp thời, đúng quy trình.
Các đơn vị đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân. Duy trì nghiêm chế độ thường trực lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia xử lý kịp thời các tình huống xảy ra bảo đảm an toàn cho ngư dân và các hoạt động kinh tế biển, đảo, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn trên biển, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Các lực lượng đã phối hợp cứu hộ, cứu nạn 187 vụ/120 phương tiện/786 người; tổ chức bàn giao, tiếp nhận người, phương tiện bị nạn trên biển tổng 15 lần/100 người. Xử lý một số tình huống nguy cấp trên biển, đồng thời cấp miễn phí 640 lá cờ Tổ quốc, 250 ảnh Bác Hồ, 1.550 phao cứu sinh các loại cho ngư dân, phát 2.457 tờ rơi tuyên truyền pháp luật, treo hơn 200 băng rôn khẩu hiệu các loại...
Phát biểu tại hội nghị, Đại tá Vũ Văn Hưng, Phó Tham mưu trưởng BĐBP đánh giá cao tinh thần hiệp đồng, phối hợp chung của các đơn vị trong năm qua. Đồng chí yêu cầu, thời gian tới các đơn vị tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm Quy chế giữa các đơn vị liên quan, trên cơ sở đó cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm.
Theo dõi, nắm chắc diễn biến thời tiết, thiên tai, tai nạn, sự cố; khai thác có hiệu quả kênh thông tin TKCN giữa các đơn vị và giữa đơn vị với ngư dân, duy trì nghiêm chế độ ứng trực lực lượng, phương tiện, chế độ trao đổi thông tin và phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, nhất là khi huy động lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Khi có bão, áp thấp nhiệt đới phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân khẩn trương đưa phương tiện vào nơi tránh trú an toàn. Kiên quyết cưỡng chế, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định; đồng thời làm tốt công tác truyền thông, tổ chức rút kinh nghiệm trong từng đợt phối hợp, kịp thời chấn chỉnh khâu yếu, mặt yếu, bổ sung những giải pháp phù hợp nâng cao hiệu quả công tác TKCN; kết hợp chặt chẽ giữa công tác phối hợp TKCN với bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Kinh nghiệm trong công tác TKCN cần triển khai
Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Hải quân từ đất liền đến đảo xa, trên những con tàu trực và Nhà giàn luôn sẵn sàng mọi biện pháp để kịp thời cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai. Qua đó, đã tạo niềm tin và chỗ dựa vững chắc cho nhân dân trong mọi tình huống.
Từ kinh nghiệm thực tế, Quân chủng Hải quân rút ra nhiều bài học trong công tác TKCN.
Một là, thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho bộ đội và nhân dân về công tác TKCN trên biển. Khu vực Biển Đông nước ta là một trong những vùng trọng điểm về bão và hiểm họa thiên tai. Sự biến đổi khí hậu toàn cầu trong những năm gần đây làm cho thời tiết, khí hậu, thủy văn diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Do vậy, công tác TKCN trên biển luôn phải tiến hành trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng bộ đội.
Cùng với đó, Quân chủng còn thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân về công tác TKCN. Để làm chuyển biến nhận thức và hành động cho ngư dân, các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, với cấp ủy, chính quyền các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động để nhân dân thực hiện tốt phương châm “Tự cứu mình là chính”; đồng thời, hướng dẫn ngư dân sử dụng các phương tiện thông tin, tín hiệu báo khẩn cấp khi gặp sự cố...
Hai là, đẩy mạnh công tác huấn luyện, diễn tập. Có thể nói, công tác TKCN là nhiệm vụ chiến đấu của Bộ đội Hải quân trong thời bình. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, nhất thiết phải coi trọng công tác huấn luyện, diễn tập cho bộ đội. Đặc biệt, với đội ngũ thuyền trưởng, các đơn vị tập trung xây dựng cho họ có bản lĩnh chính trị vững vàng và trình độ chuyên sâu về TKCN; nắm chắc quy luật thời tiết: gió, bão, dòng chảy... trong từng khu vực, tính toán nhanh, chính xác độ trôi dạt của tàu, thuyền bị nạn để có phương án TKCN nhanh, hiệu quả và tiết kiệm nhất. Bên cạnh đó, các đơn vị còn xây dựng các phương án, kế hoạch và tổ chức luyện tập, diễn tập TKCN; qua đó, rèn luyện bản lĩnh, nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành của cán bộ và khả năng phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các phân đội, các lực lượng tham gia TKCN trên biển.
Ba là, thực hiện tốt công tác bảo đảm. Thực tế cho thấy, chi phí cho hoạt động đề phòng thiên tai, tai nạn rủi ro luôn thấp hơn chi phí khắc phục hậu quả trên biển; nếu chuẩn bị chu đáo mọi mặt, khi sự cố xảy ra, các đơn vị TKCN sẽ chủ động ứng phó nhanh chóng, kịp thời và giảm tối đa thiệt hại. Vì vậy, Quân chủng chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc tư tưởng chỉ đạo: “Phòng là chính, tích cực, chủ động, ứng cứu nhanh, có hiệu quả”, và vận dụng phương châm 4 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp (con người, phương tiện, vật chất), phối hợp với các lực lượng khác ứng cứu kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước, quân đội và nhân dân.
Bốn là, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng hoạt động trên biển. Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước “Tiến ra biển và làm giàu từ biển”, nhiều ngành kinh tế: giao thông, thăm dò, khai thác dầu khí, du lịch sinh thái biển, đánh bắt hải sản... với các công trình, phương tiện hoạt động trên biển cũng tăng nhanh. Những yếu tố trên vừa có mặt thuận lợi là có nhiều lực lượng tham gia TKCN, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn, rủi ro và hiểm họa tới môi trường biển. Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng hoạt động trên biển mới đảm bảo công tác TKCN đạt hiệu quả cao. Là lực lượng nòng cốt, chủ yếu trong công tác TKCN, Bộ đội Hải quân luôn bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Uỷ ban Quốc gia TKCN, Cục Cứu hộ, cứu nạn... và phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan thường trực Phòng chống thiên tai - TKCN của các bộ, ngành (Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Trung tâm phối hợp TKCN Hàng hải...) và cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng các kế hoạch, phương án TKCN trên biển. Để thực hiện các phương án, kế hoạch này, các đơn vị đã tích cực nắm thông tin liên quan đến thực trạng khả năng đi biển của các tàu, thuyền, về ngư trường và tần số thông tin liên lạc của các tàu... để chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động TKCN. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng TKCN của Quân chủng còn chủ động bám sát cơ quan chỉ đạo cấp trên, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng liên quan để xây dựng phương án TKCN phù hợp, đảm bảo nhanh chóng tìm kiếm khi tàu bị nạn và tổ chức lai kéo về bờ hoặc đảo gần an toàn, tiết kiệm nhất.
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong những năm qua, Quân chủng Hải quân thực sự là lực lượng nòng cốt trong công tác TKCN trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; đồng thời, xây dựng môi trường biển Việt Nam an toàn hơn, thúc đẩy việc đầu tư, khai thác, sử dụng và phát triển kinh tế biển trong thời kỳ mới./.